Chuyện Xóm Mới

Trần Thanh Bình
Trần Thanh Bình
18/07/2020 08:21 GMT+7

Ở một góc Sài Gòn, có miệt đất gần chợ giáp sông. Lạ lùng thay, đã bao năm vẫn kêu bằng tên Xóm Mới!

Chợ của ngày tết

Đó là một khu vực nằm trên đường Lê Đức Thọ (Q.Gò Vấp). Nơi này tập trung khá đông người gốc Bắc di cư vào từ năm 1954, thành ra có tên ban đầu là trại Xóm Mới và sống quần tụ bằng nhiều nghề. Nhưng ngôi chợ có tên Xóm Mới là một địa chỉ quen thuộc với người dân các vùng phụ cận mỗi dịp xuân về, tết đến. Tôi vẫn quen thuộc với con đường hơi ngoằn ngoèo dẫn đến chợ vào mỗi cuối tháng chạp, khi hơi xuân bắt đầu thoảng qua mọi nẻo Sài Gòn. Bởi ở đây bán đủ thứ cho mọi nhà sắm tết theo kiểu truyền thống, từ lạt tre đến lá dong lá chuối gói bánh chưng bánh tét, các loại bánh in bánh nổ, đủ thứ màu sắc sặc sỡ của tò he, nấm hương, măng khô, tiêu Bắc...
Có nghĩa để muốn nổi lửa nồi bánh, đến chợ Xóm Mới một vòng là có thể khuân về đủ thứ, gói buộc đun nấu, ngồi canh để chờ giao thừa. Như bao người xa xứ, tôi cũng không ngoại lệ, bởi muốn lưu giữ nét hương vị ngày trước của quê nhà, để ngồi và hình dung một chút hơi bấc mùa đông xưa cũ. Nên những ngày cuối năm lại đi chợ Xóm Mới, là vậy.
Lân la dò hỏi, mấy vị cao niên ở khu vực này cho biết, hồi trước đây là một vùng đất hoang, nằm áp sát bờ sông Vàm Thuật, có hai con đường nhỏ gọi là Hương lộ. Một đường từ bến đò Vàm Thuật chạy về hướng P.12, Bình Thạnh bây giờ, một đường từ Xóm Mới hướng lên khu vực An Hội (nay thuộc P.8, Gò Vấp). Sau này, các con đường được mở rộng thành đường Dương Quảng Hàm và đường Phan Văn Trị gần như chạy song song, trở thành những tuyến lộ huyết mạch của Q.Gò Vấp. Nhưng hơn 60 năm qua, địa danh này vẫn luôn thân thuộc với cộng đồng cư dân đến đây định cư thuở nào với cái tên đã định danh: Xóm Mới.
Lúc mới quần cư vào khoảng cuối thập niên 1950, chỉ khoảng hơn 10.000 người, dài theo bao năm tháng, nay đã tính được với con số gấp cả hơn chục lần. Một cuộc đổi thay qua bao tao loạn ở vùng đất từng dang rộng vòng tay đón lưu dân đến đây sinh cơ lập nghiệp.

Đường Phan Văn Trị, đoạn đi qua Q.Gò Vấp

Ảnh: Trần Thanh Bình

Con đường ông cử trị

Con đường Phan Văn Trị bắt đầu từ đường rẽ ngang có tên Thống Nhất (P.11, Gò Vấp) xuyên qua đại lộ Phạm Văn Đồng về đến P.12, Q.Bình Thạnh, nối với đường Lê Quang Định để ra chợ Bà Chiểu.
Về nhân vật lịch sử tài hoa và kiên cường được đặt tên đường, tôi phát hiện ra rằng, có hai người trùng tên họ, có thể rất dễ nhầm lẫn. Một vị là Bá Khê hầu Phan Văn Trị sống vào đầu thế kỷ 17, làm quan đời Hậu Lê. Vào thời điểm chúa Nguyễn và chúa Trịnh khởi binh đánh nhau lần thứ nhất (năm Đinh Mão, 1627), Bá Khê hầu Phan Văn Trị được Thanh Đô vương Trịnh Tráng (người nắm thực quyền cai trị miền Bắc dưới chế độ “vua Lê chúa Trịnh”) thay mặt vua Lê cử vào đất Thuận Hóa khuyến dụ Thái bảo Thụy quốc công Nguyễn Phúc Nguyên (còn gọi là chúa Sãi, là người con thứ sáu của chúa Tiên Nguyễn Hoàng) phải nộp thuế cống về cho triều đình nhà Lê ở Thăng Long. Nhưng sau đó, chúa Sãi không chịu, nên Trịnh Tráng đem quân vào đánh chúa Nguyễn, bắt đầu cho một cuộc chiến Bắc - Nam dai dẳng đến 45 năm (cho đến năm 1672), với cả thảy hai bên 7 lần xuất quân giằng co chiến trận.
Còn ông Phan Văn Trị sống vào đầu thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20 (sinh năm 1830, mất năm 1910) còn được dân gian gọi là ông Cử Trị, do đỗ cử nhân dưới thời vua Tự Đức, là người Giồng Trôm, Bến Tre. Sau khi thi đỗ, ông không chịu ra làm quan mà bỏ về quê dạy học và làm thơ. Tôi vẫn nhớ hồi trung học, có bài thơ Thất thủ Vĩnh Long của ông được dạy trong nhà trường: “Tan nhà cám nỗi câu ly hận/Cắt đất thương thay cuộc giảng hòa...”. Nhưng được nhắc đến nhiều nhất về lòng yêu nước và sự khí khái chuyển tải vào sự nghiệp văn chương của ông, đó là cuộc bút chiến bằng thơ “nảy lửa” giữa Cử Trị và Tôn Thọ Tường, một danh sĩ đất Gia Định có chiều hướng thân Pháp và làm đến chức đốc phủ sứ.
Mặc dù từng vốn cùng nhau xướng họa ca ngâm trong hội Bạch Mai thi xã, nhưng khi nghe Tôn Thọ Tường làm thơ ca ngợi và tỏ ý thần phục sức mạnh của Pháp, Phan Văn Trị dùng thơ “đả” lại. Với cách này, ông đã lôi cuốn nhiều sĩ phu Nam kỳ yêu nước xác định vị trí “thất phu hữu trách” của mình, đứng lên chống Pháp. Đọc những vần thơ ông Cử Trị đã viết, vẫn nghe âm hưởng của một thời như vang vọng: “... Bến Nghé quản bao cơn lửa cháy/Cồn Rồng dầu mặc muội tro bay/Nuôi muông giết thỏ còn chờ thuở/Bủa lưới săn nai cũng có ngày/Đừng mượn hơi hùm rung nhát khỉ/Lòng ta sắt đá há lung lay”.
Để ghi lại hành trạng và công đức của tiền nhân, tên của ông cử Phan Văn Trị đã được thành phố lấy đặt tên cho con đường nhiều năm qua.

Trông ngóng nhịp cầu

Bây giờ, đi qua các con đường thuộc vùng đất phía đông bắc của Q.Gò Vấp, những cuộc chiến đã lùi quá vào một cõi miên viễn, chỉ còn được nhắc nhớ và đọng lại trong sử sách. Miệt đất ven sông Vàm Thuật phía bờ nam thuộc Q.Gò Vấp vẫn giữ từng chuyến phà qua lại vùng An Phú Đông của Q.12 xuôi về phía bắc.
Dự án về một cây cầu sắt nối hai bờ đã khởi động vào tháng 1 vừa qua, nhưng vẫn phải đôi lần dừng lại vì dịch bệnh Covid-19. Vào cuối tháng 3, khi có dịp qua An Phú Đông, tôi chứng kiến vẫn chiếc phà ấy rúc từng hồi còi tu tu từ phía vùng đất Vườn Lài bên kia sông qua bến phà An Phú trên đường Dương Quảng Hàm, Gò Vấp. Lúc mới khởi động, theo dự kiến, chiếc cầu này sẽ thi công hoàn tất trong nửa năm và là một tuyến giao thông quan trọng nối Q.12 với khu vực Xóm Mới. Nhưng điều mà tôi nghe ngóng được là khi vừa mới có thông tin, giá đất của một số dự án phía Q.12 đã tăng lên rất nhiều. Đó là một “chiêu” vốn dĩ được rất nhiều “cò đất” sử dụng, mỗi khi có một khu vực nào đó chuyển động dự án cầu đường.
Nhưng, vào một buổi trưa nắng khi gặp dì Bảy, một người thường qua lại chuyến phà để bán buôn lặt vặt ở chợ Xóm Mới mỗi sáng, rồi quày quả lên phà trở qua sông về lại Q.12 mua cá của người đi câu bán lại cho khách qua đường, tôi mới nhận ra rằng chiếc cầu ấy quan trọng nhường nào với cư dân hai bờ. Một con sông với đoạn hẹp nhất, vẫn có hằng ngày hơn cả ngàn người qua lại, theo lời ông Mười ngồi bán vé phà cho biết, thì cái sự giao thương của hai quận không hề nhỏ. Vì thế, vẫn mong chiếc cầu sớm hoàn thành, để dì Bảy và bao người khác đỡ phải vất vả mỗi ngày.
Chợ Xóm Mới thuộc P.16, Q.Gò Vấp nằm ở mặt tiền đường Lê Đức Thọ, cách đường Phan Văn Trị khoảng 1 km, nhưng tính rộng ra cả khu vực Xóm Mới thì còn rộng hơn. Chợ có diện tích khoảng 2.400 m2, hiện có 500 tiểu thương đang kinh doanh ở đây, đa phần là người ở các phường 13, 15, 16 của Q.Gò Vấp. Phần lớn cư dân đến cư ngụ từ sớm tại khu vực Xóm Mới theo đạo Công giáo, di cư vào Nam trong khoảng 2 năm 1954 - 1955. Một số lượng lớn cư dân nhập cư đến Sài Gòn từ sau 1975 đến nay đã tạo ra cho diện mạo khu vực này trở nên rất đông đúc, sầm uất
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.