Có nhiều định nghĩa về hạnh phúc, nhưng với anh Hưng, điều hạnh phúc nhất, vui nhất trong cuộc đời đó là còn có mẹ. Mỗi ngày làm việc quần quật gần 20 tiếng, mệt mỏi với anh có hà gì, bởi “chỉ cần mẹ ăn nhiều, mẹ khỏe, ngủ được là tôi hạnh phúc”.
Từ Bắc đưa mẹ vào miền Nam tránh rét
Ngày vừa đủ tuổi để xin việc làm, anh Hưng xin bố mẹ từ Ninh Bình ra Hà Nội làm việc. Cũng như nhiều thanh niên khác, tuổi đôi mươi của anh là những ngày tháng “nếm trải” đủ hương vị của cuộc sống.
Đến khi bố mất, anh Hưng mới nhận ra, trên cuộc đời này, mọi thứ đều có thể tìm kiếm được, nhưng người thân mất rồi thì mãi mãi không thể nào gặp lại được.
Anh về quê chăm sóc mẹ già. Hai năm trước, Ninh Bình đón đợt lạnh buốt xương, mẹ anh là bà Trần Thị Điểm (77 tuổi) chẳng thể đi lại được, mặc 5 chiếc áo bông vẫn run cầm cập. Anh đánh liều đưa mẹ vào miền Nam tránh rét, như cách mà người già ở quê hay gọi.
“Vào đây, mẹ tôi khỏe hơn hẳn, ăn ngủ được vì khí hậu tốt hơn. Thấy vậy tôi cũng yên tâm”, anh Hưng tâm sự.
|
|
Ngày nắng, ánh mặt trời xuyên qua từng lỗ thủng rọi thẳng vào trong nhà, ngày mưa hai mẹ con mỗi người khoác một chiếc áo mưa ngồi co ro nhìn nhau cười hạnh phúc, vì với họ, có căn nhà trọ để nương thân đã là tốt lắm rồi.
Đẩy mẹ đi nhặt ve chai mưu sinh
Mỗi ngày, anh Hưng dậy từ 4 giờ 30 sáng để kịp 5 giờ có mặt nhận ca trực bảo vệ cho một tiệm bánh. Lương mỗi tháng được 4 triệu đồng, chẳng đủ tiền nhà trọ và thuốc men cho căn bệnh hẹp van tim của mẹ nên tối đến hai mẹ con lại đẩy nhau đi nhặt ve chai khắp các ngả đường Sài Gòn.
|
|
Ngày thường, 13 giờ tan ca bảo vệ, anh Hưng lại vội vã chạy chiếc xe cà tàng về nhà để lo cơm nước cho mẹ. Rồi lại tất tả chuẩn bị để đi nhặt ve chai.
Anh tâm sự: “Mẹ tôi yếu rồi nên tôi bế mẹ lên xe xong đẩy đi. Hôm thì về lúc 11 giờ, hôm thì 1-2 giờ sáng. Mỗi ngày đi nhặt vậy được vài chục ngàn, cao nhất là 150 ngàn, đủ lo cơm và thức ăn ngày hôm sau”.
|
|
Suốt dọc đường đi nhặt ve chai, hai mẹ con luôn ríu rít nói với nhau về những ngày còn ở quê, về những kỷ niệm khi ông còn sống… Cứ vậy mà mãi không hết chuyện.
Bà Nguyễn Kim Loan (47 tuổi, lao công tại tiệm bánh anh Hưng làm việc) dành lời khen nức nở khi chúng tôi hỏi về anh Hưng. “Nhiều khi đi làm nó ngủ gật thấy thương lắm. Tôi lại ra nhắc và đứng nói chuyện cho nó qua cơn buồn ngủ. Nó rất nghe lời và lễ phép nữa”, bà Loan nhận xét.
Hạnh phúc là khi mẹ khỏe
Suốt 2 năm ròng rã đẩy mẹ đi nhặt ve chai, anh Hưng chưa bao giờ than mệt, cũng chưa bao giờ nặng nhẹ với mẹ một câu. Anh tâm sự: “Hạnh phúc của tôi giờ đơn giản lắm, ở được với mẹ ngày nào là hạnh phúc ngày ấy, mẹ là số một. Còn chuyện lấy vợ duyên đến tính sau. Có vợ hay không không quan trọng. Miễn sao mẹ con ở với nhau khỏe là được”.
Được biết, anh Hưng còn có 2 anh trai và 1 chị gái nhưng cuộc sống ở quê ai cũng khó khăn, rau củ mất mùa liên miên nên làm chỉ vừa đủ ăn, không phụ giúp được gì. Vừa rồi, được nhà hảo tâm cho chục ký gạo ngon, anh Hưng còn mang ra bến xe gửi về quê để các cháu ở nhà có bữa cơm gạo thơm, mềm.
|
Bà Tiêu Thị Tư (Hàng xóm anh Hưng) khen: “Hưng rất hiếu thảo, siêng năng. Tôi thấy nó giỏi mà thương mẹ dữ lắm. Đi lượm ve chai là nó ẵm mẹ nó lên xe đẩy đi, lúc nào mẹ nó thấy khỏe nói cho mẹ xuống đi bộ thì nó mới cho mẹ nó xuống, không thì cứ để vậy đó. Mẹ nó bệnh thì nó ở nhà lo thuốc men đồ, thương lắm. Nói chung tui thấy ở xóm này có mình nó là nhất rồi đó”.
Làm nhiều như vậy, cũng có lúc anh Hưng đổ bệnh nằm một chỗ nhưng anh luôn bảo, sức mình thanh niên, 1 - 2 hôm là khỏi, còn để mẹ bệnh thì cả tháng trời mẹ mới khỏe lại được.
Ước mơ duy nhất của anh Hưng đó là mong mẹ luôn khỏe mạnh để hai mẹ con dù khó khăn hay nghèo khổ thế nào vẫn luôn được ở cạnh nhau vì “mẹ là món quà quý giá nhất trên đời”.
|
|
|
|
|
|
Bình luận (0)