Phải giữ hồn của Sài Gòn xưa!
Rất nhiều danh thắng, di tích của Sài Gòn xưa đã bị xâm hại. Những giá trị văn hóa từ thế kỷ này sang thế kỷ khác đã không còn thì làm sao giữ được “hồn cốt” của một Sài Gòn hơn 300 năm tuổi. Tôi nghĩ những gì vun bồi hun đúc niềm tự hào cho người trẻ là từ những di tích như cột cờ Thủ Ngữ, bến Nhà Rồng hoặc những đình chùa được xây dựng từ bao đời... Nhưng đọc bài báo này lại thấy buồn quá. Phải giữ được hồn của Sài Gòn xưa!
Duy Khanh (Q.3, TP.HCM)
Công nhận thì phải gìn giữ!
Một di tích, một danh thắng đều có giá trị lịch sử, văn hóa và đều phải được gìn giữ, tôn vinh khi được công nhận. Tôi thấy nhiều di tích sau khi được công nhận thì bị bỏ hoang phế, thành ra những giá trị lẽ ra sẽ trường tồn với thời gian lại bị mai một. Vậy thì công nhận để làm gì?
Phan Vinh (H.Bình Chánh, TP.HCM)
Tiếc quá!
Tôi ở Bình Dương, nhưng lâu lâu lại đưa gia đình về Sài Gòn đi tham quan một số di tích. Phải nói mảnh đất Sài Gòn - Gia Định xưa có rất nhiều di tích đẹp và có ý nghĩa văn hóa, lịch sử. Nhưng nghĩ cũng tiếc quá khi chưa có sự gìn giữ, khai thác cho xứng tầm với mảnh đất vốn rất oai hùng này. Bề dày lịch sử của mỗi địa danh phương nam đều ghi dấu công tích mở cõi và gìn giữ, dựng xây đất nước của cha ông. Mong rằng ngành văn hóa chú trọng điều này để Sài Gòn giữ mãi được vẻ đẹp ấy.
Văn Giảng (TX.Thuận An, Bình Dương)
Trách nhiệm ngành văn hóa
Nhìn những bức ảnh đăng trên báo, tôi thấy một sự xúc phạm. Cột cờ Thủ Ngữ là biểu tượng của Sài Gòn - hòn ngọc Viễn Đông một thời, mà nay nhếch nhác thế ư? Tại sao ngành văn hóa lại không gìn giữ được những di tích này? Sự xâm hại di tích ở ta đã trở thành một vấn nạn, phải nhanh chóng chấn chỉnh, nếu không di tích sẽ bị lấn chiếm, mất dần đi. Đây là trách nhiệm của những người làm văn hóa.
Nguyễn Ngọc Hào (Q.Bình Tân, TP.HCM)
Trần Văn Tân (Q.Gò Vấp, TP.HCM)
An Phong - Duy Khang (thực hiện)
|
Bình luận (0)