Tìm đến xóm nghèo, nơi bà Hai và mẹ đang ở sẽ không khó nhận ra căn nhà nhỏ nhưng đầy ắp tình yêu thương này. Người dân nơi đây ai cũng quen thuộc với hình ảnh người con đầu bạc trắng, ngày ngày chăm lo từng li từng tí cho mẹ già.
Cụ Nguyễn Thị Lót (92 tuổi), mẹ bà Hai, cho biết bà Hai là con duy nhất trong gia đình. Chồng cụ mất đã lâu nên hai mẹ con nương tựa nhau mà sống. Hằng ngày, vào buổi sáng, bà Hai dọn dẹp nhà, lau dọn mộ phần ông bà, nấu cơm cho mẹ ăn. Sau khi cho mẹ ăn trưa, bà Hai dìu mẹ nghỉ ở chiếc giường phía sau nhà, rồi ngồi quạt mát cho mẹ dễ ngủ hơn. Khi mẹ ngủ say, bà lại cặm cụi hái từng cọng rau ngoài vườn, đi cân ốc, cân cá đem ra ngồi bán dọc đường.
Số tiền mỗi ngày kiếm được chỉ vài chục ngàn đồng, bà Hai chi một ít mua đồ ăn, phần còn lại dành dụm để lo thuốc thang cho mẹ những lúc ốm đau. Đối với bà, nỗi buồn lớn nhất là những ngày mưa, buôn bán ế ẩm, hai mẹ con chỉ lấy nước chan cơm ăn qua ngày. Điều bà lo sợ nhất là tuổi mẹ đã cao, sợ một ngày mẹ rời xa, bỏ bà một mình cô độc.
“Tôi không dám có chồng vì sợ mẹ một thân một mình không ai lo. Rồi sợ lấy phải người chồng không yêu thương mẹ, sợ mẹ đau buồn rồi bệnh thêm. Vì thế, từ lâu tôi đã quyết định ở vậy nuôi mẹ”, bà Hai tâm sự.
Đối với bà Hai, mẹ là duy nhất. Vì thế, bà chấp nhận đánh đổi cả thanh xuân, hạnh phúc của bản thân để kề cạnh chăm sóc cho người mẹ của mình. Bà Hai cũng là niềm vui sống duy nhất của cụ Lót khi tuổi già.
“Nhớ lúc con Hai còn trẻ, tôi cũng muốn gả nó để có gia đình, con cái hạnh phúc. Nhưng nó nói “Má gả con rồi má ở với ai? Rồi con có chồng, con bỏ má sao”. Lúc trước, cũng có người qua nhà dạm ngõ, nhưng thương tôi một thân một mình nên nó từ chối, gạt bỏ hạnh phúc bản thân để lo cho tôi”, cụ Lót kể.
Anh Nguyễn Tín (30 tuổi, ngụ TP.Cần Thơ) cho biết nghe kể về hoàn cảnh hai mẹ con cụ Lót nên đã trực tiếp đến thăm. Chứng kiến tình yêu thương của hai mẹ con dành cho nhau, anh Tín vô cùng xúc động.
“Trong xã hội hiện đại ngày nay, lòng hiếu thảo, tình ruột rà như vậy thật quý biết bao. Từ tình mẫu tử thiêng liêng, gắn bó giữa người con đã 70 tuổi và mẹ già 92 tuổi khiến cho những người khác phải nhìn lại cách yêu thương, tình mẫu tử của chính bản thân mình”, anh Tín bộc bạch.
Bình luận (0)