Mưu sinh nhờ... rác trên sông
Có 8 người con, nhưng hơn 10 năm qua, kể từ khi chồng qua đời, bà Nguyễn Thị Tài (70 tuổi, ngụ KP Lê Anh Xuân, P.Vĩnh Quang, TP.Rạch Giá, Kiên Giang) chỉ sống với đứa cháu ngoại 15 tuổi. Các con vì cuộc sống khó khăn nên tứ xứ mưu sinh, bà Tài tuổi cao, sức yếu vẫn đi rửa chén, phụ việc cho các quán ăn… kiếm tiền nuôi cháu ngoại.
Năm 2014, thấy kênh Vàm Trư (phía sau chợ Nông sản 30.4, thuộc P.Vĩnh Quang) có nhiều rác thải, trong đó có rác thải nhựa có thể bán cho các cơ sở phế liệu nên bà Tài quyết định chuyển sang “nghề” lượm ve chai.
Hằng ngày, cứ tầm 6 giờ sáng là bà bơi xuồng từ nhà ra cửa biển rồi ngược về chợ Nông sản 30.4 lượm chai nhựa, lon bia…
Nhiều lúc bà phải chống chọi lại dòng nước chảy xiết trên kênh đổ ra biển. Có lúc tàu, ghe vận chuyển hàng hóa, trái cây chạy ngang qua, chiếc xuồng ba lá tí tẹo của bà chao đảo, lắc lư, thậm chí suýt chìm. Dù vậy, bà Tài vẫn cứ kiên nhẫn lèo lái con xuồng nhặt nhạnh từng thứ có thể bán được.
|
“Thường là sau 3 giờ, tôi vớt đầy xuồng rồi quay về. Những thứ này không nặng, coi đầy cả xuồng vậy chứ có 7 - 8 kg, nhiều lắm thì hơn 10 kg hà. Trước đây, cơ sở phế liệu mua 3.500 đồng/kg chai nhựa, nay chỉ có 3.000 đồng/kg; còn lon bia trước đây mua 16.000 đồng/kg, nay mua chỉ 14.000 đồng/kg. Số lượng này bán tầm 30.000 - 40.000 đồng. Nghề này thu nhập không cao, nhưng đổi lại mình góp một phần nhỏ làm sạch dòng kênh”, bà Tài thật thà nói.
Hình ảnh bà Tài lượm ve chai trên kênh Vàm Trư đã quá quen thuộc với người dân dọc tuyến kênh này. Nhiều người thấy thương nên khi bà bơi xuồng ngang qua thường cho bà ít trái cây, mớ rau về ăn.
|
“Một số người có ý thức bảo vệ môi trường, họ uống bia xong bỏ vào bao, khi thấy tôi bơi xuồng ngang qua là chủ động cho. Có khi vài chục, cả trăm lon bia. Có tiền, tôi mua gạo, còn dư mua bánh, kẹo để đứa cháu bưng bán lại cho mấy đứa trẻ ở địa phương kiếm thêm thu nhập”, bà Tài bộc bạch.
Là hàng xóm của bà Tài, chị Nguyễn Thị Phượng, cho biết: “Hoàn cảnh của bà rất đơn chiết. Ngày nào cũng vậy, cứ 6 giờ sáng là bà xuống xuồng và bơi đi lượm chai nhựa về bán. Ở xóm ai cũng thương bà. Thấy bà hiền hậu, lao động chân chính, bà con xung quanh thường giữ lại chai nhựa sau khi sử dụng để cho bà”.
Lo dòng kênh ô nhiễm
Khi được hỏi “rác, chai nhựa nhiều trên kênh có làm bà mừng vì có thu nhập?”, bà lão 70 tuổi trầm ngâm: “Lượm được nhiều ve chai thì mừng vì bán có tiền cho hai bà cháu trang trải cuộc sống. Thế nhưng cũng lo lắm, bởi rác nhiều thì dòng kênh sẽ chết. Tôi lượm được chỉ là con số nhỏ, còn lại nhiều thứ không tái chế được thì không có lượm. Lâu dần tích tựu sẽ gây ô nhiễm lắm”.
|
Nói về tương lai dòng kênh, bà Tài lắc đầu: “Thật sự có người có ý thức bảo vệ môi trường, nhưng cũng có nhiều người không có ý thức. Họ cứ quăng rác xuống kênh mà chẳng cần biết rác đi đâu, về đâu”.
Hậu quả “nhãn tiền”, theo bà Tài là hiện giờ nếu lượm ve chai lúc nước lớn (nước nhiều và chảy ra biển) thì đỡ, còn nước cạn và ít thì dòng kênh bốc mùi hôi nồng nặc. “Như hôm nay, dòng kênh đen ngòm”, bà Tài chỉ về dòng kênh và nói.
Bình luận (0)