Cháy rừng tại Hà Tĩnh: Người hùng trong cuộc chiến chống 'giặc lửa'

Phạm Đức
Phạm Đức
03/07/2019 09:47 GMT+7

Nghe tin cháy rừng ở xã bên, ông Đậu Văn Tiến (53 tuổi, trú tại thôn 8, xã Xuân Phổ, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh) lập tức vác cưa xăng lao lên rừng cắt cây làm đường băng cản lửa, ngăn đám cháy không lan rộng.

Tiên phong làm đường băng cản lửa

Trong số hơn 1.000 người suốt 3 ngày 2 đêm tham gia dập tắt vụ cháy rừng phòng hộ ở tiểu khu 92 trên núi Hồng Lĩnh (xã Xuân Hồng và thị trấn Xuân An, huyện Nghi Xuân) thì ông Tiến được xem như người hùng vì có công lớn trong việc làm đường băng cản lửa. Gió Lào thổi mạnh và thảm thực bì dày khiến lửa bùng phát mạnh nên làm đường băng là một trong những phương án hữu hiệu nhất trong việc chữa cháy, cô lập, ngăn đám cháy rừng lan rộng. 
Dẫn chúng tôi trở lại khu rừng khi vụ cháy đã được dập tắt hoàn toàn, ông Tiến chỉ tay vào đường băng cản lửa dài hàng trăm mét chạy từ chân núi lên tận đỉnh mà ông cùng bộ đội đã tạo ra, nói rằng: “Nếu không có những con đường như thế này để ngăn cách thì chắc toàn bộ cánh rừng đã bị ngọn lửa thiêu trụi”.

Khu rừng phòng hộ bị cháy

Ảnh Phạm Đức

Ông Tiến cho biết, vào trưa 28.6, nghe tin cánh rừng trên núi Hồng Lĩnh cách nhà chừng 10 cây số đang bốc cháy dữ dội nên lập tức mang theo cưa xăng chạy đến hiện trường. Khi đến nơi, ông Tiến thấy lửa bùng cháy từ phía trên đỉnh núi và có dấu hiệu cháy lan xuống phía dưới.
"Cạnh quốc lộ 1A có các cây xăng, ngân hàng, nhà hàng, quán xá kinh doanh và hàng chục hộ dân đang sinh sống. Nếu như lửa lan xuống đây thì vô cùng nguy hiểm", ông Tiến nói.
Tại đây đang có gần 100 bộ đội tham giam gia chữa cháy rừng, ông Tiến vội nói: "“Các chú bộ đội hãy đi theo tôi. Phải làm đường băng cản lửa để chặn lửa lại ngay nếu không người dân ở đây sẽ nguy to, rừng sẽ bị thiêu trụi hết”.
Người đàn ông 53 tuổi này tiên phong dẫn đầu đoàn lao lên rừng, dùng cưa xăng đốn hạ hàng nghìn cây thông để làm đường băng cản lửa, ngăn đám cháy lan rộng. Các chiến sĩ theo sau ông dọn cây và thực bì để tạo ra đường băng trắng có chiều rộng chừng 17 - 20 m.

Những cây thông nhiều năm tuổi buộc phải đốn hạ để làm đường băng cản lửa

Ảnh Phạm Đức

Gió Lào thổi mạnh, thảm thực bì dày khiến đám cháy liên tục bùng phát dù trước đó đã được các lực lượng dùng nước, máy thổi lửa và cành cây dập tắt. Từ ngày cho đến đêm, nhiều nơi trên khu rừng vẫn đang trong tình trạng cháy rừng rực. Ông Tiến và các chiến sĩ buộc phải ăn nghỉ ngay trong rừng để thực hiện nhiệm vụ như ban đầu. Việc tiếp cận ngọn lửa để làm đường băng ngăn chặn là vô cùng nguy hiểm vì chỉ có phương tiện dập lửa thô sơ.
“Lửa cháy dữ dội và lan nhanh lắm, nếu mình không làm thật nhanh thì nguy cơ toàn bộ anh em sẽ bị lửa bao vây không có đường thoát. Dù đã bị vắt kiệt sức do nhiều ngày ở trong rừng làm nhiệm vụ nhưng ai cũng làm việc rất tích cực và đoàn kết động viên nhau tác chiến. Rất may là rủi ro không xảy ra”, ông Tiến nói.

Ông Tiến bị thương ở đùi và tay khi làm đường băng

Ảnh Phạm Đức

Quá trình cắt cây làm đường băng, ông Tiến bị thương ở đùi và tay vì không may bị nhánh cây đâm trúng. Không một lời kêu ca, ông lấy dao cắt mảnh vải áo, cột ngay vào vết thương ngăn không cho máu chảy ra để tiếp tục công việc. Cứ như vậy, ông Tiến cùng mọi người làm nhiệm vụ này suốt 3 ngày 2 đêm. Đến trưa 1.7, khi ngọn lửa đã tắt hoàn toàn, ông mới trở về nhà để nghỉ ngơi.
“Thực ra tôi thường được người dân thuê đi thu hoạch keo nên tôi cũng rất sành sỏi việc sử dụng cưa xăng. Nên việc làm đường băng được thực hiện rất nhanh chóng. Tuy vậy, nếu một mình tôi làm việc này thì sẽ không thể làm được, rất may có các chú bộ đội hỗ trợ. Người mà chính quyền địa phương phải cám ơn trong dập lửa rừng vừa qua là các chú ấy”, ông Tiến khiêm tốn nói.

Người hùng thầm lặng từ chối nhận thù lao

Ông Nguyễn Ngọc Anh, Chủ tịch UBND xã Xuân Phổ, cho biết sau khi tham gia chiến đấu tại chiến trường ở nước bạn Lào, ông Tiến trở về địa phương lấy vợ sinh con. Ở quê, ông Tiến là một cựu binh đầy trách nhiệm và nhiệt huyết khi luôn tiên phong tham gia các công việc cộng đồng, đặc biệt là trong phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới.
“Phòng chống cháy rừng là trách nhiệm của toàn dân và toàn quân. Rừng chính là lá chắn cho người dân trong những ngày xảy ra mưa bão, là lá phổi xanh điều hòa nhiệt độ trong những ngày nắng nóng. Hiểu được tầm quan trọng này, thấy người dân ở xã cạnh bên có rừng bốc cháy nên ông Tiến đã xung phong lao lên rừng để dập lửa. Chúng tôi rất tự hào vì ông Tiến”, ông Anh nói. 

Đường băng cản lửa không cho đám cháy lan rộng là phương án dập lửa tốt nhất trong vụ cháy rừng phòng hộ

Ảnh Phạm Đức

Ông Phạm Tiến Hưng, Phó chủ tịch UBND huyện Nghi Xuân, khẳng định ông Tiến đã góp phần quan trọng trong việc chữa cháy rừng phòng hộ. “Ông Tiến quả là người hùng thầm lặng trong việc chống “giặc lửa”. Mặc dù sau vụ cháy, chính quyền địa phương có gửi ông ít tiền gọi là thù lao, nhưng ông nhất quyết không nhận. Mời ông ăn bữa cơm để cảm ơn nhưng ông cũng kiên quyết từ chối”, ông Hưng nói.
Theo ông Hưng, ông Tiến hiện đang sinh hoạt tại Hội Cựu chiến binh xã Xuân Phổ, năm nào cũng được hội vinh danh là hội viên xuất sắc trong các phong trào ở địa phương. “Ngoài ông Tiến, có rất nhiều đơn vị, cá nhân có công lớn trong việc dập tắt vụ cháy rừng phòng hộ. Huyện đang lập danh sách để kịp thời tặng thưởng cho những người này”, ông Hưng nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.