Chuyên gia tâm lý cũng cần... tư vấn vì từng bị sốc, định tự tử!

15/07/2016 20:02 GMT+7

Mặc dù có nhiều kinh nghiệm tham vấn cho các thân chủ, nhưng một số chuyên gia tâm lý cũng thừa nhận có những lúc chới với trong gia đình hay trong cuộc sống, họ cũng phải nhờ đến lời khuyên của người khác.

“Định không lấy chồng cho đỡ rắc rối !”
Chia sẻ với PV Báo Thanh Niên, tiến sĩ xã hội học - chuyên gia tham vấn tâm lý Phạm Thị Thúy thẳng thắn: “Tôi làm tham vấn tâm lý trước khi kết hôn 3 năm. Chuyện của thân chủ về những rắc rối mâu thuẫn trong gia đình nhiều đến nỗi thời gian đầu tôi định không lấy chồng cho đỡ rắc rối.
Nhưng sau đó, tôi cũng quyết định kết hôn với suy nghĩ rằng mình sẽ rút kinh nghiệm từ chính những cuộc sống gia đình mà tôi biết và đã giúp họ vượt qua sóng gió, để tránh cho hôn nhân của mình không gặp những sai lầm đó”.
Chuyên gia tham vấn tâm lý này cho biết gia đình cô cũng trải qua nhiều giai đoạn căng thẳng. Đặc biệt, đó là 5 năm đầu kết hôn với nhiều cãi vã, mâu thuẫn, xoay quanh những chuyện tiền bạc, con cái, công việc... “Mâu thuẫn nặng nhất của vợ chồng tôi là tôi đi làm nhiều, chồng tôi không thích và thường xuyên càm ràm về chuyện này.
Tôi là người ham làm việc, nhiệt tình và cả nể nên có quá nhiều việc vào cuối tuần và buổi tối. Thậm chí, tôi có những cuộc điện thoại tư vấn đêm khuya. Có một lần, chồng tôi đã bỏ đi vì nói vợ không thay đổi để bớt việc. Sau lần đó, tôi mới thấy cần phải bớt việc lại. Tôi giảm đi làm thứ bảy, chủ nhật và buổi tối, dành thời gian đó cho chồng con. Tư vấn qua điện thoại buổi tối, tôi cũng không làm nữa”, cô Thúy tâm tình.
Theo cô Thúy, có những chuyên viên tham vấn tâm lý gặp nhiều vấn đề tâm lý, có nhiều đổ vỡ trong đời thường nhưng họ đã che giấu điều đó trước công chúng. Cô Thúy cho rằng đây là một thực tế dễ hiểu. Bởi nghề này xã hội cũng kỳ vọng ở họ cao nên họ cần tạo nên một hình ảnh đẹp, một gia đình hạnh phúc trước mọi người. Nói một cách khác, áp lực xã hội đối với nghề này không hề nhỏ.
“Với cá nhân tôi, tôi không tự ái khi thấy mình cần ai đó tư vấn chuyện nhà mình. Ông bà ta có câu: Người trong thì tối mà người ngoài thì sáng. Vì vậy, khi gia đình mình có chuyện, mình khó tỉnh táo sáng suốt nhìn nhận vấn đề. Mình sẽ dễ bị những cảm xúc tiêu cực, giận dữ, tự ái, ghen tuông... làm mờ lý trí.
Lúc đó, mình nên tâm sự mọi chuyện cho ai đó để họ là người sáng, người tỉnh hơn phân tích cho mình nghe điều hay lẽ phải. Như vậy rất tốt cho việc giữ gìn hạnh phúc gia đình”, cô Thúy nói. Và cô thổ lộ: “Tôi thường có những người bạn thân để chia sẻ, có những đồng nghiệp hay thầy cùng nghề tham vấn để hỏi ý kiến...”.
Nói về bí quyết giữ gìn hạnh phúc gia đình, cô Phạm Thị Thúy cởi mở: “Hầu hết những căng thẳng đều được hóa giải nhanh, đó là nhờ tình yêu, tình dục và chịu nhịn. Chồng giận thì vợ làm lành thôi. Còn những mâu thuẫn do tôi không hài lòng về chồng thì tôi đã hóa giải bằng cách chấp nhận. Bởi vì tôi nghĩ, yêu nhau đâu phải để họ làm hài lòng ta mà để họ được là chính họ khi sống bên ta. Chung thủy luôn là mục tiêu rất khó, nhưng lại là chìa khóa giữ được hôn nhân bền vững”.
Từng bị sốc, định tự tử...
Chuyên gia tham vấn tâm lý Ngô Minh Uy (Tổng thư ký Hội Khoa học tâm lý và giáo dục TP.HCM) không giấu giếm chuyện anh từng có ý định tự tử. Lúc ấy, anh đã hành nghề này. Anh Uy cho hay: “Đó là năm 2006, tôi đã lập gia đình và có con rồi. Nhưng không phải tôi buồn về chuyện gia đình mà do tôi sốc với hành động của một người bạn thân. Tôi thấy cuộc sống có nhiều thứ thay đổi quá, nên nghĩ đến chuyện tự tử”.
Anh kể tiếp: “Cái lần tôi muốn tự tử ấy, tôi đã gọi điện cho bác sĩ Nguyễn Minh Tiến (đồng sáng lập Chi hội Trị liệu tâm lý Trăng Non - PV) vì biết rằng mình cần nói chuyện với ai đó...”. Từ trải nghiệm bản thân, anh Uy đúc kết: “Chuyên viên tham vấn hoàn toàn có thể đối diện với những chuyện đời thường như vậy. Lúc ấy, mình nên gọi cho ai đó mà mình có thể tin tưởng được”.
Tuy nhiên, anh Uy cho rằng trước nay anh chưa từng trao đổi với đồng nghiệp hoặc thầy của mình về chuyện gia đình riêng hay chuyện nuôi dạy con cái. Bởi theo anh, những chuyện đó anh có thể xử lý theo cách mà anh thấy ổn, không phải nhờ đến người khác.
Dù vậy, chuyên gia này nhìn nhận trên thực tế, đã nhiều lần anh nghe người ta hỏi những câu cắc cớ, kiểu như: “Ông/bà đó thất bại, đổ vỡ hôn nhân, giờ tư vấn cho ai nghe?”, “Bà này mà tư vấn cái gì? Bả ly dị chồng từ hồi nảo hồi nào, bà đang sống với người chồng thứ hai đó”...
Anh Uy phân tích: “Về mặt xã hội, người ta cũng có lý khi nói rằng ai đó đổ vỡ hôn nhân thì không nên tư vấn. Tuy nhiên, điều này không liên quan đến tiêu chuẩn nghề nghiệp. Nó thể hiện sự định kiến, kỳ thị của nhiều người”.
Đề cập mối quan hệ giữa hạnh phúc gia đình với nghề nghiệp, anh Uy nêu ý kiến: “Tôi không cho rằng người tham vấn, tư vấn tâm lý phải đặt ra mục tiêu là giữ gìn hạnh phúc gia đình. Mình có mưu cầu chuyện hạnh phúc gia đình nhưng nó không phải là mục tiêu liên quan đến nghề nghiệp. Nếu như phải chấm dứt hay dừng lại thì cần phải làm chứ không phải là tôi buộc phải giữ mối quan hệ trong hôn nhân để tôi có uy tín gì đó trong xã hội. Không phải tôi thất bại, tôi phải ly dị thì tôi không thể làm nghề này nữa!”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.