Dân phố dở khóc dở cười vì bị con khỉ tinh quái 'đại náo' cả tháng trời

21/05/2017 09:39 GMT+7

Dù bị gài bẫy nhưng đến hôm nay 20.5, đã 3 ngày trôi qua, con khỉ tinh quái ở tổ dân phố 3, phường Nam Lý, TP.Đồng Hới, Quảng Bình vẫn nhởn nhơ chọc phá người dân và vật nuôi.

Không biết khỉ từ đâu ra

Tổ dân phố 3 không nằm ở trung tâm của thành phố nhưng cũng không phải hẻo lánh, xa xôi. Trong khu vực có trường học các cấp và một số trụ sở cơ quan khác. Nơi này cũng có nhiều tuyến giao thông chính của thành phố chạy qua. Thế nhưng, khu dân cư có nhiều vườn cây lớn nhỏ, một con khỉ đã chọn đây làm “đại bản doanh” để tung hoành, đại náo trong thời gian hơn 1 tháng qua.

Con khỉ được người dân địa phương chụp ảnh được Ảnh: Người dân cung cấp

Theo lời người dân, không ai biết ngọn nguồn con khỉ từ đâu. Nó xuất hiện tại khu dân cư cũng đã khá lâu rồi, ban đầu người dân thấy có khỉ nên thú vị, cũng mang thức ăn cho nó ăn nhưng sau đó nó trở nên quậy phá và trở thành nỗi khiếp đảm của bà con. Tuy nhiên, thực tế có một con hay nhiều con thì không thể biết chính xác, bởi mỗi người nói mỗi thông tin khác nhau và vì chưa bắt được con khỉ nên chưa chắc chắn. Con chuyên "đại náo" có lông màu xám vàng, to béo với trọng lượng khoảng hơn 10 kg. Nó di chuyển cực nhanh trên các mái nhà và cây lớn. Sáng 18.5, phóng viên Thanh Niên đã tận mắt nhìn thấy con này.

Vết thương do con khỉ gây ra trên đùi chị Liên, phải khâu 11 mũi đến nay vẫn chưa lành Ảnh: Trương Quang Nam

Bà con kể, hầu như nhà ai cũng bị con khỉ tấn công, nó sục sạo khắp nơi, phá hoại cây trồng, vật nuôi của người dân. Trong nhà trồng được cây gì có quả là nó bẻ vứt khắp nơi, nhà nào có giếng thì nó vứt xuống giếng. Các đàn gà trong tổ gần như bị khỉ tận diệt không sót con nào, chiêu thức thường của nó là rạch cổ gà đến chết; gà thả vườn bị giết đã đành, gà nhốt trong chuồng cũng bị nó mở cửa lẻn vào. Nó thích ăn trứng gà nhưng chỉ ăn phần lòng đỏ và trứng gà đang ấp.

Nguy hiểm hơn, đã có nhiều người bị nó tấn công để lại thương tích. Các vụ tấn công diễn ra khi người dân ra cho vật nuôi như chó, gà ăn. Theo như lời bà con, nó ghét chó và gà, hễ nghe tiếng 2 loài đó kêu hoặc thấy bóng dáng thì y như rằng nó lao xuống hù dọa và bắt để giết. Phụ nữ ở nhà thấy nên tìm cách xua đuổi, bảo vệ vật nuôi thì bị nó tấn công. Nếu phụ nữ mà có thái độ hoặc thách thức, nó nhảy xuống dọa ngược, còn thấy bóng dáng đàn ông là chạy. Trẻ con cũng thường xuyên bị nó dọa, nhất là con gái.

Cận cảnh chân dung con khỉ chuyên "ăn hiếp" phụ nữ và con nít Ảnh: người dân cung cấp

Chị Võ Thị Liên kể lại: “Ngày 10.4, khi tôi ra cho gà ăn, nó nhảy xuống đòi bắt gà, tôi cầm cái xẻng dọa không cho nó bắt nên bị nó lao vào cào rách đùi phải nhờ người chở đi Trạm Y tế phường khâu hết 11 mũi, tổng tiền thuốc và công hết 4,5 triệu đồng. Đến giờ vết thương vẫn chưa lành”. Một phụ nữ khác ở kế nhà chị Liên cũng bị nó cào rách phải khâu 7 mũi. Còn bà Phan Thị Tiểng mang thức ăn ra cho chó ăn thì bị nó cào phía sau đùi, nay vết thương vẫn chưa khô.

Vết thương trên chân bà Tiểng Ảnh: Trương Quang Nam

Ngoài những thiệt hại về tài sản, kinh tế, người dân tổ dân phố 3 vô cùng hoang mang, lo lắng bởi nguy hiểm rình rập không biết xảy đến lúc nào. Con khỉ như ở trong bóng tối, thoắt ẩn thoắt hiện. Trẻ con không dám chơi đùa bên ngoài, đi học về phải gọi người lớn ra đón vào. Có trường hợp như cháu Mai (học lớp 8, con anh Hoàng Minh Đức) bị nó nhảy vào ôm rồi cào xước cơ thể.


Tìm cách thu phục

Vụ việc được cấp báo lên chính quyền địa phương và cơ quan chức năng. Một số lần lực lượng của Hạt Kiểm lâm Đồng Hới đến khảo sát; thấy bóng dáng kiểm lâm, lập tức con khỉ tẩu thoát nhanh chóng.

Trao đổi với phóng viên Thanh Niên, ông Nguyễn Sĩ Doãn – Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Đồng Hới cho biết: “Trước tình hình nguy hiểm như thế, Hạt đã lên kế hoạch phối hợp với Trung tâm Cứu hộ bảo tồn và Phát triển sinh vật của Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng xử lý, đảm bảo an toàn tài sản, sức khỏe, tính mạng cho người dân địa phương”.

Đưa lồng sập vào vị trí khỉ thường xuất hiện để đặt bẫy Ảnh: Trương Quang Nam

Theo đó, có 3 phương án được đưa ra, gồm áp dụng các biện pháp xua đuổi, không gây tổn thương đến động vật rừng. Phương án 2: tổ chức bẫy bắt bằng chuồng sập và lồng sập được ngụy trang bên ngoài bằng lá cây, đặt thức ăn làm mồi nhử ở phía trước và trong chuồng - lồng sập. Sau khi sập được, sử dụng thuốc gây mê thú y liều lượng 0,1 ml/kg thổi trực tiếp vào cơ thể động vật để bắt giữ. Nếu vẫn không thành công sẽ sử dụng phương án 3 là bắn tự vệ để bảo vệ tính mạng nhân dân.

Lực lượng chức năng lắp đặt chuồng sập Ảnh: Trương Quang Nam

Sáng 18.5, 2 bẫy sập đã được lực lượng phối hợp đặt tại nhà chị Liên. Tuy nhiên, theo cảm nhận của nhiều người thì khó có khả năng con khỉ dính bẫy bởi nó rất tinh ranh. Ông Nguyễn Văn Hanh - Tổ trưởng tổ dân phố 3 đã nhiều lần tìm cách bẫy nó nhưng không thành. Có người trộn thuốc với thức ăn để trong nhà cho nó vào lục ăn nhưng phần thức ăn có thuốc thì nó không ăn mà chỉ ăn những chỗ không có thuốc. 



Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.