Chuyện chưa kể của những người chọn đi vào ‘tâm bão’

22/05/2020 20:00 GMT+7

Cơn bão Covid-19 đang suy yếu dần và tình hình đã được kiểm soát sau nhiều tháng hoành hành dữ dội. Trong những ngày bão nổi, có rất nhiều “anh hùng” đã chọn xông pha lên tuyến đầu, đi vào “tâm bão”.

Và giờ đây khi những vất vả qua đi, chỉ còn niềm vui, yêu thương đọng lại.

Nhật ký của “các anh hùng” ngày đầu trong “tâm bão”

Cách đây 2 tháng, khi dịch bệnh bùng phát, cô bác sĩ trẻ Phạm Minh Phương đã không nghĩ ngợi nhiều mà xung phong đến các “điểm đỏ” để cùng đồng nghiệp “chiến đấu”. Đó là Bệnh viện Dã chiến Củ Chi và sau đó là Bệnh viện Điều trị Covid-19 Cần Giờ. Trong ký ức của bác sĩ Phương, khoảng thời gian làm việc tại các bệnh viện tuyến đầu là những ngày bận rộn đúng nghĩa vì số lượng bệnh nhân cách ly tăng liên tục, thậm chí có nhiều bệnh nhân không chịu hợp tác khiến chị thêm căng thẳng. Chị bận rộn đến mức chẳng thể gọi điện hỏi thăm gia đình hằng ngày như lời hứa trước lúc chị lên đường.
Tranh thủ phút nghỉ ngơi ít ỏi, bác sĩ Minh Phương gọi điện hỏi thăm gia đình và ghé quầy Ông Bầu gọi ly thức uống yêu thích

Tranh thủ phút nghỉ ngơi ít ỏi, bác sĩ Minh Phương gọi điện hỏi thăm gia đình và ghé quầy Ông Bầu gọi ly thức uống yêu thích

Tương tự như cô đồng nghiệp trẻ Minh Phương, khi đang làm tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, dịch ập đến, bác sĩ Huỳnh Hồng Phát đã tình nguyện xa gia đình lên tuyến đầu chống dịch. Anh tạm biệt bố mẹ cùng cô vợ mới cưới để lên đường đến Củ Chi vào một ngày giữa tháng 3. Gom một ít quần áo, chút đồ dùng cá nhân rồi anh “chuyển hộ khẩu” vào bệnh viện dã chiến để chung vai sát cánh chiến đấu cùng các đồng nghiệp tại đây. Mỗi tối khi không phải trực, anh tranh thủ gọi facetime về cho vợ để thỏa nỗi nhớ. Chàng bác sĩ trẻ luôn mơ rằng: “Hết dịch, khi trở về, việc đầu tiên tôi làm là đưa vợ đi chơi, đi ăn để bù đắp những ngày xa cách”.

Khoảnh khắc nghỉ ngơi hiếm hoi của bác sĩ Huỳnh Hồng Phát giữa “tâm bão”

Không quá nhớ nhà hoặc nhớ vợ bởi đã quen cuộc sống xa gia đình từ thời sinh viên nhưng chàng bác sĩ trẻ Lâm Vanđa cảm thấy nhớ sự nhộn nhịp nơi trung tâm thành phố và thèm những ly cà phê da diết khi dọn đến “chiến đấu” ở Củ Chi. Với anh, nơi này không có gì khác biệt và nguy hiểm như nhiều người lo sợ, dù đây là bệnh viện tiếp nhận đa số các ca dương tính với SARS-CoV-2 của thành phố.
Cảm giác của bác sĩ Phương, bác sĩ Phát hay bác sĩ Vanđa chính là nỗi niềm chung của những “người hùng” thầm lặng trong những ngày đầu chuyển đến công tác tại các bệnh viện tuyến đầu.

Tâm sự của những người trẻ dám bước vào “tâm bão”

“Ngay khi vừa nghe tin công ty kêu gọi tình nguyện viên đi phục vụ miễn phí các y bác sĩ nơi tuyến đầu chống dịch, tôi liền xin đi vì muốn đóng góp một chút gì đó cho cộng đồng. Má tôi biết tôi xung phong đi liền mắng tôi điên, người ta tránh ra không được mà mày đâm đầu vô làm gì”, Lê Văn Độ, chàng nhân viên tình nguyện của cà phê Ông Bầu phục vụ trong Bệnh viện Điều trị Covid-19 Cần Giờ tâm sự về phản ứng của gia đình khi anh thông báo đi công tác dài ngày. Vốn cứng đầu, Độ mặc kệ, anh chàng vác ba lô lên đường đến Cần Giờ bởi vì tin mình đang làm đúng.
Tình nguyện viên Lê Văn Độ bên quầy cà phê “vượt dịch”

Tình nguyện viên Lê Văn Độ bên quầy cà phê “vượt dịch”

Tương tự Độ, chàng tình nguyện viên Nguyễn Anh Thuận cũng xung phong đến tuyến đầu phục vụ cà phê. Bệnh viện Dã chiến Củ Chi lại nằm trong khuôn viên khu quân sự, tuy rộng thoáng nhưng chung quanh là cây cối nên vì thế đêm rất nhiều muỗi. Ngoài âm thanh máy pha cà phê quen thuộc thì tiếng muỗi vo ve bên tai mỗi tối có lẽ là âm thanh không thể nào quên trong tuổi trẻ của Thuận. Lúc mới xung phong đi, Thuận cũng có chút lo lắng nhưng nhìn các bác sĩ đang chiến đấu, cứu người vất vả, nỗi lo của cậu nhanh chóng tan biến. Thậm chí, sau khi kết thúc thời gian phục vụ tại Củ Chi, Thuận lại xung phong “xê dịch” về Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới để tiếp tục góp sức.
Anh Tú, một trong những tình nguyện viên trẻ nhất của nhóm phục vụ cà phê Ông Bầu lần này cũng chia sẻ: “Mọi người vẫn nghĩ ở tuổi của em thời gian chơi còn không đủ huống gì là đi tình nguyện, nhưng lúc có dịch Covid-19, ai cũng đóng góp cho xã hội nên em cũng muốn được làm gì đó, góp sức bằng tay nghề pha chế của mình cũng được mà”. Đợt dịch Covid-19 vừa qua, anh chàng được trường cho nghỉ học nên xung phong “trực chiến” toàn thời gian trong bệnh viện tuyến đầu.
Anh Tú thoăn thoắt làm những ly cà phê thơm ngon cho các y bác sĩ

Anh Tú thoăn thoắt làm những ly cà phê thơm ngon cho các y bác sĩ

Điều giản dị nhưng ấm lòng trong “tâm bão”

Vào những ngày đầu tháng 4, cơn thèm cà phê của bác sĩ Lâm Vanđa đã kết thúc. Nỗi nhớ vợ, gia đình của bác sĩ Phương và bác sĩ Phát cũng vơi bớt khi có một xe cà phê màu vàng rực đến phục vụ miễn phí ngay tại bệnh viện. Màu vàng rực rỡ của bảng hiệu, của màu áo các nhân viên phục vụ khiến không khí tĩnh lặng tại các “chiến trường không tiếng súng” trở nên rộn ràng hơn. Xe cà phê cũng trở thành “hội quán” cho y bác sĩ tranh thủ ghé lại thư giãn mỗi khi “xuống ca”. Nhiều bác sĩ còn đặt tên cho xe cà phê là “cà phê vượt dịch” bởi đã giúp anh và đồng nghiệp thêm tỉnh táo, sảng khoái, ấm lòng. Thậm chí, các bạn phục vụ tình nguyện còn viết những lời động viên một cách nắn nót, cẩn thận gửi gắm qua từng ly nước uống. Bác sĩ Phạm Minh Phương nhớ lại: “Lần đầu tiên cầm ly cà phê Ông Bầu, tôi thật sự xúc động khi nhận được tấm thiệp viết tay đính kèm “Các anh chị cứ an tâm công tác, tụi em vẫn ở nhà rất ngoan”. Từ đó mỗi lần gọi nước tôi lại có chút háo hức chờ xem hôm nay các em “áo vàng” nhắn nhủ điều gì? Cám ơn các em rất nhiều vì đã mang những phút giây thư giãn quý báu cho chúng tôi sau những lúc làm việc căng thẳng”.
An Thư - nhân viên của cà phê Ông Bầu và cũng là chủ nhân của những nét chữ viết tay tâm sự: “Tất cả thông điệp đó đều là cảm xúc thật của tụi em. Biết các bác sĩ rất bận và mệt mỏi nên tụi em tự tay viết và gửi kèm vào mỗi ly nước với hy vọng được mang đến những niềm vui nho nhỏ cho các anh hùng”.
Những thông điệp đầy yêu thương của các tình nguyện viên phục vụ tại quầy cà phê Ông Bầu

Những thông điệp đầy yêu thương của các tình nguyện viên phục vụ tại quầy cà phê Ông Bầu

Bác sĩ Lương Thị Huệ Tài - Trưởng khoa Nhiễm C - Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới TP.HCM bộc bạch: “Hạnh phúc có khi lớn lao như được góp sức cùng đất nước chống dịch nhưng luôn vững tin vì biết có cả cộng đồng ủng hộ phía sau. Xe cà phê cùng các bạn tình nguyện viên của cà phê Ông Bầu khiến chúng tôi vô cùng ấm lòng dù chiến đấu giữa tâm bão. Bão sắp qua đi nhưng những gì Ông Bầu và các tình nguyện viên đã làm sẽ khiến chúng tôi không quên”.
Bác sĩ Huệ Tài (ngoài cùng, bên phải) cùng những y bác sĩ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới tại TP.HCM bên những ly thức uống yêu thích

Bác sĩ Huệ Tài (ngoài cùng, bên phải) cùng những y bác sĩ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới tại TP.HCM bên những ly thức uống yêu thích

Trong ngày cuối chia tay sau hơn 1 tháng phục vụ nơi các bệnh viện tuyến đầu, Thanh Trúc - cô gái 25 tuổi với vẻ ngoài nhỏ nhắn nhưng suy nghĩ rất chững chạc: “Đi tình nguyện nghĩa là mình chấp nhận bỏ bớt một số thói quen để sống cực hơn một chút, làm việc nhiều hơn một chút nhưng cũng nhờ thế mà có ý nghĩ hơn. Được đóng góp trong mùa dịch, tuy cực nhưng em cảm thấy vui. Em hy vọng 20.000 ly nước Ông Bầu tụi em pha chế đã góp phần tiếp sức các y bác sĩ chiến đấu với dịch bệnh”.
Thương hiệu cà phê Ông Bầu được thành lập bởi 3 doanh nhân lớn của bóng đá Việt Nam, gồm: Bầu Đức (Hoàng Anh Gia Lai), Bầu Thắng (Đồng Tâm), Bầu Hải (NutiFood) với mong muốn người Việt được uống cà phê thật. Trong đợt dịch Covid-19 cao điểm, cà phê Ông Bầu đã thực hiện chuỗi chương trình phục vụ thức uống miễn phí tại các bệnh viện tuyến đầu ở TP.HCM từ ngày 10.4 - 15.5. Hơn 20.000 thức uống đã được phục vụ trực tiếp các y bác sĩ. Hiện tại, chuỗi cà phê Ông Bầu đã có gần 70 điểm bán tại TP.HCM, Hà Nội, Bình Dương… và tiếp tục mở rộng ra nhiều tỉnh thành trên toàn quốc trong thời gian tới. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.