Cơn lốc ly hương mưu sinh: Đắng cay làng... vắng!

Nguyễn Phúc
Nguyễn Phúc
26/12/2019 09:25 GMT+7

Cơn lốc... ly hương cuốn qua rất nhiều nơi trên dải đất hình chữ S nhưng hiếm nơi có thể nhìn thấy sự “tàn phá” khủng khiếp của cơn lốc ấy bằng những... làng biển. Bởi có nhiều ngôi làng biển bây giờ chỉ là làng... vắng!

Làng biển thiếu... người đi biển
Trước khi có những làn sóng ly hương, đã có lúc làng biển Cửa Việt (H.Gio Linh, Quảng Trị) luôn đông đúc. Trên bến dưới thuyền lúc nào cũng tấp nập kẻ bán người mua. Nghề biển tưởng như đã rất phồn thịnh ở nơi này, đặc biệt là khi nhà nước có chính sách cho vay để đóng mới, cải hoán tàu lớn ra khơi đánh bắt theo Nghị định 67.

Ngày nay không dễ kiếm được người đi biển ở Cửa Việt

ẢNH: NGUYỄN PHÚC

Nhưng, mọi thứ như xoay đổi xoành xoạch bởi một nguyên do: con người. Những đứa trẻ sinh ra lớn lên ở làng biển này đã không còn mặn mòi với nghề biển. Chúng thường chọn cái nghề khác đỡ cực nhọc hơn, xa lánh cái mùi tanh nồng của biển, của cá tôm. Vậy nên, mới có có chuyện ngay ở làng biển nhưng... thiếu người đi biển.
Để xoay xở, những thuyền trường đành chấp nhận cho thuyền năm bờ hoặc cố gắng ra khơi với số thuyền viên không đảm bảo hoặc thậm chí tuyển cả thuyền viên là nông dân, vốn chỉ quen với việc trồng lúa, chưa một lần có ra biển.
“Đến bạn thuyền tuổi cao niên, trung niên... còn tìm không ra huống hồ là bạn thuyền thanh niên”, thở dài thườn thượt tại cảng cá Cửa Việt, ngư dân Trần Việt Thành (chủ tàu cá QT 91018 TS) đắng đót “khái quát” tình hình.
Theo nhẩm tính của vị thuyền trưởng này, 15 ngày trên biển, anh cần 7 - 8 thuyền viên mà giờ chỉ kiếm được đúng 4 người, trong đó mất 3 người đã ngấp nghé tuổi 55.
Ông Lê XuânTưởng, một thuyền trưởng khác ở Cửa Việt bảo rằng việc người già thì chẳng ai đi biển, trong khi tụi trẻ thì đi học, đi làm ăn xa, đi vào nam làm công nhân hoặc đi xuất khẩu lao động (XHLĐ)… nên bạn thuyền luôn khan hiếm.
Trái khoáy hơn, đến bản thân những chủ tàu đã vay mấy chục tỉ đồng để đóng tàu vỏ thép, đang kêu gào thiếu “bạn thuyền” thì vẫn bỏ một số tiền không nhỏ cho con cái của mình ly hương sang Hàn Quốc, Đài Loan cũng để... đi biển.
Theo số liệu của UBND TT.Cửa Việt, số tàu cá và số người đi XKLĐ tại địa phương liên tục tăng và hiện nay thị trấn bé nhỏ này có 100 chiếc tàu cá (từ có công suất 90 CV trở lên, trong đó có tới 11 con tàu vỏ thép vừa đóng mới) và 690 người đang đi XKLĐ (chủ yếu ở Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan...).
Không phải nghề biển thu nhập không tốt, vẫn có bao người bám biển mà vẫn dựng được nhà to ở cái làng biển này. Nhưng nghề biển nổi tiếng cực khổ và bạc bẽo. Khi biển nổi cuồng phong, thân làm ngư dân... nhẹ thì lỗ vốn, nặng thì vùi thân trên biển. Nên nhiều người ở làng biển này ra đi.  
“Một đời tôi đánh đu với thủy thần để kiếm bát cơm là đủ rồi”, một lão ngư đắng đót đúc kết.

Làng của người già và con nít

Tình hình bi đát hơn ở những làng biển bãi ngang, đó là những làng biển “nghèo nhất trong những ngôi làng biển”, nam thanh nữ tú bỏ đi đâu hết, chỉ bỏ lại người già và con nít.

Làng Hà Lợi Trung (xã Trung Giang, H.Gio Linh, Quảng Trị) giờ là làng của người già và trẻ nhỏ

ẢNH: NGUYỄN PHÚC

Chẳng ai muốn rời bỏ quê hương mình nhưng chuyện cơm áo gạo tiền lại như cố đẩy họ ra xa làng quê nghèo khó ấy. Để rồi từng lớp người dứt áo ra đi, lang bạt kỳ hồ nơi đất khách, bỏ lại làng quê hoang vắng, đìu hiu đến tội nghiệp.
Dân làng Hà Lợi Trung (xã Trung Giang, H.Gio Linh, Quảng Trị) mang trong mình một nỗi buồn như thế, nỗi buồn ly hương…
Làng vắng người lắm, càng đìu hiu hơn khi ghé làng vào những ngày đầu tháng 12 rét mướt, đi trên đường làng ngóng lắm mới thấy lác đác một vài cái bóng.
Có một con số khá sốc mà một vị chức sắc trong thôn Hà Lợi Trung này cũng cấp cho tôi chính là việc Hà Lợi Trung có gần 1.000 khẩu nhưng có đến 80% các hộ có 1 con trở lên phải “tha phương cầu thực”.
“Chi đoàn thôn gom cả cũng chỉ được dăm đứa. Hễ có việc làng, việc nước đều không biết kêu ai”, vị này nói.
Người dân làng biển này không nề hà công việc gì, miễn là đi ra khỏi làng. Nhưng “mốt” ở Hà Lợi Trung là vào TP.HCM và Bình Dương, Đồng Nai làm công nhân giày da, anh chị đi trước, em út nối gót theo sau.
Con trai của anh Khải, nay cũng sống trong vòng tay của bà nội ở quê nhà. ẢNH: NGUYỄN PHÚC

Con trai của anh Khải, nay cũng sống trong vòng tay của bà nội ở quê nhà

ẢNH: NGUYỄN PHÚC

“Mô típ” cha mẹ túa đi khắp nơi kiếm tiền, để con cái lại cho ông bà nuôi đã trở nên quá quen thuộc ở làng biển này. Đến nỗi, cứ sáng sáng, chỉ toàn thấy các ông bà già lục tục đạp xe, cõng cháu đến trường… Có ông bà thậm chí nuôi một lúc 4, 5 đứa cháu nội ngoại cả thảy.
“Hắn đẻ rồi hắn quăng lại đó. Khó mấy cũng phải nuôi, cháu mình chứ cháu ai”, ông Mẫn, một người ông “khá vất vả vì chăm cháu” ở Hà Lợi Trung nói.
Cảnh người già hiu quạnh ở nhiều làng biển Quảng Trị. ẢNH: NGUYỄN PHÚC

Cảnh người già hiu quạnh ở nhiều làng biển Quảng Trị

ẢNH: NGUYỄN PHÚC

Thậm chí, ở làng biển này, năm 2014, từng có 1 vụ có đến 3 chị em cùng chết khi sụp hố sâu khi hái nấm trong rừng. Người ta không dám trách ai nhưng ai cũng hiểu cha mẹ chúng đều vào Nam, ông bà không thể dõi theo cháu 24/24 được.
Ly hương, ở Hà Lợi Trung còn gắn với câu chuyện buồn của anh Trần Long Khải (30 tuổi). Anh là người đã chết khi tham gia cứu nhóm phượt thủ đi lạc ở bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng) hồi tháng 8. Khải cũng là một kẻ ly hương rồi bỏ mạng ở xứ người, dù cái cách anh chết cũng hết sức cao đẹp. Để rồi, Khải để lại 2 đứa con thơ. Chúng lại về với vòng tay của bà nội bởi một mình người vợ trẻ của Khải khó có thể xoay xở ở Đà Nẵng.
Bà Hương, một người đã sống ngót 70 năm ở Hà Lợi Trung, mắt nhòe lệ bảo với tôi rằng rằng ở quê nghèo này, nếu không học hành tử tế, đến những đứa cháu này sau này lớn lên rồi cũng phải ly hương kiếm miếng cơm như bố mẹ nó. Làng rồi sẽ còn ai?
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.