Cồn rộng gần 90 ha với 227 hộ và hơn 1.000 dân. Đa phần làm vườn cây ăn trái, trồng hoa màu, nhiều nhất là ớt hiểm và nuôi thủy sản… như một Nam bộ thu nhỏ.
tin liên quan
Bolero cuối trời phương NamBạc Liêu 15.10.2016. Đó là đêm rằm tháng chín âm lịch đúng cao điểm của triều cường nhưng may mắn thay trời không mưa, vầng trăng rằm nhẹ nhàng hiện ra sau những tầng mây thấp.
Nét khác biệt và đáng yêu ở đây là những ngôi nhà sàn vượt lũ đặc trưng và những con người chân chất, bình dị, hiếu khách. Nhà nào cũng làm bằng gỗ, thoáng mát sạch sẽ. Nhà thường sơn màu xanh và trắng. Đi khắp Nam bộ, nhà vùng nào cũng chỉ có 2 màu như vậy.
Tìm hiểu mới hay, vào những năm 1970, nhà máy sơn Bạch Tuyết (thành lập năm 1958 ở Sài Gòn), chỉ sản xuất được 2 màu đó. Không có màu nào khác, cứ pha thành hỗn hợp trắng xanh, đậm nhạt. Trước đã sơn vậy, thành quen, không thấy ai sơn màu khác. Mái nhà lợp ngói, sàn lát gỗ, sân lát gạch tàu. Sau này có thêm gạch bông rồi gạch men. Mấy nhà mới thì để nguyên màu gỗ.
Con đường chính rải nhựa, rộng hơn 2 m, xuyên làng gần 2 km, đi giữa những vườn cây trái, lúc nào cũng rực rỡ sắc màu của mấy chục loại hoa dân dã. Từ mười giờ, đồng tiền, các loại cúc cho tới điên điển, vàng anh, dừa cạn... Mỗi nhà trồng một kiểu, như cố thi đua làm đẹp cho làng. Có nhà “lỡ” tráng xi măng, phải đục lỗ cho hoa chen vai với hàng xóm.
Sài Gòn có đường hoa Nguyễn Huệ, mỗi năm chỉ diễn ra một tuần, toàn hoa trồng tạm cho khách ngắm, nghe đâu kinh phí mấy chục tỉ. Còn đường hoa Phú Mỹ, quanh năm khoe sắc, kinh phí chẳng bao nhiêu vì các hộ gia đình tự trồng và chăm sóc. Không hoành tráng, lộng lẫy nhưng đằm thắm, mặn mà và có cả hồn người trong đó. Hoa cũng như người, được yêu thương, chăm chút thì tươi vui, quyến rũ.
Ở Phú Mỹ, từng cành cây, ngọn cỏ, hoa trái và những người chăm sóc chúng đều gần gũi, thân thiện đến bất ngờ. Hình như con người và thiên nhiên ở Phú Mỹ đều hăm hở, muốn làm du lịch.
|
Cứ nhẩn nha đi bộ, hít thở không khí trong lành, thưởng ngoạn cảnh sắc bình dị, nghe gió xuân hồn nhiên mơn man, khách tha hồ chụp hình tự sướng. Nếu không muốn vào nhà thay đồ thì cứ mặc sẵn mấy lớp áo; đi tới đâu cởi tới đó để có bộ ảnh đủ sắc màu. Cứ cách vài trăm mét lại có những băng ghế dã chiến mà các hộ gia đình tự đóng cho khách dừng chân, thay lời chào mời thân thiện.
Cả mấy giỏ rác xinh xắn tận dụng vật dụng gia đình, không đụng hàng, nên đường làng luôn tinh tươm, sạch đẹp. Nhà nào cũng mở cửa như chờ khách vào nghỉ, đi vệ sinh hay nằm võng đung đưa nghe đất trời tình tự. Phú Mỹ như cô gái chân quê, đẹp hồn nhiên và chưa biết trang điểm nên dễ hút hồn du khách.
tin liên quan
Nơi độc nhất ở miền Tây bán hàng độc mà chợ và siêu thị không cóMiền Tây trù phú thứ gì cũng có. Thế nhưng có những món hàng không phải muốn mua ở chợ và siêu thị là có. Nơi đây bán những món đồ độc nhưng ai không trung thực, gian dối, làm mất uy tín với khách hàng sẽ bị trục xuất khỏi chợ này.
Đến Phú Mỹ phải vào viếng miễu Ông Cồn - Bà Cồn. Miễu nhỏ mà trang trọng. Cồn được hình thành vào khoảng năm 1950 với diện tích nhỏ. Sáng sớm, người dân trong đất liền bơi xuồng đến bãi đất mới, xốc chéo cây gác lên chiếc vạt tre, trên có tấm cà rèm che mưa nắng để đánh bắt cá tự nhiên rồi về lại đất liền khi đêm xuống.
Giữa bộn bề vất vả, họ mơ thấy ông bà về báo mộng. Dân làng lập miếu thờ bài vị cả ông lẫn bà. Hằng năm, vào ngày 15 - 16.3 âm lịch, hàng ngàn bà con vùng phụ cận nô nức về dự vía Ông Bà Cồn. Đừng quên ghé nhà lão nông Nguyễn Văn Cường, “kỹ sư chân đất”, người chỉ học hết lớp 6 mà có sáng kiến rất hay là cải tiến máy Honda cup thành máy xới đa năng hiệu quả hoặc gặp các “nhà ảo thuật” nông nghiệp, tác giả của mấy cây xoài ngũ sắc, mỗi cây có 5 loại xoài khác nhau, từ màu sắc đến trọng lượng...
|
|
Thích nhất là mấy quán ăn nhẹ và giải khát ven đường. Có cả mấy quầy mini lưu động bằng xe đẩy ngộ nghĩnh. Cà phê sữa đá và cam tươi vắt 5.000 đồng, các loại khác như đá me, chanh tươi, chanh muối chỉ 3.000 - 4.000 đồng. Không thấy các loại nước ngọt lon hay đóng chai mà toàn là nước sâm mát lạnh, cây nhà lá vườn, vừa mát gan, vừa đẹp da.
Mấy món ngon dân dã như bắp 8 món: từ bắp xôi, bắp giã, bắp hầm, bắp đùm, bắp rang, bắp nướng, bắp luộc, chè bắp... đều đựng trong chén lá chuối, xúc bằng lá dừa. Đến các món ốc gạo luộc, hến xào ớt cay, ốc lát nướng muối ớt… Những loại bánh truyền thống từ gạo như bánh bò, bánh bèo, bánh chuối, bánh da lợn, bánh lọt, bánh đúc, bánh ướt, bánh khọt, bánh xèo.
Đến bánh làm từ nếp như bánh ít trần, chè ỉ, tàu hủ non. Từ bánh làm bằng khoai mì như bánh cấp khoai mì, bánh khoai mì xắt sợi, bánh khoai mì nướng đến các loại chè như chè bắp, chè đậu trắng, chè đậu xanh, chè đậu đen, chè khoai cao. Từ khoai lang, khoai mì, khoai cao, chuối nấu... đến các loại trái cây ướp lạnh: đu đủ, mít chín, mía, mãng cầu... hoặc chấm muối ớt như xoài, ổi, sơ ri... Có cả rượu nếp Phú Mỹ nhâm nhi với mấy món thịt xiên nướng 2.000 đồng/xâu.
Quà lưu niệm có bóp quẩy, bóp cầm tay, đàn gà, xơ mướp... làm thủ công từ các làng nghề trong huyện. Quà mang về có đủ loại cây trái hái từ cây như xoài, ổi, mít, đu đủ và sấy khô như muối ớt, tương ớt, cà na, ớt bột…; nhất là rau nhút sạch. Cồn Phú Mỹ là làng rau nhút thủy sinh lớn nhất nước, hơn 6 ha. Rau nhút người bắc gọi là rút, có nơi gọi rau quyết.
Thiên hạ trồng rau nhút trong ao, hồ còn Phú Mỹ trồng sau nhút trên sông. Dân Phú Mỹ tận dụng các chai nhựa pet phế thải thành phao, vừa nâng thân rau nổi trên mặt nước, vừa giữ rau cố định. Nhờ dòng nước lưu chuyển, giàu phù sa nên chất lượng rau nhút ở Phú Mỹ ăn đứt nhiều nơi khác. Mùa này, rau nhút nở hoa vàng rực giữa thảm xanh, phao trắng bồng bềnh trên nền sông nước rất lạ mắt. Du khách có thể bơi xuồng giữa thảm rau để chụp ảnh, tự hái và cả tham gia trồng rau thủy canh sạch. Các chai nhựa phế thải cũng được sáng tạo thành những giỏ hoa trang trí lạ mắt.
Rau nhút có thể ăn sống: hái đọt non, nhặt bỏ rễ và lớp bao trắng bên ngoài, rửa sạch, ăn cả cọng lẫn lá, chấm với nước mắm kho. Hoặc làm gỏi bằng cách lựa cọng non, vuốt bỏ phần phao xốp, rửa sạch, ngắt đoạn cỡ 4 cm, bỏ những nơi có gút. Chần qua nước sôi có pha một ít phèn chua để khử vị chát. Nước vừa sôi lửa lớn, chần rau thật nhanh tay, nếu chậm rau sẽ mềm mất ngon. Ngâm trong nước nguội để giữ màu xanh và giòn rồi bóp gỏi.
Đọt và lá non của rau nhút có thể luộc riêng hoặc luộc chung với nhiều loại rau rừng khác, thường luộc lẫn với rau muống cho thơm. Rau nhút xào với thịt, ếch, nhái, hải sản… hoặc nấu canh chua với cá, tép, hải sản; nấu lẩu chua; canh riêu cua…
Phú Mỹ chưa có dịch vụ lưu trú qua đêm. Muốn ở lại, phải nhờ dân, ngủ chung trong nhà hoặc mắc võng, loại võng dã chiến có mùng dưới tán cây, cạnh đường hoa. Làng quê mà nhiều nhà có wifi tươm tất. Tôi ước được dạo đường hoa Phú Mỹ giữa trăng vàng lênh láng, bảng lảng hương đồng gió nội.
Mơ có những homestay CBT để được trải nghiệm, làm cư dân của ngôi làng thân thiện, đáng yêu và đáng nhớ. Huyện đang hỗ trợ làng triển khai dự án “Nhà cộng đồng đa năng”; là trung tâm sinh hoạt văn hóa, là homestay CBT, là chợ phiên cuối tuần, nơi giới thiệu các sản vật của làng thân thiện đặc trưng Nam bộ.
Bình luận (0)