Chợ cóc vẫn 'sống khỏe' trong chiến dịch đòi lại vỉa hè Hà Nội

09/04/2017 10:08 GMT+7

Chiến dịch đòi lại vỉa hè Hà Nội mới chỉ tác động đến phần nổi là các cửa hàng kinh doanh trục đường lớn, trong khi phần chìm là chợ cóc tại các ngõ nhỏ, khu dân cư vẫn tiếp tục tồn tại.

Theo ghi nhận, khu chợ cóc bên đường Nguyễn Quý Đức - giữa các khu tập thể Thanh Xuân Bắc vẫn tấp nập người mua bán, những phản thịt, hàng rau bày tràn lan ra vỉa hè. Chỉ riêng tại phường Thanh Xuân Bắc đã có 2 điểm chợ cóc ngang nhiên tồn tại, hàng hóa bày tràn ra đường, trong đó một điểm tại nhà E7, ngay gần trụ sở UBND quận Thanh Xuân.
Tại phường Ngã Tư Sở (quận Đồng Đa), khu chợ cóc Vĩnh Hồ và điểm chợ tạm ven chợ Ngã Tư Sở tồn tại nhiều năm nay mà vẫn chưa được dẹp bỏ. Điểm chợ tạm ven chợ Ngã Tư Sở đã tồn tại từ năm 2010, sau khi có chủ trương phá dỡ chợ Ngã Tư Sở để xây trung tâm thương mại, chủ đầu tư đã lập chợ tạm tại khu vực phố Cầu Mới để bố trí tiểu thương di dời ra. Nhưng tiểu thương không đồng thuận với việc di dời, khu chợ tạm sau đó bị phá bỏ, chợ cóc này tiếp tục mở rộng, hoạt động nhộn nhịp, dù nằm ngay sát cạnh chợ chính Ngã Tư Sở.
Ông Hoàng Mạnh Dũng, Phó chủ tịch UBND phường Ngã Tư Sở cho biết, phường đã nhiều lần ra quân giải tỏa khu vực chợ cóc phố Vĩnh Hồ và khu vực chợ tạm Ngã Tư Sở, nhưng vắng bóng lực lượng chức năng, chợ lại họp bình thường. Theo ông Dũng, nhu cầu mua bán của người dân với chợ dân sinh rất lớn, trong khi chợ chính Ngã Tư Sở đã xuống cấp và thu hẹp, không thu hút được tiểu thương vào buôn bán cũng như người dân vào mua. Để giải quyết, phường đã xây dựng đề án tổ chức, quản lý và sắp xếp chợ tạm trên địa bàn. Trong khi chờ đề án được thông qua, phường sẽ bố trí các chốt giải tỏa việc họp chợ tự phát, xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm lòng đường, vỉa hè.
Bất lực với 'chợ cóc' trên quốc lộ
Trên QL1A, đoạn trước cổng Công ty TNHH giày ALINA (thôn Trung Phong, xã Quảng Phong, H.Quảng Xương, Thanh Hóa) 2 năm qua tồn tại khu chợ tự phát, gây mất an toàn giao thông.
Trong khi đó, theo lãnh đạo quận Thanh Xuân, quận đã đưa ra giải pháp miễn tiền thuê địa điểm cho những hộ kinh doanh chợ cóc, chợ tạm, vỉa hè vào kinh doanh buôn bán tại chợ trong một vài tháng đầu. Cụ thể như chợ phường Thanh Xuân Bắc, phần chợ chính nhà mái tôn chia làm 4 dãy, có 225 quầy và 22 chỗ ngồi tạm, hiện còn 29 quầy chưa có người thuê.
Chợ chính ế khách, chợ cóc đông đúc
Kết quả khảo sát về quản lý và phát triển chợ dân sinh của Ban kinh tế ngân sách, HĐND TP Hà Nội cuối tháng 3.2017 cho hay, việc rà soát, điều chỉnh quy hoạch mạng lưới chợ không kịp thời, dẫn đến một số nơi không có chợ dân sinh như phường Hoàng Liệt, Tân Mai, Tương Mai… Trong khi các chợ chính đều vắng khách (chợ Bưởi, chợ Ngã Tư Sở… đều hoạt động không hiệu quả, số hộ kinh doanh ít) thì các chợ tạm, chợ cóc lại hoạt động sôi nổi. Các phường, quận cũng không mặn mà với việc dẹp chợ cóc khi vẫn còn 52/140 chợ cóc chưa được giải tỏa.
Hàng hóa bàn tràn xuống lòng đường tại khu vực chợ cóc Thanh Xuân Bắc - Ảnh: M.H
Đặc biệt, nhiều chợ truyền thống dù được đầu tư xây mới thành các trung tâm thương mại như chợ Hàng Da, chợ Mơ, chợ Cửa Nam… đều ế. Đây là lý do HĐND TP kiến nghị thành phố chỉ đạo không đầu tư xây dựng chợ dân sinh kết hợp trung tâm thương mại như trước đây.
Báo cáo kết quả trong đợt giám sát, Sở Công thương Hà Nội cũng đề xuất các quận, huyện cần chủ động khảo sát quy mô dân số, nhu cầu từng khu vực để lựa chọn quy mô chợ cho phù hợp. Tránh tình trạng có chợ nhưng không có người mua bán, trong khi các tụ điểm chợ cóc lại khó dẹp bỏ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.