Dấu ấn Thanh Niên trên miền biên viễn: Những ngôi nhà trong mơ ở Si Ma Cai

02/01/2021 11:23 GMT+7

Mỗi hộ 30 triệu đồng, nguồn kinh phí của bạn đọc Báo Thanh Niên hỗ trợ đã tạo động lực giúp nhiều hộ vươn lên làm được ngôi nhà trước đây chỉ có trong giấc mơ!

Ở vùng biên giới Si Ma Cai (Lào Cai), mùa mưa thì dài và mùa đông lại cực kỳ rét buốt nhưng không phải gia đình nào cũng có điều kiện làm nhà kiên cố. Thế nên, nguồn kinh phí của Báo Thanh Niên hỗ trợ đã tạo động lực giúp nhiều hộ vươn lên làm được ngôi nhà trước đây chỉ có trong giấc mơ!
Đó là chia sẻ của đại úy Lèng Văn Trai, Chính trị viên phó Đồn biên phòng Si Ma Cai, khi dẫn chúng tôi đi thăm lại những "Mái ấm tình thương" mà Báo Thanh Niên phối hợp với Đồn biên phòng Si Ma Cai giúp đỡ 10 hộ dân ở xã biên giới Nàn Sán, Sán Chải (H.Si Ma Cai) xây dựng.

"Phận làm thuê, nào dám mơ xây được nhà!"

Cuối tháng 12.2020, từ TP.Lào Cai chúng tôi ngược núi về vùng biên viễn nơi đứng chân của Đồn biên phòng Si Ma Cai, thăm lại những nhà dân được Báo Thanh Niên hỗ trợ một phần kinh phí xây dựng. Chuyến đi trong đợt rét đậm, rét hại đầu tiên báo hiệu một mùa đông khắc nghiệt ở miền Bắc. Càng ngược lên vùng cao đến gần với Đồn biên phòng Si Ma Cai, sương mù càng giăng dày trước kính xe. Trong làn sương lạnh, nhiều hộ dân hối hả lùa trâu, bò xuống vùng thấp ấm hơn để giữ cho gia súc không bị chết rét.
Ngôi nhà đầu tiên chúng tôi ghé thăm là gia đình ông Long Văn Đoán, dân tộc Tày ở thôn Đội 3, xã Nàn Sán. Ấn tượng đầu tiên là căn nhà mái bằng kiên cố gồm 2 phỏng ngủ, một phòng khách. Bếp đun nấu được thiết kế liền kề tạo cảm giác ấm cúng. Tài sản lớn nhất ở phòng khách là hàng chục bao lúa, ngô xếp gọn gàng, ngay ngắn. “Đồ dùng chưa có gì đâu, cứ đi làm rồi sắm sửa sau, có nhà ở thế này là tốt lắm rồi”, ông Đoán hỉ hả phân trần.
Gia đình 4 người nhà ông Đoán chỉ trông chờ canh tác trên mấy sào ruộng, lúc nông nhàn thì đi làm thuê làm mướn, công cao cũng khoảng 200.000 đồng/ngày. Nhà cũ trước đây là gỗ lắp ghép, xập xệ nên mưa thì hắt nước, mùa đông đến thì gió lùa lạnh buốt không ngủ được. “Phận mình làm thuê, trước đây nào dám nghĩ có ngày có được mái nhà ấm thế này đâu. Khi được hỗ trợ, gia đình cũng quyết tâm vay thêm ngân hàng phấn đấu làm cho được gian nhà gian cửa tránh mưa nắng”, ông Đoán nói.
mai-am-tinh-thuong

Ngôi nhà mới giúp gia đình ông Long Văn Đoán không còn lo lắng mỗi khi mùa mưa về, đông đến

Ảnh Phan Hậu

Từ Đồn biên phòng Si Ma Cai, chúng tôi đi gần 30 km men theo bờ sông Chảy đến thôn Nù Dì Sá, xã Sán Chải chỉ cách đất Trung Quốc một mặt sông để gặp vợ chồng anh Ma Seo Ký (32 tuổi) và chị Ly Thị Dở (32 tuổi) trong số những hộ dân được hỗ trợ tiền làm nhà.
Chị Ly Thị Dở không nói được tiếng Việt nên câu chuyện giữa chúng tôi với người phụ nữ người dân tộc Mông này phải nhờ đến “thông dịch viên” là thiếu tá Thào Pú Páo, cán bộ Đồn biên phòng Si Ma Cai được tăng cường về làm Phó bí thư Đảng ủy xã Sán Chải. Thiếu tá Páo cho biết, vợ chồng chị Dở có 3 đứa con và đang nhận nuôi bà thím là Sàng Chẻo Chua (79 tuổi, có chồng đã chết còn con gái cũng vượt biên sang Trung Quốc lấy chồng). Cả gia đình 6 người trước đây sống trong căn nhà trình tường xập xệ xiêu vẹo nên địa phương chọn đưa vào chương trình hỗ trợ xoá nhà tạm.
Theo lời kể của chị Dở, làm thuê ở Trung Quốc thì ngày công được trả cao nhưng đi lại đường xa, địa hình hiểm trở cũng nguy hiểm. Sau khi được hỗ trợ và vay mượn thêm tiền xây nhà mới, vợ chồng giành lại ít vốn theo nghề “lái” trâu, bò. “Có nghĩa là Ký cứ đi lùng mua những con trâu, bò gầy về cho Dở trồng cỏ voi, nấu cám nuôi vỗ béo. Mỗi con nuôi 1 - 2 tháng đem bán may mắn cũng có lãi tiền triệu nên không cần phải mạo hiểm vượt biên sang Trung Quốc làm thuê nữa”, chị Dở nói.

Mái ấm tình quân dân

Cùng chúng tôi thăm lại “Mái ấm tình thương” xây dựng tại địa phương, ông Trẩn Văn Kình, Bí thư Đảng ủy xã Nà Sán (H.Si Ma Cai), khẳng định mỗi ngôi nhà được xây dựng là biểu tượng gắn bó khăng khít tình quân dân. Không chỉ vận động nguồn lực hỗ trợ, Đồn biên phòng Si Ma Cai cử cán bộ, chiến sĩ trực tiếp lao động, hỗ trợ về ngày công.
“Ở những hộ gia đình được hỗ trợ xây dựng nhà mới sau đó gần như không có hộ nào thiếu ăn, ngôi nhà là điểm tựa giúp họ vươn lên”, ông Kình nói.
bien-phong-lao-cai

Niềm vui của bà Sàng Chẻo Chua (79 tuổi) khi vợ chồng cháu gái Ly Thị Dở được hỗ trợ làm nhà khang trang

Ảnh Phan Hậu

Thiếu tá Thào Pú Páo, Phó bí thư Đảng ủy xã Sán Chải, cho rằng qua các công trình “Mái ấm tình thương”, bộ đội biên phòng không chỉ có nhiệm vụ bảo vệ biên giới mà tích cực chăm lo cho cuộc sống của đồng bào vùng biên giới.
Ở chiều ngược lại, người dân vùng biên giới tích cực cộng tác, cung cấp tin tức, hỗ trợ bộ đội biên phòng quản lý bảo vệ biên giới. Nhiều người tự nguyện cam kết không vượt biên, yên tâm ở lại địa phương tìm sinh kế mới.
Trao đổi với Thanh Niên, đại úy Lèng Văn Trai, Chính trị viên phó Đồn biên phòng Si Ma Cai, cho rằng ở vùng biên giới này mùa mưa thì kéo dài, mùa đông thì khắc nghiệp, rét buốt nhưng không phải hộ gia đình nào cũng đủ điều kiện để làm được ngôi nhà kiên cố. Trong chương trình "Mái ấm tình thương", Đồn biên phòng Si Ma Cai phối hợp với các địa phương lựa chọn các hộ kinh tế khó khăn, nhà xuống cấp, hư hỏng và chủ hộ quyết tâm làm nhà để cấp kinh phí hỗ trợ.
“Mỗi suất hỗ trợ là 30 triệu đồng, còn bộ đội biên phòng cử cán bộ giúp ngày công lao động và kinh phí đối ứng từ gia đình nên nhiều gia đình giờ đây đã có nhà kiên cố, khang trang, điều mà trước đây họ không dám mơ và đây cũng là cách làm bộ đội biên phòng giúp địa phương xóa nhà tạm một cách bền vững”, đại úy Trai nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.