Lương 5 triệu/tháng nuôi vợ, con, cháu
Sài Gòn ‘đất lành chim đậu’ nên dân tứ xứ đổ về đây với bao hoài bão, trong số đó có những người tìm đến chốn này vì mộng mưu sinh. Nhưng Covid-19 khiến họ bất đắc dĩ gác lại cuộc ly hương.
“Đường cùng, thế bí buộc mình đi tìm đường mưu sinh. Nếu con trai không bị tai nạn, tôi đã sớm về quê trồng hoa màu chứ không còn ở lại TP đến hôm nay”, ông Nguyễn Tư (73 tuổi, quê Quảng Nam) giải thích lý do vẫn mưu sinh nơi đất khách.
Theo lời ông Tư, do tính chất thời vụ của công việc đồng áng nên ông quyết định một mình vô TP làm phụ hồ kiếm thêm thu nhập từ năm 2015. Nhưng tai họa bất ngờ ập tới vào 3 năm trước khiến người đàn ông này trở thành trụ cột gia đình ở tuổi 70.
Con trai ông (năm nay 43 tuổi) năm ấy chạy xe đông lạnh ở Phú Yên gặp tai nạn, phải cưa bỏ 2 chân, hiện chỉ ngồi một chỗ. Đó cũng là đứa con duy nhất của vợ chồng ông Tư.
“Mẹ nó thấy vậy khóc thương bỏ ăn bỏ uống, bây giờ lúc nhớ lúc quên chứ không được minh mẫn như người ta. Nhiều khi bả đi lạc, phải nhờ anh em xóm giềng đi tìm giúp chứ không tự về nhà được”, ông xót xa nhớ lại.
|
Từ đầu tháng 5, ông Tư đi công trình "buổi đực buổi cái". Một tháng nay, ông bữa đói bữa no vì thất nghiệp luôn. Trước kia, đồng lương ít ỏi ở mức 4-5 triệu đồng/tháng giúp ông có chút đỉnh gửi về cho vợ con và 2 cháu nội ăn học ở quê. Nhưng mấy hôm nay, ngay cả ông cũng phải tằn tiện trong từng bữa ăn.
Đứng ở sân bay chuẩn bị về quê, ông tiếc nuối: “Tôi dự tính ở lại TP làm vài tháng nữa để kiếm thêm ít đồng, đợi tới mùa mưa mới về quê trồng trọt nhưng dịch bệnh thì chịu thôi. Chẳng biết còn cơ hội nào cho tôi quay lại đây kiếm sống không”.
Người đàn ông lớn tuổi còn tỏ lòng tri ân đối với Hội đồng hương Quảng Nam tại TP.HCM đã tạo điều kiện cho mình và nhiều bà con khác được trở về với quê hương, gia đình trong bối cảnh căng thẳng của đại dịch Covid-19.
|
"Tôi sẽ quay lại"
Cũng như ông Tư, gia đình bà Nguyễn Thị Lan (42 tuổi, quê Quảng Nam) không giấu được sự xúc động khi có mặt trên chuyến bay trở về quê nhà. Hơn 20 năm bán hàng rong ở TP, bà cho biết chưa khi nào thấy nơi này đìu hiu và ảm đạm đến vậy, từ những con hẻm thân thương cho tới đường lớn, sân bay.
Bà kể, ngày xưa ở quê đói khổ, mâm cơm chỉ có củ sắn nên mới tìm cách trốn gia đình vào Nam kiếm sống. “Năm đó, tôi nói với anh trai (đang vừa học vừa làm ở TP) là anh mà dắt em vô đó thì em sẽ đi làm nuôi anh ăn học. Rồi ảnh lén dắt tôi đi thật, ba biết ổng la dữ lắm và khăng khăng bảo anh đưa tôi về nhà. May sao ít lâu sau, tôi thuyết phục được ba”, bà Lan cười nói.
|
Vài năm sau, bà gặp chồng ở TP là người cùng quê, đang làm thợ hồ. Cuộc sống trước đây của đôi vợ chồng vẫn ổn cho tới khi đại dịch bùng phát, cả hai thất nghiệp. Áp lực tài chính bắt đầu lộ rõ hơn với đủ chi phí, nhất là tiền sữa, tã bỉm cho hai con nhỏ.
Bà Lan cho biết thêm, trước đó 2 vợ chồng đã thử mua vé về quê nhưng không được. Đến khi thấy Hội đồng hương Quảng Nam mở đơn, bà đăng ký cho cả nhà nhưng không đặt quá nhiều hi vọng vào đó. Cho đến 4 ngày trước, bà nhận được cuộc gọi xác nhận đăng ký thành công mới an tâm hẳn.
|
Người phụ nữ trung niên bày tỏ cảm xúc: “4 đêm nay không ngủ được vì mừng quá, cảm giác hạnh phúc không biết diễn tả sao cho hết. Lúc đầu cứ nghĩ là không có ai để ý tới mình, cho tới khi nhận được cuộc gọi ấy thì tôi nhận ra không phải như mình nghĩ. Ra đến sân bay, được các anh chị Hội đồng hương hỗ trợ tận tình, tôi biết ơn vô cùng”.
TP.HCM trong mắt của bà Lan chính là “miền đất hứa”, còn với ông Tư là sự đùm bọc, thân thương của dân tứ xứ. “Không có nơi nào dễ làm ăn như nơi này, con người lại hòa đồng và tốt bụng. Năm đó lén gia đình vào đây, đó là quyết định đúng đắn nhất của tôi. Sài Gòn xin hãy bảo trọng, tôi nhất định sẽ quay lại”, bà Lan nói.
Trao đổi với Thanh Niên, ông Mai Phúc, Chủ tịch Hội đồng hương Quảng Nam tại TP.HCM, cho biết ngày 31.7 có 2 chuyến bay đưa 400 người dân trở về quê nhà, trong đó có 28 em bé sơ sinh. Đợt này, những người được ưu tiên về quê bao gồm: người già, bệnh tật, phụ nữ có thai và trẻ em.
|
Bình luận (0)