Lời tòa soạn: Sách Bình tĩnh mà sống (Lambooks và NXB Hội Nhà Văn phát hành tháng 6.2020) là tập sách do 28 tác giả viết, kể về những biến cố lớn trong chính cuộc đời họ. Ở đó họ đã dũng cảm đối mặt, chọn lựa và hành động để vượt qua khó khăn. Thanh Niên xin trích đăng 5 trong số những câu chuyện đó. Mỗi câu chuyện là một cuộc đời, như chút giải bày với người đọc: Bất trắc không phải điều ta trông đợi, nhưng nó có thể giúp ta nhận ra điều quý giá và trân trọng cuộc sống hơn.
Kỳ 1: Thanh Niên giới thiệu những trải lòng của anh Hoàng Tuấn Anh, chủ nhân "ATM gạo", về con đường “bình tĩnh sống” khiến anh chọn làm việc thiện nguyện trước khó khăn.
Tôi muốn giống mẹ, đưa tay cho người cần mình nhất
Thời còn trẻ khi bôn ba kinh doanh, tôi suýt tự tử vì lâm vào cảnh phá sản. Khi 24 tuổi, tôi mở công ty tham gia chương trình lắp tấm cách nhiệt và kiếm được 1 triệu đô la Úc chỉ trong vòng sáu tháng. Vậy mà đến 12 giờ trưa ngày 19.2.2010, chính phủ Úc thông báo còn năm tiếng nữa chương trình lắp tấm cách nhiệt hết thời hạn (chương trình dừng đột ngột trước hạn 1 năm).
Lúc đó, tôi như té ngửa, 50 container tấm cách nhiệt đang từ vàng biến thành rác, chưa kể để đổ bỏ còn phải tốn 2.000 đô la Úc mỗi container. Tôi khủng hoảng tột độ khi thành triệu phú trong sáu tháng và trắng tay chỉ trong 5 tiếng đồng hồ, lúc ấy thật lòng nghĩ quẩn và muốn kết thúc cuộc đời mình để không phiền lụy đến ai.
Lúc đó, mẹ tôi gọi điện và nói một câu: “Nếu con cần gì thì mẹ sẽ giúp con”. Cuộc gọi đó của mẹ như bàn tay kéo tôi khỏi suy nghĩ tiêu cực, vực tôi dậy để có thể làm lại từ đầu. Nhờ thế, tôi mới còn có được hôm nay. Vậy nên, tôi tâm niệm luôn cố gắng hành xử như mẹ, giúp đỡ người khác khi họ cần nhất.
Dịch bệnh đến, tôi hiểu rằng có bao người chắc đang vướng cảnh khó khăn như mình. Từ đầu tháng 4.2020, nhiều ngành nghề kinh doanh phải tạm ngưng, nhà hàng, nhà máy đóng cửa, nhiều người thất nghiệp. Điều này sẽ dẫn đến những hệ quả như tự tử, cướp bóc. Giờ tôi nấu ăn, phát gạo là để trả ơn việc mẹ từng làm cho tôi, là chìa một bàn tay cho người lúc cần mình nhất.
Chỉ khi chạm ngõ thiên đường rồi té ngã, người ta mới thấu được cảm giác hạnh phúc khi có bàn tay chìa ra với mình. Ai đang trong cảnh khốn cùng, cần một bàn tay, thì có tôi nguyện nắm lấy, giúp họ vượt qua nghịch cảnh.
'Làm thiện nguyện “lời” vậy tại sao mình không làm?'
Đến bây giờ, tôi vẫn đang làm đúng với những gì mình cam kết với lòng từ thời 24 tuổi đó. Hồi đầu mùa dịch năm nay, việc nhỏ thì tôi cố gắng tặng 100.000 khẩu trang, 5.000 chai nước rửa tay chống dịch Covid-19. Rồi tôi làm "máy ATM gạo". Mỗi ngày tôi tặng gạo ở vài nơi, mỗi nơi vài tấn để những người khó khăn, người bán vé số, lượm ve chai lỡ lâm vào cảnh khó khăn đến lấy.
“Nếu bạn khó khăn, xin hãy lấy một phần. Nếu bạn ổn, xin nhường cho người khác”, tôi viết vậy để chia sẻ với sự thấu hiểu của mọi người, nhìn vào hoàn cảnh người xung quanh để hành động.
|
Tôi luôn nhủ thầm, một nắm khi đói bằng một gói khi no, nên một ký gạo khi ấy cũng bằng cả ngàn ký gạo lúc bình thường. Làm thiện nguyện “lời” vậy tại sao mình không làm? Một vài tấn gạo không làm tôi nghèo đi nhưng có thể giúp được cả ngàn người đang ở bước đường cùng.
Tôi hành nghề làm khóa điện tử để bảo vệ gia đình Việt thì việc làm "ATM gạo" phát gạo cũng có ý nghĩa tương tự: góp phần chống đỡ cho từng mái nhà được yên ổn qua cơn bão.
Tôi không làm việc này một mình, tôi biết rất nhiều người đang chung tay góp sức. Chỉ hy vọng làn sóng hỗ trợ này có thể kéo dài, vài người là thiểu số, nhưng khi lên đến ngàn người cùng mở lòng giúp đỡ thì hàng triệu gia đình không phải chịu cảnh bữa đói bữa no nữa, nhất là khi có tai ương ập đến.
|
Trước khi xảy ra dịch, có thời gian bốn năm ròng tôi chăm sóc mẹ bị ung thư. Trong thời gian dài mẹ ở Úc điều trị, cứ hai tuần tôi và anh trai lại thay phiên nhau chăm mẹ. Thời gian còn lại thì mẹ con liên lạc qua video gắn ở chuông camera. Nhờ kinh nghiệm chăm mẹ ở bệnh viện, khi đại dịch xảy ra, tôi lập tức liên tưởng đến các y bác sĩ cần nhất là gì và mình có thể giúp gì, tôi nghĩ ngay chuông camera có thể giúp các y bác sĩ theo dõi bệnh nhân y như mình với người thân.
Những ngày đầu khi nghe tin có bệnh nhân nhiễm Covid-19 và đang ở bệnh viện dã chiến, tôi tức tốc đeo khẩu trang, cùng một số nhân viên đến liên lạc với bệnh viện đề nghị tặng chuông cửa thông minh lắp cho các phòng áp lực âm, phòng xét nghiệm để bệnh nhân và bác sĩ, y tá có thể liên lạc với nhau, thậm chí người nhà có thể trò chuyện với bệnh nhân thông qua ứng dụng cài đặt trên điện thoại, hạn chế tiếp xúc với nguồn lây bệnh nguy hiểm.
Sau khi được chấp thuận, tôi lên đường đến nơi có dịch lắp đặt sản phẩm để giúp bệnh viện dã chiến hoạt động ngay. Nhìn nụ cười của các bác sĩ, thân nhân và người bệnh khi được nói chuyện với nhau mới thấy hạnh phúc vỡ òa, các cố gắng của anh em được đền đáp xứng đáng.
Vui thì vui vậy, khi chuẩn bị về nhà mới nhớ ra, nhà mình có cha già 75 tuổi, vợ và hai con nhỏ. Nhà cách công ty có vài trăm mét, công ty có cả trăm nhân viên, lỡ mình lây thụ động cho mọi người thì sao. Khi ấy nghĩ cũng hơi... sờ sợ. Nhưng lúc nguy cấp và tôi có thể giúp đỡ thì sao chối từ cho được. Nghĩ đến ba tôi, ông đã dành hơn 20 năm chữa bệnh cho người bị phong, nhiều căn bệnh còn ghê gớm hơn nhưng ông chưa bao giờ từ chối bất kỳ bệnh nhân nào đến gặp nhờ giúp đỡ. Tôi là con ông, cũng không thể kém cạnh. Bảo hộ kỹ một chút, phòng ngừa chu đáo một chút là được.
Thỉnh thoảng tôi lại chặc lưỡi tiếc, giá như tình hình kinh tế không quá tệ, tôi hẳn có thể hỗ trợ mọi người được nhiều hơn. Lúc trước, công ty tôi thường phân bổ tài chính theo hai phần. Nguồn thu từ phân phối khóa điện tử và tòa nhà thông minh chiếm 50% và nguồn để phòng ngừa rủi ro khi khủng hoảng (tài chính, bất động sản, thiên tai). Công ty đã vượt qua rất nhiều khủng hoảng, từ khủng hoảng kinh tế 1997, dịch bệnh SARS năm 2007, bất động sản năm 2010. Vì vậy hiện nay, dù đợt dịch này cũng làm công ty tôi cạn kiệt, tôi phải bán nhà và cầm cố tài sản làm vốn lưu động để trả lương nhân viên, nguồn thu giảm khoảng 50%, nhưng chúng tôi vẫn sống được.
Công ty còn sống, mọi người vẫn có việc để làm, rồi doanh nghiệp sẽ có thể phục hồi. Tiền thì lúc nào kiếm cũng được. Tôi chỉ mong đủ sức để tiếp tục cùng mọi người vượt qua đại dịch.
Còn người là còn tất cả mà.
Doanh nhân Hoàng Tuấn Anh là CEO Công ty Vũ Trụ Xanh, đơn vị phân phối khóa điện tử thông minh PHGLock khu vực Đông Nam Á. Anh cũng là người đưa ra sáng kiến “máy ATM Gạo” được CNN và Reuters giới thiệu như giải pháp giúp người khó khăn trong dịch bệnh Covid-19.
|
Bình luận (0)