Đảo ngọc Phú Quốc mất gì và được gì sau hai trận ngập lịch sử?

17/08/2019 13:13 GMT+7

Hai trận ngập lịch sử ở Phú Quốc (Kiên Giang) gây thiệt hại nặng nề nhưng cũng là hồi chuông cảnh báo chính quyền phải quyết liệt xử lý công trình lấn chiếm tràn lan, củng cố hạ tầng kịp với tốc độ phát triển của đảo ngọc.

Người dân phải bỏ của chạy lấy người

Hai trận ngập lịch sử xảy ra vào ngày 5.8 và ngày 8.8 khiến nhiều nơi tại huyện đảo Phú Quốc chịu nhiều thiệt hại, trong đó nặng nề nhất theo ghi nhận là TT.Dương Đông và xã Cửa Dương. 

Tại TT.Dương Đông, có nơi nước dâng lên đến gần đầu người, nhiều tài sản bị cuốn trôi, đến nỗi người dân phải bỏ của chạy lấy người giữa dòng nước dữ.

Không chỉ cuốn trôi làm hư hỏng nhiều đồ đạc của dân, nhiều tuyến đường cũng bị hư hỏng nặng nề, đơn cử như đoạn đường Trần Phú có đoạn bị sụp hết 1 làn đường, cuốn phăng hàng quán của dân ở địa bàn xã Cửa Dương... Nước dâng cao khiến xe cộ di chuyển khó khăn, mọi sinh hoạt của người dân bị đảo lộn hoàn toàn. 

Nước ngập gần tới cổ người

HOÀNG TRUNG

Cuộc sống của người dân bị đảo lộn vì ngập lịch sử

HOÀNG TRUNG

Trước tình hình đó, chính quyền địa phương phải khẩn cấp chỉ đạo hơn 1.000 người thuộc các lực lượng vũ trang, tình nguyện viên và cả người dân tham gia ứng cứu. Hàng vạn phần cơm, bánh mì, nước uống đã được vận động để giúp đỡ người dân trong cơn hoạn nạn.

Theo báo cáo, trận ngập thứ hai khiến khoảng 63 km đường trên đảo bị ngập với độ nước sâu trung bình là 70cm, có nơi lên đến 2m; có 23 căn nhà bị tốc mái, sập. Con số căn nhà bị ngập lên đến 8.424 căn. Ngoài ra, trận ngập làm thiệt hại nhiều đồ đạc, tài sản khác, có 30 chuyến bay hạ cất cánh tại Sân bay quốc tế Phú Quốc phải bị huỷ. Thiệt hại do trận ngập này gây ra ước tính hơn 107 tỉ đồng. Tổng thiệt hại hai trận ngập lên đến hơn 175 tỉ đồng.

Hồi chuông cảnh báo

Trao đổi với báo chí, ông Mai Văn Huỳnh, Bí thư - Chủ tịch UBND H.Phú Quốc đánh giá đây là 2 trận ngập khủng khiếp nhất trong những năm gần đây.

Ông Huỳnh cũng xác định ngập do nhiều nguyên nhân, trong đó biến đổi khí hậu là nguyên nhân lớn nhất. Ngoài ra, do yêu cầu phát triển quá nhanh, trong khi đó hệ thống hạ tầng theo quy hoạch trước đây không đáp ứng được theo sự phát triển thực tế. 

Đồng thời, ông Huỳnh cũng thừa nhận cũng do sự quản lý chưa tốt của các cơ quan nhà nước, đã để xảy ra tình trạng xây dựng lấn chiếm sông suối, làm hạn chế đường thoát tự nhiên của dòng nước.

Theo báo cáo của UBND H.Phú Quốc, từ tháng 9.2018 đến tháng 6.2019, đã xử lý 294 vụ vi phạm pháp luật về đất đai, 112 vụ vi phạm trong lĩnh vực xây dựng, 28 vụ vi phạm về hành vi lấn chiếm rừng, phá rừng. 

Bên cạnh đó, do hạn chế về nguồn vốn nên khi đầu tư xây dựng các tuyến đường đã cắt bỏ một số hệ thống thoát nước dọc theo đó nên vô tình đường trở thành những đập cản nước từ thượng nguồn nên gây ngập cục bộ.

Cuộc sống của người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng
Đường sá sạt lở, bãi biển ngổn ngang sau ngập
Hai đợt ngập là hồi chuông cảnh báo, chính quyền cần quyết liệt hơn xử lý các công trình lấn chiếm sông, suối, rừng, kênh rạch. Việc xây dựng cần đúng quy hoạch để không gây ảnh hưởng xấu đến hệ thống thoát nước của toàn đảo.

Sau những ngày vật lộn chống chọi với cơn giận dữ của thiên nhiên, hy vọng người dân Phú Quốc sẽ ủng hộ và chấp hành tốt những quyết định của chính quyền về việc giải phóng các công trình lấn suối và trái phép để việc thoát nước không bị cản trở. Để đảo ngọc không thành "đảo ngập", cần sự cố gắng của cả người dân và chính quyền địa phương.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.