Chuyện trong 'căn phòng tối' ở đài không lưu

Mai Hà
Mai Hà
25/01/2020 08:30 GMT+7

Căng mình điều hướng từng “cánh chim sắt”, đảm bảo an toàn cho các chuyến bay đưa hành khách về sum họp gia đình, ngày sát tết, những “cảnh sát bầu trời” phải gồng mình làm việc gấp rưỡi, gấp đôi ngày thường.

Từng là một nghề thầm lặng, nhưng vài năm gần đây, kiểm soát viên không lưu đã được biết đến nhiều hơn với những biệt danh khá kêu như “cảnh sát bầu trời” hay những người “lái phi công”. Với mật độ công việc ngày càng gia tăng, do việc đi lại bằng đường hàng không tăng trưởng chóng mặt những năm gần đây, công việc vốn đòi hỏi rất nhiều chuẩn mực khắt khe của những kiểm soát viên không lưu lại càng thêm áp lực.
Có mặt tại Trung tâm kiểm soát tiếp cận tại sân - sân bay Nội Bài một ngày sát tết Canh Tý 2020, chúng tôi được tận mắt chứng kiến sự hối hả nhưng chuẩn xác và ăn ý trong phối hợp giữa các kiểm soát viên cùng kíp trực. Trong 2 căn phòng khá tĩnh lặng, chỉ nghe tiếng các kiểm soát viên phát huấn lệnh ngắn gọn, trao đổi bằng tiếng Anh với phi công qua micro.

600 chuyến bay mỗi ngày

Đài chỉ huy nằm trên đỉnh Đài Kiểm soát không lưu Nội Bài cao hơn 80 m, bao xung quanh đều là kính với tầm nhìn rất đẹp bao quát toàn bộ khu vực sân bay. Đây là trái tim chỉ huy có nhiệm vụ điều hành bay, kiểm soát máy bay cất hạ cánh, điều hòa máy bay đi và đến, chiếc nào hạ cánh, chiếc nào dừng chờ…

Tầm nhìn bao quát toàn bộ sân bay từ đài chỉ huy thuộc Trung tâm kiểm soát tiếp cận tại sân - sân bay Nội Bài Ảnh: M.H

Mỗi kíp trực có 12 người trên đài chỉ huy, mỗi phiên trực lại có 5 người, được thay ca luân phiên đảm bảo tối đa không làm việc quá 2 giờ/vị trí, đảm bảo tính chính xác cao và khả năng tập trung của từng kiểm soát viên.
Theo anh Mai Đình Cương, Kíp phó tiếp cận tại sân, năng lực tiếp nhận trung bình của sân bay Nội Bài là 35 - 40 chuyến/giờ, ngày bình thường trung bình 530 - 540 chuyến bay đến và đi từ Nội Bài, nhưng cao điểm tết có thể lên tới 600 chuyến bay đến/đi.
“Trước đây tương tác giữa phi công và kiểm soát viên rất nhiều, mỗi kiểm soát viên điều hành 5 - 6 chuyến bay là quá tải. Nhưng vài năm trở lại đây với các hệ thống radar hiện đại hơn, máy bay được điều hướng xếp theo luồng tuyến, xếp hàng theo làn như ô tô trên đường, tổ lái (phi công) nhàn hơn mà kiểm soát viên cũng nhàn hơn, nhưng vẫn đảm bảo độ chính xác rất cao”, kíp phó Cương chia sẻ.
Quê gốc ở huyện Nga Sơn (hanh Hoá), anh Cương cho biết anh thường phải tranh thủ về quê trước tết để thắp hương cho tổ tiên, bởi trong tết anh và nhiều đồng nghiệp phải thay nhau trực, đảm bảo hoạt động bay luôn thông suốt.

'Căn phòng tối'

Ngay phía dưới đài chỉ huy có một căn phòng khá đặc biệt, trong phòng chỉ duy trì những bóng đèn đủ sáng tại vị trí từng kiểm soát viên đang làm việc. Trả lời thắc mắc vui của chúng tôi về việc ánh đèn mờ ảo có khiến kiểm soát viên dễ buồn ngủ hay không, ông Nguyễn Ngọc Quang, Trưởng trung tâm kiểm soát tiếp cận tại sân bay Nội Bài cho biết, căn phòng chỉ duy trì ánh sáng vừa đủ chính là giúp giữ sự tập trung cao độ, tránh gây phân tán cho các kiểm soát viên làm việc tại đây.

Căn phòng luôn được duy trì ánh sáng vừa đủ đảm bảo sự tập trung cho các kiểm soát viên Ảnh: M.H

Hệ thống lưu trữ tại đài kiểm soát không lưu hiện lưu bằng cả ghi âm và băng phi diễn, vì thế, kiểm soát viên phải “3 in 1”, kiểm soát viên mắt phải nhìn màn hình, tai nghe phi công báo cáo và giao tiếp với phi công, và vừa viết lại các thông số cơ bản của chuyến bay vào băng phi diễn, vừa thao tác trên bàn phím máy tính.
Căn phòng làm việc tĩnh lặng, gần như không có tiếng nói chuyện riêng, chỉ có những câu thoại với nhiều từ tiếng Anh nghiệp vụ được lặp lại nhanh gọn khi trao đổi với phi công. Mặc dù đều được đào tạo và có trình độ tiếng Anh rất tốt, nhưng đôi khi ngữ âm tiếng Anh các vùng đặc trưng vẫn khiến các kiểm soát viên bị... stress, nhất là ngữ âm của phi công ở các nước Đông Á khiến kiểm soát viên không lưu rất vất vả khi phải vừa nghe vừa phản hồi.

Kiểm soát viên Phạm Ngọc Thuận trong ca trực Ảnh: M.H

Kiểm soát viên Phạm Ngọc Thuận Thuận chia sẻ, có rất nhiều kỷ niệm đáng nhớ trong quá trình điều hành bay. Anh nhớ nhất là một trường hợp khá cam go khi thời tiết xấu khiến máy bay không thể hạ cánh được ở sân bay Nội Bài. Một máy bay bay chờ quá lâu, tới hơn 1 tiếng, hết thời gian bay chờ, nên phi công xin bay đến sân bay dự bị tại Cát Bi (Hải Phòng) nhưng sân bay này cũng không đủ điều kiện để hạ cánh.
Vì vậy, phi công xin được hạ cánh ở sân bay Nội Bài vì nếu bay chuyển tiếp ra Đà Nẵng thì không đủ nhiên liệu để hạ cánh. Đây là tình huống rất khó, nhưng với kinh nghiệm điều hành và thêm một chút may mắn khi thời tiết có dấu hiệu tốt lên, anh Thuận và các đồng nghiệp trong ca trực đã điều hướng cho máy bay hạ cánh, đảm bảo cho hành khách trên chuyến bay an toàn.
Không lưu là ngành nghề đặc thù, hiện nguồn đào tạo chủ yếu từ Học viện hàng không, ngoài ra các sinh viên đại học sau khi tốt nghiệp có thể học thêm 1 khoá đào tạo để làm kiểm soát viên. Kiểm soát viên không lưu chia làm nhiều bộ phận như trực chính, trực hiệp đồng, trực giám sát... Trong đó kiểm soát viên điều hành chính luôn bận rộn nhất, kiểm soát viên trực hiệp đồng có trách nhiệm liên lạc với các cơ sở dịch vụ kế cận như FIR Hồ Chí Minh. Kiểm soát viên tại vị trí giám sát sẽ theo dõi, hỗ trợ đồng nghiệp  và đóng vai trò lắng nghe, quan sát huấn lệnh của kiểm soát viên điều hành, nhắc khi có sai sót.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.