Khi chợ đầu mối ở khu vực Cầu Muối - chợ Cầu Ông Lãnh, quận 1 còn hoạt động, nơi đây luôn xôm tụ và tấp nập bởi người bán, kẻ mua ngay giữa trung tâm Sài Gòn. Hàng hóa tấp nập ra vào từ trái cây, lúa gạo khắp nơi đổ về.
Đất chợ "màu mỡ"
Khi xưa, ghe từ các tỉnh miền Tây quay quần ở Bến Chương Dương, nay gọi là kênh Tàu Hủ, dọc theo đại lộ Võ Văn Kiệt bây giờ còn xe và hàng thì lên xuống liên tục. Đó cũng là "miếng ăn" ngon lành của các đại ca khu vực này.
Những đội bốc xếp lần lượt ra đời và đem lại việc làm cho nhiều lao động nghèo. Cũng từ đó nạn bảo kê, thu tiền các tiểu thương, ăn chia với các đội bốc xếp trở thành quy luật “bất thành văn” của các băng nhóm du đãng.
Những cái tên như Lộc “Cầu Muối”, Quý “tử hình” (anh ruột Lai anh, Lai em trong vụ án Năm Cam), Cung “Cô Bắc” luôn là nỗi ám ảnh của bà con tiểu thương
Trong mắt những người đã gắn bó từ thuở lọt lòng với chợ Cầu Muối, khi ấy việc tìm kiếm kế sinh nhai ở đây luôn rất dễ dàng, bởi vậy nên người từ tứ xứ đổ về làm ăn. Từ đám bụi đời, du đãng ở Sài Gòn cho đến những người ở tận vùng ngoài, Hà Nội, Hải Phòng… đều có.
“Hồi đó làm ăn, kiếm tiền dễ lắm, làm cái gì cũng ra tiền hết. Người người ở tứ xứ, ở tận Hà Nội, Hải Phòng cũng tập trung về. Lúc đó, mỗi ngày tui chỉ cần thức dậy sớm, mất vài ba tiếng chở đồ cho mấy vựa trái cây là sống khỏe”. Chú Tùng (58 tuổi, ngụ đường Cô Giang, phường cầu Ông Lãnh), chạy hon đa ôm ở chợ Bến Thành, quận 1 cho biết.
Đâm chém
Trong quá khứ, nổi cộm nhất về du đãng ở Cầu Muối khiến ai cũng phải rùng mình khi nhắc đến là anh em nhà họ Châu Phát Lai. Riêng Lai Anh nổi tiếng với máu cướp giật đồ, còn Lai Em, máu giang hồ, sắc lạnh của một ông trùm đâm thuê chém mướn khét tiếng khắp cả một vùng.
Từ 7 tuổi đã sống bụi đời, lớn lên tham gia vào lực lượng Dân phòng và gắn bó mấy chục năm với khu này, chú Mười (65 tuổi, ngụ đường Bùi Viện, quận 1) kể lại: “Lai Anh thì chỉ hay đi cướp giật đồ thôi, nói đến giang hồ và máu lạnh ở Cầu Muối chỉ có thằng Lai Em. Hồi đó hay thấy Lai Em, Năm Cam và Thảo “ma” (cánh tay đắc lực của Năm Cam - NV) ngồi nhậu ở quán bên góc đường Hàm Nghi”.
Chú Mười kể tiếp: “Du đãng lúc đó nhiều không đếm hết được đâu, có một thời gian tui cũng bán chỗ chợ cá ngoài Cầu Muối. Rạng sáng, cứ mỗi khi khiêng hàng ra thì mấy thằng du đãng kéo lại bắt cá, lựa con nào to nhất đem đi bán rẻ rồi kiếm tiền hút chích. Tụi nó cứ hoành hành mà chẳng ai dám lên tiếng”.
Sau khi thực hiện giải tỏa, di dời vựa cá về chợ Bình Điền (quận 8), vựa trái cây về chợ nông sản Thủ Đức, các tên du đãng hầu hết phải đi cải tạo thì khu vực Cầu Muối như được trút bỏ khỏi những tệ nạn.
Giờ đây, nhiều tiểu thương vẫn lấy hàng từ chợ nông sản về bán, ở hai bên chân cầu vẫn tồn tại một ngôi chợ tự phát, chủ yếu cung cấp thực phẩm nhỏ lẻ cho hộ gia đình.
Hết tấp nập họp chợ, Bến Chương Dương nhộn nhịp ngày nào giờ được giải tỏa, đại lộ Võ Văn Kiệt nối hai vùng đông tây của Sài Gòn được xây dựng. Đám du đãng ngày xưa cũng tan rã dần. Người đi cải tạo, người thì chết vì nghiện ngập, sida. Số còn lại, người “cải tà quy chính”, ra khỏi chốn lao tù thì kiếm sống bằng nghề chạy honda ôm, buôn bán nhỏ lẻ.
Trong những ngày lân la, tìm hiểu về du đãng, giang hồ Sài Gòn xưa, tôi được chú P. (57 tuổi, ngụ đường Cô Bắc, quận 1), một du đãng Sài Gòn thứ thiệt ở Cầu Muối mới ra tù kể: “Nói mày nghe. Lúc mới ra tù tao cũng đi bộ chết luôn, cũng mất phương hướng, khốn đốn lắm chứ. Tao phải đi mua trả góp chiếc xe Dream mà giống y như xe bò vậy. Chỗ quen biết nên anh em cũng tạo điều kiện, gần một năm sau mới trả hết 3 triệu tiền mua xe. Dần rồi tao chạy xe ôm góp ít tiền, sắm sửa, thay hết lại dàn đồ. Nên giờ cứ chạy tà tà kiếm sống cho đoạn ngày tháng qua chứ cũng chẳng phải lo gì”.
Cầu Muối đã yên bình
Trao đổi với Thanh Niên, Trung tá Trần Hữu Thành, trưởng công an phường Cầu Ông Lãnh, quận 1 cho biết: “Tình hình an ninh trật tự trên địa bàn nhìn chung ổn định. Những băng nhóm du đãng giang hồ như lúc trước hầu như không còn. Các vụ án hình sự liên tục giảm, điển hình như 6 tháng đầu năm chỉ có duy nhất 1 vụ án hình sự xảy ra trên địa bàn”.
Trung tá Thành cho biết người dân ở khu vực Cầu Muối đời sống còn khó khăn, vì quá khứ họ từ tứ xứ đổ về nên kế sinh nhai chính là việc buôn bán, hội họp chợ. Từ đó việc lấn chiếm lòng lề đường để buôn bán, kinh doanh, đặc biệt ở khu vực dưới hai bên chân cầu gây nhếch nhác, xử lý mạnh tay thì không biết họ sống bằng nghề gì.
“Thành phần nghiện ngập trên địa bàn cũng không nhiều. Khó khăn là mỗi khi truy quét, chỉ bắt được các đối tượng lang thang đi cai chứ những người có hộ khẩu ở phường thì rất khó khăn. Bởi vì nghị định 221 của chính phủ còn nhiều thủ tục, nhiều khi biết các đối tượng có hộ khẩu ở phường nghiện ma túy, đập đá nhưng muốn đưa đi cai thì không dễ”, trung tá Thành nói về khó khăn trong việc chuyển hóa địa bàn ở Cầu Muối.
|
Bình luận