Chuyến xe lửa chạy đến Tân An qua 'Cầu Bình Điền xe lửa chạy
nghiêng nghiêng' là những chuyến xe mà má tôi thường nói là đi 'xe lửa
Mỹ'.
Xe lửa Mỹ không phải do người Mỹ làm mà là xe lửa từ chợ Bến Thành
(Sài Gòn) đi Mỹ Tho.
Đường xe lửa đi vào thơ ca
Lúc còn nhỏ tôi thường nghe má hát ru mấy đứa em bằng những câu ca dao: “Xe lửa chạy tới Tân An/Tốp máy chẳng kịp ngã ngang té nhào...”. Rồi lớn lên một chút, nghe lời một bài hát của Trúc Phương qua giọng ca sầu não của Thanh Thúy: “Trời đêm dần tàn, tôi đến sân ga đưa người trai về ngàn” và chế thêm: “Cầm chắc 500 tôi hỏi người bao nhiêu đủ không?”…
Thống đốc dân sự đầu tiên ở Nam kỳ là ông Le Myre de Vilers. Khi đến nhậm chức vào năm 1879, với ý đồ khai thác tài nguyên của thuộc địa một cách nhanh chóng và tiện lợi cũng như phát triển mạnh kinh tế cho Pháp, viên thống đốc này đã tích cực khởi động các chương trình xây dựng cơ sở hành chánh và hạ tầng ở Sài Gòn, trong đó có việc xây dựng các tuyến đường xe lửa Sài Gòn - Chợ Lớn, Sài Gòn - Mỹ Tho.
Đường “xe lửa Mỹ” được giao cho Công ty Société Générale des tramways à vapeur de Cochinchine (SGTVC) đảm nhiệm từ ngày 20.12.1880. Công ty có trụ sở ở Quai de l’Arroyo-Chinois (Bến Chương Dương, TP.HCM). Hãng xưởng, nơi chứa đầu máy và toa tàu của công ty, nằm kế ga Sài Gòn. Đường “xe lửa Mỹ” được khởi công từ năm 1881, khánh thành ngày 20.7.1885. Trạm xe lửa Sài Gòn, tức ga Sài Gòn đầu tiên (1885 - 1915) có vị trí ở đầu đường Rue de Canton (Hàm Nghi) gần sông Sài Gòn, đến năm 1915 thì dời đến ngay trung tâm, đầu công viên 23 Tháng 9 gần chợ Bến Thành ngày nay.
Khánh thành đường xe lửa Sài Gòn - Chợ Lớn ngày 27.12.1881 - Ảnh: T.L
|
Đường “xe lửa Mỹ” đi qua các trạm như sau: Sài Gòn, Chợ Lớn, Phú Lâm, Bình Điền, Bình Chánh, Gò Đen, Bến Lức, Bình An, Tân An, Tân Hương, Tân Hiệp, Lương Phú, Trung Lương và Mỹ Tho dài 70,9 km. Từ Sài Gòn xuống Mỹ Tho có ba chuyến và ngược lại, mỗi chuyến mất hai tiếng. Chuyến đầu tiên 6 giờ 30 sáng khởi hành, đến Mỹ Tho lúc 8 giờ 30 sáng. Thật là tiện lợi vì lúc ấy từ Sài Gòn xuống các tỉnh miền Tây chỉ sử dụng đường thủy nên đường xe lửa này đã rút ngắn thời gian vận chuyển rất nhiều, không chỉ thuận lợi cho giao thông buôn bán mà còn cả phương diện tình cảm, yêu thương nữa: “Làm thơ Quốc ngữ, để chữ Lang Sa/10 giờ xe lửa lại gửi qua thăm mình”. Nhờ xe lửa mà: “Cầu Bình Điền xe lửa chạy nghiêng nghiêng/Em gặp anh trên thủy dưới thuyền”, sướng chưa! Lúc đó, không chỉ có hạng bình dân đi xe lửa mà văn nhân, nhà báo, các đại gia lúc đó như Hắc, Bạch Công tử thỉnh thoảng cũng đi cho biết với giá hạng nhứt là 4 đồng (piastre) và hạng hai là 3 đồng (một piastre tương đương với 2 francs 75). Sau này có nhà thơ (khuyết danh) nhớ về kỷ niệm đường “xe lửa Mỹ” với bài thơ:
Anh học trò Bến Tranh về đô thị/Lo sách đèn xây đấp mộng mai sau/Chuyến xe lửa, chuyển mình xa xứ Mỹ /Qua Trung Lương - cô gái mận Hồng Ðào/Toa chật hẹp làm ấm tình xứ sở/Bên cửa vuông mỗi đứa một khung trời/Rồi dạo đó hai người luôn gặp gỡ/Trai miệt vườn thương gái mận hồng tươi/Anh học trò đi về xe lửa Mỹ/Mộng đăng khoa liền với mộng trầu cau.
Đến năm 1958, đường xe lửa này ngưng hoạt động và ga Mỹ Tho chỉ còn “tàn tích” ở khu vực gần vườn hoa Lạc Hồng mặc dầu đã có thề thốt: “Mai sau xe lửa tan tành/Xe lam bể bánh anh mới đành bỏ em” (thơ Nguyễn Tấn Bi).
Đường xe lửa nối Sài Gòn - Chợ Lớn
Không như nhiều người lầm tưởng, đường xe lửa Sài Gòn - Mỹ Tho không phải là đường xe lửa đầu tiên ở VN. Theo bài viết của các ông Trần Bạch Đằng, Nguyễn Đức Hiệp thì đường xe lửa đầu tiên tại Đông Dương được khánh thành từ ngày 27.12.1881 nối liền Sài Gòn và Chợ Lớn, từ cột cờ Thủ Ngữ đến đường Gaudot (Hải Thượng Lãn Ông) dài 5 km. Còn đường xe lửa giữa đi từ Sài Gòn đến Chợ Lớn mỗi 20 phút có một chuyến. Chuyến đầu tiên là 5 giờ 40 sáng và chuyến chót là 9 giờ 20 đêm. Các trạm là Sài Gòn, MacMahon (Nam Kỳ Khởi Nghĩa), Chợ Đũi và Chợ Lớn. Đường chạy chưa đến 6 km nhưng phải đi hơn 30 phút mới đến nơi. Hồi đó má tôi thường nói đi từ Sài Gòn vô Chợ Lớn bằng đường xe lửa giữa tốn năm cắc bạc có lẽ là đường xe lửa này đây, vì lúc đó còn một đường xe lửa mé sông chạy từ chợ Bến Thành lên tận Lái Thiêu chủ yếu là chở hàng hóa và trái cây. Phía trước và bên hông các toa xe điện xưa đều cho quảng cáo từ tiếng Việt, tiếng Hoa đến tiếng Pháp như: “thuốc xổ Nhành Mai”, hãng “hòm Tobia danh tiếng nhứt” và cả hương rượu “Camus”... Theo cụ Vương Hồng Sển thì vé hạng nhứt là một hào bạc, hành khách được ngồi băng dài có trải nệm bố trắng.
Có đường xe lửa Sài Gòn - Chợ Lớn này nên mới có câu thề nguyền quyết liệt liên quan đến chuyện tình yêu và tự tử của một cô gái: Gá duyên không đặng hội nầy/Em lên Chợ Lớn nằm đường rầy cho xe lửa cán chơi. Đâu phải chuyện tự tử bằng cách đâm đầu vô xe lửa bây giờ mới có.
Rồi đến năm 1898, Toàn quyền Paul Doumer với kế hoạch xe lửa xuyên Việt đã được chính phủ Pháp chấp thuận xây dựng và lưu thông từng đoạn. Năm 1903 có đường sắt Hà Nội - Hải Phòng - Việt Trì, năm 1906 xong tuyến Hà Nội - Lào Cai. Trong những năm này tuyến xe lửa xuyên Việt từ bắc vào nam cũng được thực hiện từng đoạn và năm 1933 xong tuyến Sài Gòn - Lộc Ninh dài 112 km. Lúc đó, hành khách đi từ nơi này đến nơi khác nhanh như... xe lửa: Sáu giờ còn ở kinh đô/Chín giờ xe lửa đã vô cửa Hàn; Bước lên xe lửa Biên Hòa/Tánh Linh anh tới đó chắc là xa em.
Như vậy, đường xe lửa xuyên Việt bắt đầu từ một chuyến xe lửa chạy bằng hơi nước vì không có điện và cái ga đầu tiên nằm ở khu vực chợ Cũ. Sau đó có lẽ thấy bất tiện, chính quyền dời ra gần chợ Bến Thành (khu công viên 23 Tháng 9 đường Phạm Ngũ Lão ngày nay). Lúc ấy chuyện ga xe lửa nằm ở đâu trong trung tâm Sài Gòn là chuyện nhỏ vì dân số chưa đến 500.000 người. Và bây giờ nếu ai muốn giữ lại truyền thống ga xe lửa thì nên quan tâm đến tòa nhà Bureau du Chemin de fer của Công ty Xe Lửa Đông Dương mạng phía nam (Chemin de fer de l’Indochine, CFI, réseau du sud) - một tòa nhà mà không người Sài Gòn nào khi đi qua bùng binh chợ Saigon lại không biết đến. Còn ai muốn giữ lại ga Hòa Hưng khi chỉ mới là ga trung tâm từ năm 1983, thì hãy nghe nhận xét của PGS-TS Nguyễn Minh Hòa: “Không đặc sắc về kiến trúc, lịch sử, dấu ấn gì mà lại nằm trong khu vực chật hẹp, không nối được với đường xe buýt như ga Sài Gòn - xe lửa Mỹ ngày xưa”.
Bình luận (0)