Chia tay Sài Gòn vì Covid-19: 'Vì kiếm tiền nên ráng chịu, được về quê mừng lắm'

26/07/2021 11:51 GMT+7

"Được về là tôi mừng lắm rồi. Ở lán trại, mưa dột cả đêm chẳng ngủ được. Cũng vì kiếm tiền tôi mới ráng chịu đựng”, một trong 400 người Phú Yên 'mắc kẹt' ở Sài Gòn được đón về quê đợt 1 xúc động chia sẻ.

Ngày 25.7, danh sách 400 người Phú Yên ở Sài Gòn được tỉnh Phú Yên đón về quê đợt 1 được công bố. Người dân sẽ được sắp xếp chuyến xe về theo huyện, thị xã thường trú. Nhà xe Phương Trang hỗ trợ 20 chuyến xe để đưa bà con về quê miễn phí. Hôm nay, 26.7, 20 chuyến xe sẽ đón 400 người trở về quê hương. Bà con về đến TP.Tuy Hoà sẽ được xét nghiệm Covid-19 trước khi về địa phương. Theo kế hoạch, tỉnh Phú Yên sẽ đón khoảng 4.000 người về trong những đợt tiếp theo.

"Về quê sống nhờ sào ruộng vẫn hơn trên này không đủ ăn"

Ông Lê Sỹ (71 tuổi) đi bán vé số ở TP.HCM kiếm thêm thu nhập trang trải cho gia đình. Một thân một mình, lại tuổi cao sức yếu, ông chỉ đi bán một vài ngày lại nghỉ. Một năm đi làm, ông chỉ bán 2 - 3 tháng rồi lại về quê. Khi nào nhà kẹt tiền quá, ông lại vào TP.HCM làm tiếp.
Năm nay, ông vừa vào Sài Gòn được 1 tháng thì dịch bệnh bùng phát mạnh. Người bán vé số không được hoạt động, ông thất nghiệp, ở nhà trọ cầm cự. “Tôi bây giờ khó quá khó đi. Cả tháng nay tôi chẳng làm được gì cả, cứ đi xin ăn miết rồi giờ cũng bị cấm ra ngoài. Ở quê cùng đường rồi tôi mới vô trong này bán vé số. Hết đường rồi mới vô đây, vô đây rồi cũng cùng đường luôn”, ông Sỹ buồn rầu.

20 xe khách sáng nay sẽ đưa người Phú Yên về quê

Ảnh: Hội đồng hương Phú Yên

Ông xin ở ké những người cùng quê vào Sài Gòn làm việc. Ai cũng thất nghiệp vì dịch bệnh nhưng vẫn cố gắng đùm bọc nhau. Ông buồn và chán nản khi nghĩ mình đã ở nhờ còn "báo hại người ta". Nghe tin được về quê đợt 1, ông mừng "hơn bắt được vàng".
Ông Đặng Văn Dũng (47 tuổi) và ông Bùi Thế An (43 tuổi) làm nghề thợ hồ trong hẻm 568 Lê Văn Duyệt (P. Long Thạch Mỹ, TP Thủ Đức). Hai ông và 3 người khác được chủ thầu sắp xếp ăn, ở tại lán trại che bằng mấy mảnh bạt chắp vá. Tiền lương tính theo ngày. Vì dịch bệnh, hai ông thất nghiệp gần 1 tháng qua. Tiền công những tháng trước, vừa dành dụm gửi về quê, vừa trang trải chi phí trên này nên không đủ. Cả nhóm sống trầy trật qua ngày, có nhiều ăn nhiều, có ít ăn ít.

Lán trại tạm bợ của hai ông tại công trình

Ảnh: NVCC

Biết có chuyến xe về quê, cả 5 người đăng ký và được về ngay đợt đầu tiên. “Giờ về quê cũng chỉ mong tránh dịch chứ không có dự tính gì. Được về là tôi mừng lắm rồi. Ở lán trại, mưa dột cả đêm chẳng ngủ được. Cũng vì kiếm tiền tôi mới ráng chịu đựng”, ông An chia sẻ.
Tôi hỏi: “Liệu hai chú có quay lại Sài Gòn khi hết dịch không?”. Ông An liền đáp: "Phải lâu à, tôi không dám đi lại đâu tại dịch bùng dữ quá”. Cùng suy nghĩ với đồng hương, ông Dũng tiếp lời: “Được về quê mừng lắm nên tôi lo đi test Covid-19 để cầm được tờ giấy cho vững tâm chút. Tôi không dám đi nữa đâu. Về quê sống nhờ sào ruộng, tuy khó khăn nhưng còn hơn trên này không đủ ăn”.

"Vui dữ lắm, không ngủ được"

Chị Trương Thị Nhiên (30 tuổi) gửi con trai về quê từ đợt dịch trước. Chồng thì làm việc và giờ kẹt lại Bình Phước. Chị thì ở Sài Gòn. Gia đình mỗi người một nơi nên chị mong được về quê, đoàn tụ với con trai 2 tuổi.
“Tôi không biết khi nào mới hết dịch, giờ chỉ mong muốn về quê. Ban đầu, tôi không có nghĩ mình được về trong 4.000 người đăng ký đâu. Sáng nay mởi mail ra, em gái gửi danh sách có tên mình thì mừng quá mừng. Tôi chỉ sợ ngày mai người ta không cho qua chốt để ra bến xe thôi”, chị Nhiên tâm sự.

Khánh Ly kẹt lại Sài Gòn vì chờ thi cử

Ảnh: NVCC

Chị Nhiên là nhân viên văn phòng. Thời gian đầu giãn cách, công ty cho làm việc tại nhà 2 tuần. Mới đi làm lại, thành phố có quy định mới. Công ty không bố trí được sản xuất 3 tại chỗ nên cho nghỉ việc không lương. Được về nhà gặp con là niềm vui lớn nhất của chị thời điểm này.
Không riêng chị Nhiên, Châu Thị Khánh Ly (21 tuổi) cũng bất ngờ khi mình có tên trong danh sách đợt 1. Khánh Ly là sinh viên trường Đại học Nông Lâm TP.HCM, quê ở H.Tây Hòa. Đến 12 giờ khuya, huyện của Ly mới có danh sách người về. Thấy tên mình, Ly mừng rỡ nói: “Tôi phải canh, thấy có tên thì vui dữ lắm. Tôi thấy mình may mắn lắm luôn, tưởng đâu không được về. Cả đêm qua, tôi hồi hộp không ngủ được”.

Khoai và sắn nước Ly mua để ăn trụ qua ngày

Ảnh: NVCC

Ly kẹt lại Sài Gòn vì có lịch thi vào cuối tháng 6. Do tình hình dịch phức tạp, trường hoãn thi và lên kế hoạch thi online sau. Khánh Ly vừa học vừa làm để tự trang trải chi phí sinh hoạt. Công ty gặp khó khăn mùa dịch nên Ly chỉ nhận được 60% lương. Vừa gặp khó khăn tài chính, vừa không thể đặt thực phẩm tươi, Ly ăn khoai và sắn mua được để cầm cự qua ngày.
“Hỗm nay, tôi còn ăn khoai với sắn nước tại không trữ gạo và mì. Nhưng tôi vẫn còn may mắn hơn nhiều người. Sáng nay, tôi đi test Covid ở Tân Bình. Lâu lắm mới ra đường, cảnh tượng buồn quá. Đường phố chỉ còn mấy anh shipper và những người vô gia cư”, Ly chia sẻ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.