“Ông ăn đủ hết nào là bánh, kẹo, đường cát, nước ngọt, nước tăng lực. Có bữa cho ông uống nước tăng lực, ông uống hết 4 lon một lúc, 2, 3 ngày là hết hộp đường rồi”, cụ Phan Thị Hường, 84 tuổi, ngụ KP.Xuân Lộc, TP.Tân Xuân, TP.Đồng Xoài, Bình Phước nói về sở thích đặc biệt của chồng mình, cụ Lê Công Biện, nay đã bước qua tuổi 108.
Người sống thọ nhất tại TP.Đồng Xoài
Cụ Lê Công Biện, ngụ KP.Xuân Lộc, P.Tân Xuân hiện tại được biết đến là người cao tuổi nhất tại TP.Đồng Xoài. Dù đã ở độ tuổi xưa nay hiếm nhưng hiện tại sức khỏe của cụ vẫn còn khá tốt, cụ có thể tự đi lại bình thường quanh nhà, vẫn có thể đọc sách, viết chữ và tự ăn uống.
|
Không chỉ được biết đến là người sống trường thọ, cụ Biện còn được biết đến là người có một sở thích rất đặc biệt và khó tin, đó là ăn đồ ngọt, đặc biệt là đường cát. Tháng 2.2017, Thanh Niên Online cũng đã có bài viết “Cụ ông người Việt 105 tuổi 'nghiện' đường cát, ăn gần nửa ký/ngày” nói về sở thích đặc biệt này của cụ.
|
Sau 3 năm, hiện cụ Biện đã 108 tuổi, những thói quen đó vẫn được cụ lặp lại hàng ngày. Hiện cụ vẫn sống cùng người vợ thứ 2 của mình là cụ Phan Thị Hường, chứ nhất quyết không sống chung với các con cái, dù cụ có đến 10 người con, người lớn nhất nay cũng đã hơn 80 tuổi. Để tiện chăm sóc, hiện tại gia đình ông Lê Công Tâm (một người con của cụ Biện) đã chuyển về ở ngay cạnh bên để khi cần có thể hỗ trợ, chăm sóc 2 cụ.
|
Chia sẻ với PV.Thanh Niên, ông Lê Công Tâm cho biết: 2 cụ vẫn thích sống riêng vậy, ăn đồ ngọt mấy chục năm nay vậy chứ chẳng mấy khi bệnh tật, hay đi viện thăm khám, sử dụng thuốc thang gì. Nay do tuổi cao, mắt cũng mờ đi nhiều, tai bị lãng đi nhiều, nhưng nói sát vào tai cụ vẫn nghe được, hiểu và trả lời mọi người. Ông cũng vẫn cầm bút viết được, đọc chữ được và đi lại bình thường. Cái gì thiếu chứ mấy thứ đồ ngọt thì lúc nào cũng phải có sẵn trong nhà.
|
15 phút đánh “bay” 2 lon nước tăng lực
Nhớ lại thời điểm năm 2017, khi PV Thanh niên đến thăm cụ Biện, thời điểm này cụ đã 105 tuổi, sở thích ăn đồ ngọt của cụ đơn giản là món đường cát, thỉnh thoảng có bánh, kẹo con cháu biếu. Cứ 2 đến 3 ngày, cụ lại ăn hết 1 kg đường cát. Đường cát được cụ cho vào các món ăn, trộn chung với cơm, hay đơn giản ngồi chơi uống trà và xúc từng muỗng ăn chơi.
|
Đến giờ, 108 tuổi, sở thích của cụ Biện vẫn vậy, nhưng nay phong phú hơn khi có thêm các loại nước ngọt, nước tăng lực và đặc biệt cụ rất thích “bò húc”.
“ông vẫn ăn đường, rồi bánh, kẹo, nước ngọt đủ thứ. Có bữa mà cho ông ấy uống, ông uống hết 4 lon một lúc", cụ Hường, vợ cụ Biện kể lại.
|
Như muốn chứng minh điều mình nói khi thấy chúng tôi tỏ vẻ không tin, cụ Hường ngay sau đó đã đi vào trong, lấy ra một hộp bánh và lon “bò húc” mở nắp sẵn kèm ống hút.
|
Thấy thứ nước mình thich, cụ Biện mời chúng tôi uống trà rồi cầm lon nước lên uống. Chỉ sau 3 lần cầm lên uống, kiểm tra lon thì đã thấy…cạn. Cụ Hường cười như vẻ đây là điều rất bình thường, ngày nào cũng thế, sau đó cụ lại tiến vào trong, lấy thêm một lon khác ra, và cũng rất nhanh chóng cả 2 lon nước đã hết sau khoảng 15 phút chúng tôi đến thăm 2 cụ. Điều này thực sự khiến tôi cùng đồng nghiệp đi cùng không thể tin vào những gì mình thấy.
|
Sau một hồi trò chuyện, cụ Biện cũng đã tự cầm sách đọc, vào phía trong nhà, đọc lại 2 câu đối chữ hán nôm do tự tay cụ làm cách đây đã mấy chục năm, rồi viết họ tên mình trên giấy, trước sự chứng kiến của những người xung quanh.
Cùng vào thăm 2 vợ chồng cụ Biện với chúng tôi, ông Lư Ngừng trưởng KP.Xuân Lộc, P.Tân Xuân cho biết ông không bất ngờ trước những gì mà chúng tôi thấy cũng như sở thích đặc biệt của cụ Biện vì ông cũng là người cùng quê với 2 cụ, về đây sống cũng ngót nghét 40 năm nay. Trước đó, cụ Biện đã từng nổi tiếng với việc ăn một lúc vài chục chén chè Huế, dài đến cả 2 xải tay.
|
“Cụ lớn tuổi vậy chứ còn khỏe, cứ 1, 2 tháng tôi lại vào thăm 2 cụ/lần. Mấy năm trước, cụ cũng trên 100 tuổi rồi, nhưng vẫn có thể quỳ gối cả tiếng đồng hồ viết sớ chữ Hán Nôm, rồi làm lễ cúng cho xóm mỗi dịp lễ, tết. Khu dân cư hay phường mỗi dịp lễ, tết cũng đều có quà biếu 2 cụ, tuy không nhiều, nhưng đó là cái tình nghĩa của địa phương”, ông Ngừng chia sẻ.
Bình luận (0)