Chủ tịch phường, ngoài việc tham dự các cuộc họp, giải quyết những thắc mắc của người dân trên địa bàn thì còn phải ký giấy tờ, các văn bản hành chính, tuyên truyền pháp luật,… Vậy họ sắp xếp thời gian giải quyết tất cả mọi việc như thế nào, thời gian dành cho gia đình ra sao.
Đó là lý do Thanh Niên thực hiện loạt bài: Chủ tịch phường - Họ là ai? để bạn đọc, người dân hiểu rõ hơn về chức danh Chủ tịch phường.
Ông Đỗ Duy Thụy (42 tuổi) về làm Phó Chủ tịch UBND phường Bình Khánh (Q.2, TP.HCM) từ năm 2011. Tới tháng 3.2016, ông Thụy được giao nhiệm vụ làm Chủ tịch phường Bình Khánh.
Từ ngày về làm lãnh đạo phường tới nay, do khối lượng công việc rất nhiều nên chưa lần nào ông Thụy dám nghỉ phép nhiều hơn 1 ngày, cuối năm vẫn còn dư hơn 10 ngày nghỉ phép. Trong đó, công việc khiến ông Thụy đau đầu nhất là giải quyết các khiếu nại của người dân về đòi quyền lợi sau khi giải tỏa khu vực Thủ Thiêm.
tin liên quan
Số di động 0902976979 của ông Đoàn Ngọc Hải: Hứa xử lý ngay vi phạm vỉa hèĐêm, ông Đoàn Ngọc Hải, Phó chủ tịch UBND Q.1 (TP.HCM) tiếp tục một mình xuống đường, dùng điện thoại ghi hình nhiều trường hợp quán nhậu chiếm vỉa hè, ô tô đậu sai quy định, giao lãnh đạo một số phường xử lý. Ông cũng vừa công khai số di động của mình cho dân phản ánh.
Ông Thụy cho biết năm 2004, phường Bình Khánh bị giải tỏa đến ¾ diện tích đất để làm Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Sau đó, số dân còn lại của phường là hơn 3.000 dân, theo quy định, phường chỉ được bố trí 1 Chủ tịch và 1 Phó Chủ tịch.
Do Khu đô thị mới Thủ Thiêm vẫn đang trong quá trình hoàn thiện nên ngoài việc giải quyết các thủ tục hành chính, giấy tờ như bao phường khác thì lãnh đạo phường Bình Khánh còn phải giải quyết một số vấn đề liên quan đến khu đô thị này như công tác bồi thường và các cuộc họp với các ban, ngành.
Ông Đỗ Duy Thụy trong buổi Đại hội Đảng của Chi bộ cơ quan phường Bình Khánh
|
Ông Chủ tịch tâm sự: “Công tác bồi thường tốn nhiều thời gian, từ thu thập hồ sơ pháp lý, vận động người dân bàn giao mặt bằng cho đến giải quyết khiếu nại. Một hồ sơ bồi thường không phải chỉ xác nhận pháp lý là xong, công bố quy hoạch cũng có phường, công bố kế hoạch bồi thường, tiếp xúc, vận động nhân dân, hồ sơ pháp lý cũng là phường. Sau bồi thường, người dân lại tiếp tục khiếu nại, khiếu kiện phường cũng phải tham gia giải quyết”.
Thế nên, lãnh đạo phường và nhiều cán bộ phải thay phiên nhau đi dự tòa theo các vụ kiện của người dân vì liên quan đến hồ sơ pháp lý ban đầu của miếng đất. Trước khi dự phiên tòa, phường còn phải chuẩn bị hồ sơ để giải trình cho tòa và tiếp xúc với người thêm vài lần nên rất tốn thời gian.
Bên cạnh đó, khi người dân kiện quyết định thu hồi đất do quận ký thì phường cũng phải tham gia vì quyết định đó dựa trên hồ sơ pháp lý mà phường chuẩn bị.
Ông Thụy nhẩm tính một năm chắc cũng gần trăm vụ kiện với đủ vấn đề vấn đề phát sinh mà mỗi vụ thì lại phải chuẩn bị hồ sơ như thế. “Đi tòa riết mà mệt luôn! Nhiều khi tôi cũng đau đầu lắm nhưng nghĩ tới người dân, bà con chạy tới lui ròng rã bao nhiêu năm cũng đâu có vui vẻ gì. Nghĩ vậy làm động lực để rồi cố gắng giải quyết nhanh gọn cho dân”, ông Thụy chia sẻ.
Giải quyết “hậu sự” dự án Thủ Thiêm chưa xong, vị Chủ tịch phường lại đang phải tính tiếp đến việc đền bù giải tỏa khi thực hiện dự án mở rộng đường Lương Định Của…
Chăm lo tái định cư
UBND TP có 12.500 căn hộ làm quỹ nhà tái định cư cho dự án Khu đô thị Thủ Thiêm thì hết 10.000 căn nằm trên địa bàn phường Bình Khánh.
Một đầu việc nhọc nhằn khác lại đến tay Chủ tịch phường Bình Khánh khi phải liên tục đón nhận các cư dân mới. Ba yêu cầu đặt ra buộc ông Chủ tịch phải giải quyết song song với nhau, đó là: đền bù giải tỏa, hỗ trợ tái định cư và chăm lo đời sống cho những người ở lại.
Người dân tái định cư không chuyển về một lần mà theo từng đợt nên hiện tổng số dân của phường khoảng 3.000 dân. Do vậy, phường chỉ có một Chủ tịch và một Phó Chủ tịch trong khi các đầu việc đều là trọng tâm cần được giải quyết kịp thời.
|
Ông Chủ tịch trải lòng: “Những hộ không thuộc diện giải tỏa cần được quan tâm về giáo dục, y tế, xóa đói giảm nghèo. Dân cư mới giải tỏa về nhận căn hộ thì phải tiếp đón, chăm lo để họ gắn bó với địa phương. Đó là những yêu cầu đặt ra khiến tôi và Phó Chủ tịch phường phải “căng não” tìm cách giải quyết cho toàn vẹn nhất”.
Chưa kể, các hộ dân thuộc diện giải tỏa và chuyển đến nơi khác sinh sống nhưng vẫn giữ hộ khẩu tại phường Bình Khánh nên UBND phường vẫn phải giải quyết những giấy tờ thủ tục hành chính cho họ. “Không có luật nào bắt buộc cắt hộ khẩu khi chuyển nơi ở nên người dân vẫn có thể giữ hộ khẩu tại phường Bình Khánh dù đã chuyển đi Bình Chánh, Biên Hòa hay bất kỳ nơi nào”, ông Chủ tịch giải thích.
‘Ký tối tăm mặt mày’
Vì phường Bình Khánh chỉ có 2 lãnh đạo được phép ký giấy tờ nên ông Chủ tịch và ông Phó Chủ tịch phải thay phiên nhau trực ở UBND để ký giấy tờ chứng thực, sao y. Một tuần 10 buổi làm việc thì hết 5 buổi ông Chủ tịch phải trực ở phường.
tin liên quan
Công an phường, xã có được dừng xe xử phạt như CSGT?Khác với CSGT, công an phường, xã không được dừng xe tại tỉnh lộ, quốc lộ mà chỉ được dừng xe để xử lý một số lỗi vi phạm nhất định được quy định cụ thể. Rất nhiều bạn đọc thắc mắc về quyền hạn khi công an phường xã dừng xe xử phạt. Đó là các lỗi gì?
Mỗi buổi trực ở phường như vậy, ông Chủ tịch phường sẽ kiêm luôn việc tiếp dân, dù có cán bộ tiếp dân ở dưới nhưng tâm lý người dân thường muốn gặp thẳng Chủ tịch để… giải quyết cho nhanh.
Ngoài các việc trên, ông Chủ tịch phường còn phải dự họp cấp trên, dự họp các ban ngành, họp cấp phường và giải quyết 1001 chuyện thắc mắc của dân, dù bất kể là ngày hay đêm…
Bình luận (0)