Chuyện tử tế: Dạy nghề miễn phí giúp người nghèo

14/01/2021 08:05 GMT+7

Với mong muốn giúp những hoàn cảnh khó khăn được học nghề, góp phần ổn định cuộc sống, từ nhiều năm nay, bà Nguyễn Lê Vân Tuyết (44 tuổi), chủ cơ sở dạy nghề bếp - bar ở TP.Cần Thơ đã dạy nghề miễn phí cho nhiều người.

Đến cơ sở dạy nghề bếp - bar (P.Hưng Lợi, Q.Ninh Kiều, TP.Cần Thơ) của bà Nguyễn Lê Vân Tuyết, chúng tôi cảm nhận được không khí vui tươi của các học viên trong buổi học pha chế. Ngoài truyền đạt kiến thức cơ bản về nguyên liệu, công thức, kỹ thuật pha chế…, bà Tuyết còn tận tình chỉ dẫn, trao đổi những nguyên tắc cơ bản nhằm giúp học viên nắm vững lý thuyết để thực hành.
Bà Tuyết cho biết, cơ sở được thành lập khoảng 9 năm nay, khi nghề pha chế trở nên thịnh hành. Nhận thấy nhiều bạn trẻ hoàn cảnh gia đình khó khăn, không có điều kiện học nghề, bà nảy sinh ý tưởng dạy nghề miễn phí với mong muốn trao cho họ “cần câu cơm” để có thể ổn định nghề nghiệp trong tương lai.
“Học phí mỗi khóa khoảng 6 triệu đồng/học viên, cộng với tiền mua nguyên liệu để các em thực hành nữa thì tổng chi phí cũng hơn 10 triệu đồng. Vì vậy, những bạn trẻ hoàn cảnh khó khăn, dù có niềm đam mê pha chế, làm bánh, nấu bếp... cũng sẽ rất khó theo đuổi. Vậy nên tôi quyết định dạy miễn phí cho họ”, bà Tuyết nói.
Đến nay, đã có hàng chục trường hợp khó khăn được bà Tuyết dạy nghề miễn phí. Thường mỗi khóa học kéo dài từ 2 - 3 tháng và được tổ chức thi lấy bằng một lần. Hiện nhiều học viên đã có thể xin việc làm, kiếm thu nhập tốt.
Theo bà Tuyết, ngoài việc học kết hợp lý thuyết và thực hành, cơ sở liên tục cập nhật món ăn, thức uống mới. Vậy nên cứ sau mỗi buổi học, học viên được biết thêm món mới. Ngoài ra, bà còn dạy làm các món bánh dân gian trong những buổi học trải nghiệm của học sinh trên địa bàn, nhằm giúp các em hiểu được giá trị truyền thống qua từng chiếc bánh.
Các trường hợp được bà Tuyết dạy nghề miễn phí, có người có sổ hộ nghèo, có người được các nhà hảo tâm quen biết giới thiệu. Ngoài dạy miễn phí, bà Tuyết còn giảm 30% học phí cho một số người, như trường hợp anh Phạm Trường Huy ở Cà Mau là bộ đội xuất ngũ. Hiện anh Huy đã ra nghề và trở về địa phương mở quán nước, thu nhập khá. Bà Tuyết nói thêm: “Tôi rất vui vì những học viên có hoàn cảnh khó khăn vượt qua nghịch cảnh để có nghề, nuôi sống bản thân và gia đình, ổn định cuộc sống”.
Học viên Huỳnh Ngọc Thảo Nguyên, 18 tuổi, ngụ P.Xuân Khánh, Q.Ninh Kiều, nói với chúng tôi: “Gia đình tôi thuộc hộ nghèo. Cha mẹ lần lượt đổ bệnh nặng, hoàn toàn mất sức lao động nên cuộc sống rất khó khăn. May mắn tôi được giới thiệu đến học pha chế tại cơ sở của cô Tuyết, được cô nhận dạy miễn phí và ân cần truyền đạt kiến thức, kỹ thuật, tôi rất biết ơn. Lúc trước tôi mê học pha chế lắm mà không có tiền học, giờ ước mơ đã thành hiện thực rồi”.
Ngoài việc dạy nghề miễn phí, bà Tuyết còn tích cực tham gia các hoạt động thiện nguyện, vận động trao quà cho người nghèo. Vừa qua, khi miền Trung bị ảnh hưởng nặng nề do bão lũ, bà đã vận động gần 5 tấn quần áo và nhu yếu phẩm để cứu trợ đồng bào miền Trung ruột thịt.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.