Đầu bếp ngoại đến Việt Nam lập nghiệp: Ông Nhật nấu mì ramen ngon nhất Sài Gòn
06/11/2018 09:11 GMT+7
“Eno hả, người Nhật ở Sài Gòn ai cũng biết hết. Eno nấu mì ramen rất ngon. Ở Tokyo cũng không ngon vậy đâu”, một vị khách người Nhật Bản nói khi được hỏi về ông chủ quán người Nhật mê bánh canh bột gạo Việt Nam.
Tự động phát
Duyên nợ với Sài Gòn
Anh Yamamoto Toshiya, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thiên Định, cho biết tuần nào anh cũng chạy xe máy từ công ty ở Q.1 xuống Thủ Đức ở TP.HCM để ăn mì ramen do Eno nấu. Trong khi đó, anh Ken (một người Nhật đầu tư khách sạn ở Q.4, TP.HCM ) cũng không ngại trời nắng vì “mì ramen của Eno nấu rất ngon".
[VIDEO] Người bán mì ramen và giấc mơ làm 'giám đốc'
|
Tôi hẹn gặp anh Enomoto Toshiaki (36 tuổi) khi anh đang bận rộn nấu mì cho khách buổi trưa, tranh thủ nói chuyện với nhân viên của anh và rồi trò chuyện với anh khi vãn khách… mới thấy anh đích thị là một người Nhật cần mẫn và nghĩ chuyện đường dài.
|
Nhà hàng Nhật ở Thủ Đức (TP.HCM) chắc đếm trên đầu ngón tay bởi nhắc đến ẩm thực Nhật thì không thể bỏ qua Little Tokyo ở đường Lê Thánh Tôn (Q.1). Vậy mà khách quen của tiệm mì Ramen Eno (Thủ Đức) là những người Nhật sống và làm việc ở khắp Sài Gòn… Eno đi đâu thì khách đi đó chỉ bởi không thể “bỏ” được mì Ramen mà anh nấu.
Đến TP.HCM rồi mê luôn mà chẳng cần so sánh với nơi nào khác - đó là Eno của cách đây gần 13 năm và cũng là Eno của ngày hôm nay. Điều khác biệt duy nhất là công việc. Eno thời đó làm trợ lý nhiếp ảnh ở một công ty tại TP.HCM. Còn giờ Eno là một đầu bếp chỉ nấu mì ramen.
“Hơn 10 năm làm trong lĩnh vực nhiếp ảnh, tôi nhận ra rằng đó không phải là công việc phù hợp”, anh Eno tâm sự. Chàng trai 30 tuổi năm đó đã nhận ra rằng “tôi yêu mì ramen”. Thế rồi Eno quay trở về Tokyo, theo học nấu mì suốt 2 năm, thi lấy bằng và quay lại Sài Gòn lập nghiệp.
3 năm qua là 3 năm thử thách với ông chủ tiệm mì này, từ những con hẻm ở đường Lê Hồng Phong, Sư Vạn Hạnh (Q.10) rồi “xuống” tận Thủ Đức như bây giờ vì anh thích không khí “trầm” hơn ở Thủ Đức và hơn hết vì để đón đầu xu thế phát triển của “thành phố mới” quận 9.
|
Anh cũng không ngạc nhiên khi rất nhiều người hỏi anh sao lại mở tiệm mì Nhật ở nơi không có đông người Nhật sinh sống. Quá quen với điều này, Eno cho biết: “Tôi muốn giới thiệu mì ramen cho các bạn trẻ Việt Nam. Ở Thủ Đức có nhiều sinh viên. Tôi muốn bán cho sinh viên, để rồi 10, 20 hay 30 năm sau họ nhớ lại ở đây có nhà hàng Nhật Bản. Tôi suy nghĩ cho tương lai”. Và Eno tự tin cho rằng lúc đấy anh mới có tiền mà cũng đã “60 hay 70 tuổi”.
tin liên quan
Cá ào ra sông cuối mùa nước nổi miền Tây, ngư dân lại kiếm thêm tiền“Có nhiều loại ramen, nhưng loại ramen theo phong cách Tokyo, hay còn gọi là jiro, chưa có ở Việt Nam”, anh khẳng định.
Vậy mới thấy một người Nhật kiên nhẫn, làm hết mình cho hiện tại và đặt niềm tin ở tương lai. Nói tiếng Việt chậm, lo lớ, anh Eno nói rằng chắc phải lâu nữa anh mới làm “giám đốc” vì vẫn chưa tìm được.... "sếp". Với vốn tiếng Việt học ở Trường Đại học Khoa học & Nhân văn TP.HCM, anh có định nghĩa riêng của mình về 2 “chức danh”: giám đốc và sếp. Theo Eno, “giám đốc có tiền là được, nếu không có tiền là công ty có vấn đề còn quan trọng là sếp. Sếp (ở đây ý của anh là người quản lý - PV) thì phải có khả năng, phải nghiêm khắc và khó chịu”.
Khó tính như... người Nhật
Phải chăng vì chưa tìm được “sếp” nên Eno chưa thành “giám đốc”? Nhưng trước hết, ông “sếp” Eno cực kỳ kỹ tính trong việc huấn luyện nhân viên. Hiện, tiệm mì Ramen Eno có 8 nhân viên, thay nhau làm việc theo 2 ca trưa và chiều tối.
Một ông chủ nói tiếng Việt “chỉ có nhân viên trong tiệm mới hiểu” theo lời của các nhân viên và các nhân viên không biết tiếng Nhật. Vậy phải làm sao nhỉ? Thế mà Eno có cách của riêng mình.
“Tôi dạy nhân viên phải quan sát, phải suy nghĩ. Họ nhìn tôi làm, nhìn khách hàng là biết cần phải làm gì. Không cần nói chuyện, chỉ cần mắt và tai vì làm mỗi ngày thì sẽ hiểu nhau”, anh Eno nói. “Mấy bạn Việt Nam ở đây thông minh lắm”, anh cho hay.
|
Nghe thì có vẻ đơn giản chứ nhân viên của anh “lén” nói xấu: “Sợ ổng lắm. Có đứa khóc luôn đó...” nhưng “tụi em thương và quý ổng lắm. Hết giờ làm, ổng hiền như cục bột á”.
tin liên quan
Bánh mì 'khổng lồ' Việt Nam dù vào top món ăn kì lạ nhưng không còn bánTiệm mì của Eno chỉ vừa đủ chỗ cho chừng 10 người. Khách bước vào, tự đặt món trên màn hình, trả tiền rồi ngồi vào quầy đợi… Eno nấu.
Với nhiều người Việt lần đầu đến đây, nhìn thấy bảng hướng dẫn có vẻ hơi “căng”. Ăn xong thì phải để tô lên quầy, lấy khăn lau… theo đúng hướng dẫn. Nhưng đúng là “bát sạch ngon cơm”. Mọi chuyện liên quan tới vệ sinh được anh Eno theo dõi nhân viên rất chặt chẽ, hễ sai là anh liên tục nhắc, phải để chỗ này, không được để chỗ kia.
Vui nhất có lẽ là bảng hướng dẫn trước mặt khách và bảng hướng dẫn sử dụng toilet mà anh tự mày mò ghi bằng tiếng Việt. Nguệch ngoạc sửa đầy lỗi chính tả nhưng rất ư chân tình…
Mê bánh canh bột gạo và không ngại... xe máy
Anh đầu bếp “không có ramen, không sống được” sau gần 13 năm sống ở Việt Nam đã có thể ăn bánh canh bột gạo mỗi ngày. Eno cho biết anh thích món này vì sợi mì ramen và sợi bánh canh đều làm từ gạo. Anh còn bật mí ở Q.9 có một quán bán bánh cánh bột gạo “siêu ngon, rẻ lắm, 30 ngàn mà no được” và thường chạy xe máy đi ăn.
|
Với Eno, anh yêu Việt Nam theo cách riêng của mình, không màu mè. Anh chọn Việt Nam đơn giản vì “chỉ biết Việt Nam thôi, không biết nước khác. Việt Nam thích hợp với mình”. Từng bỏ việc trợ lý nhiếp ảnh một phần vì không kiếm được tiền, thế mà giờ đây sau 3 năm khởi nghiệp vẫn chưa có lời, Eno vẫn kiên trì với chọn lựa của mình. Anh tin rằng: “Việt Nam có tương lai. Có cơ hội kiếm tiền”.
Anh chàng độc thân này cũng không ngại đi xe máy dù điều đáng sợ nhất đối với anh là “đi xe máy ở Sài Gòn”. Cách đây hơn 2 tháng anh bị tai nạn khi đang trên đường đi tập yoga. Thế là phải đóng cửa tiệm mì để về Nhật dưỡng bệnh với ba mẹ.
Eno thích sống ở TP.HCM vì “cuộc sống dễ chịu”. Mỗi ngày anh vẫn chạy xe đi lại và chắc chắn anh sẽ trải nghiệm đi xe máy ở Hà Nội vào một ngày nào đó trong tương lai vì anh có kế hoạch “sẽ mở nhà hàng ở Hà Nội khi có tiền”.
Bình luận (0)