Chuyện quái dị từ những lời thách đố trên Facebook: Người bình thường sao hành xử vậy

27/09/2016 17:40 GMT+7

Đó là một trong nhiều ý kiến của bạn đọc về bài viết Chuyện quái dị từ những lời thách đố trên Facebook trên Thanh Niên số phát hành ngày 26.9.

Bất chấp
Tôi nghĩ những người làm nên các trò lố như tự thiêu, tắm phân... có tâm lý không bình thường, nếu họ không bất thường về tâm sinh lý thì có lẽ ý thức của họ có sự lệch lạc rất lớn. Một người bình thường, có học thức và được giáo dục tốt từ nhà trường và gia đình thì không ai lại hành xử như vậy. Nút like trên mạng xã hội giờ đây có sức mạnh quá to lớn, nó khiến người ta có thể vì nó mà làm bất kỳ việc gì miễn là được like.
Trịnh Hải
(TX.Gò Công, Tiền Giang)

tin liên quan

Chuyện quái dị từ những lời thách đố trên Facebook
Thời gian gần đây, trên mạng xã hội Facebook xuất hiện nhiều clip có nội dung thách đố làm những việc “trên trời dưới đất”, như đổ xăng tự thiêu, tự xưng “giang hồ” có thể “bao” địa bàn các quận, huyện... để câu like.
Nên làm gì có ý nghĩa hơn!
Nếu “nói là làm” dành cho một hành động như: về xin lỗi ba mẹ sau khi cãi lời ba mẹ, cùng nhau giúp đỡ một hoàn cảnh thương tâm nào đó, nói lấy được bằng cấp nghề là làm được... thì hay biết bao. Ở đây, các bạn trẻ nói là làm những chuyện kỳ quái để thu hút đám đông và nhiều người cùng ào theo thì quả thật là lạ lùng, khó hiểu.
Hồ Trọng Vĩnh
(P.6, Q.4, TP.HCM)
Độc ác
Tôi đã xem video tự thiêu của anh chàng Nguyễn Tiến, rất may anh này nhanh chân nhảy xuống nước khi lửa vừa bốc lên, nếu anh ta chết cháy thì thủ phạm chính là... dân mạng. Tôi cảm thấy rợn người trước sự độc ác của dân mạng mà đa số họ là người trẻ trong vụ việc này. Trước một hành vi rồ dại của Nguyễn Tiến, không ai đứng ra ngăn cản mà còn bấm like và mời gọi nhiều người cùng like để nhìn thấy... cái chết cháy của anh chàng này.
Vũ Minh Thành
(Q.Tân Phú, TP.HCM)
Ngăn chặn kịp thời
Nhiều thanh niên sống ảo như hiện nay thì việc họ sẵn sàng hành động điên dại như vừa qua là điều rất hay xảy ra. Không khó để cơ quan chức năng phát hiện ra những hành vi thách đố để câu like của một số bạn trẻ; biết được rồi thì cần có biện pháp để ngăn chặn họ thực hiện hành vi cũng như ngăn cản, giải tán đám đông tụ tập theo dõi. Đây cũng là một trong những nhiệm vụ quan trọng của ngành công an trong thời buổi loạn mạng xã hội như hiện nay.
Lê Văn Hạnh
(P.Tân Thuận Tây, Q.7, TP.HCM)
Cần sớm chấm dứt
Chẳng biết được like nhiều trên Facebook của mình thì những người “rảnh rỗi sinh nông nổi” này có được tiền của gì không mà điên lên như thế? Những nhà quảng cáo cũng chẳng bao giờ quảng cáo sản phẩm của họ trên trang cá nhân của những kẻ rồ dại này. Hôm nay những người tự thiêu, ăn phân... may mắn thoát chết nhưng những lần sau có khi họ sẽ chết, thương tật vĩnh viễn. Khi đó, nỗi khổ lại ập lên gia đình và chính bản thân thanh niên đó. Mong sao khi báo chí, xã hội lên án mạnh mẽ thì trào lưu kỳ quặc này sớm chấm dứt.
Trần Phú Lập
(Q.9, TP.HCM)
Nguyễn Đức Hữu
Là người trẻ và thường xuyên sử dụng mạng xã hội nhưng tôi ý thức được khi nào thì bấm like, khi nào thì không. Nút like sẽ ý nghĩa nếu nó được bấm đúng đối tượng, đúng chủ đề, nếu không nó rất vô duyên, thậm chí độc ác như những sự kiện vừa qua. Mong sao trào lưu vô bổ này sẽ sớm chấm dứt.
Nguyễn Đức Hữu
 
(Q.Gò Vấp, TP.HCM)
Nguyễn Đức Nghĩa
Chỉ vì phút giây nổi tiếng trên thế giới ảo mà nhiều người bất chấp tất cả, hy sinh tương lai, gia đình, tính mạng của mình. Họ đâu ngờ rằng dân mạng sẽ quên họ ngay sau đó và tiếp tục đi like những cái... tào lao khác. Một nhà tâm lý học đã nói, chỉ có trí tuệ, tài năng thực sự mới tồn tại mãi mãi. Những trò câu like ảo như thế này chỉ thoáng qua rồi vụt tắt. Vậy thì đừng vì cái like vô nghĩa mà mất tất cả.
Nguyễn Đức Nghĩa 
(TP.Đà Nẵng, TP.HCM)
T.T - Duy Khang 
(thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.