Là 1 trong 5 bệnh viện (BV) đa khoa hạng đặc biệt của cả nước, hằng ngày BV T.Ư Huế có khoảng 500 - 600kg chất thải rắn y tế nguy hại cần xử lý. Vốn có một khu xử lý rác thải y tế (RTYT) trong BV nằm ở vị trí trung tâm TP.Huế, nhưng để giải quyết tình trạng quá tải, mất mỹ quan đô thị, BV đã xây dựng khu xử lý RTYT cách tỉnh lộ 15 chỉ khoảng 50m, thuộc P.Phú Bài, TX.Hương Thủy.
Năm 2011, khu xử lý RTYT mới của BV đi vào hoạt động. Tuy vậy, việc xử lý RTYT tại đây hết sức cẩu thả. Chất thải y tế nguy hại sau khi thu gom từ BV mang về, nhân viên vứt tất cả vào một cái hố đào bên cạnh lò đốt RTYT, rồi… châm lửa đốt cháy. Mỗi lúc đốt khói đen bốc lên nghi ngút bao phủ cả một vùng đồi rộng lớn nằm bên tỉnh lộ 15. Không chỉ thế, các chai lọ y tế bằng thủy tinh thay vì đưa vào lò đốt hay xử lý một cách bài bản thì chúng được đổ tràn ra trên đồi!
tin liên quan
Kinh hãi hàng ngàn kim tiêm bỏ ngoài đườngSáng 8.6, trên tuyến đường nông thôn thuộc ấp Xà Lan, xã An Ninh (H.Châu Thành, Sóc Trăng) nhiều người đi đường rất kinh hãi khi phát hiện một bọc xốp chứa đầy kim tiêm đủ các loại… đã qua sử dụng vứt bên lề đường.
Tháng 3.2016, dư luận phát hiện và lên tiếng thì việc này mới chấm dứt, BV đã cho đào các lớp đất, mang những chai lọ thủy tinh y tế đã lỡ chôn đi xử lý. Tuy nhiên theo ghi nhận của chúng tôi vào ngày 11.9 còn vô số chai lọ sau khi đốt vẫn còn nằm ngổn ngang trên hố “xử lý lộ thiên” nói trên, điều này khiến nhiều người dân bất an.
Không chỉ khói bụi, điều nguy hiểm là khu xử lý RTYT nằm phía đầu nguồn của một khe nước đổ về P.Thủy Phù (TX.Hương Thủy) khiến người dân bất an. Một cán bộ thuộc Chi cục Bảo vệ môi trường Thừa Thiên-Huế nhìn nhận khu xử lý này chưa từng được cấp phép chính thức mà chỉ hoạt động theo một số văn bản có tính tạm thời của UBND tỉnh.
Hiện có hàng trăm cơ sở y tế từ tuyến xã đến T.Ư đóng trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên-Huế, nhưng chỉ có BV Giao thông vận tải sử dụng công nghệ vi sóng để xử lý RTYT. Để cải thiện tình hình, năm 2015, tỉnh đã đầu tư và đưa vào sử dụng lò đốt rác nhập từ Anh là lò xử lý rác thải nguy hại duy nhất đến thời điểm này ở Thừa Thiên-Huế được Bộ TN-MT cấp phép.
Theo đó, trong khoảng 750kg RTYT được đơn vị này xử lý mỗi ngày, có khoảng 600kg RTYT được thu gom từ BV T.Ư Huế, 150kg thu từ một số cơ sở y tế khác. Rõ ràng còn một số lượng rất lớn RTYT chưa được xử lý hoặc xử lý không đúng quy cách làm gia tăng nguy cơ bức tử môi trường.
Mới xử lý trên “đầu ngón tay”
Theo TS Nguyễn Việt Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường Thừa Thiên-Huế, về nguyên tắc đã là chất thải nguy hại (CTNH) thì chủ nguồn thải phải đăng ký cơ sở phát sinh CTNH. Điều này cũng có nghĩa những cơ sở là chủ nguồn thải các chất có yếu tố độc hại, phóng xạ, lây nhiễm, dễ cháy dễ nổ, gây ăn mòn, gây ngộ độc cũng phải đăng ký nguồn thải CTNH với cơ quan chức trách.
Theo ông Hùng, ảnh hưởng độc hại của CTNH có thể xảy ra trong thời gian rất ngắn gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người qua nguồn nước, không khí; ảnh hưởng hệ sinh thái, công trình dân sinh kinh tế (chất cháy, nổ); nhưng cũng có những tác hại diễn ra trong 20 năm hoặc hơn như kích thích sự phát tác của các tế bào ung thư.
Hiện Công ty CP môi trường và công trình đô thị Huế là đơn vị “trụ cột” về xử lý CTNH của toàn tỉnh khi được đầu tư một lò đốt CTNH công suất 500kg/giờ. Tuy nhiên, lãnh đạo công ty thừa nhận trong hàng trăm mã CTNH không phải mã nào công ty này cũng được phép xử lý. Một thách thức khác là các đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, hành nghề chưa trung thực và dè dặt đăng ký chủ nguồn thải CTNH.
Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh cho hay tính đến cuối tháng 8.2016 có 207 chủ nguồn thải CTNH với 350 cơ sở phát sinh CTNH với tổng khối lượng khoảng 400 tấn/năm có đăng ký với Sở TN-MT tỉnh. Đây là con số còn khá khiêm tốn so với hàng trăm cơ sở phát sinh CTNH trên địa bàn tỉnh.
Bình luận (0)