Đâu chỉ có chất gây ung thư vàng ô trong mâm cơm gia đình bạn

Mọi chuyện khởi đầu khi người ta nhìn thấy hình ảnh từ một chợ bán măng tại thành phố Đà Nẵng. Một nhà báo ghé vào tiệm tạp hóa hỏi mua chất bột vàng ô.

Mọi chuyện khởi đầu khi người ta nhìn thấy hình ảnh từ một chợ bán măng tại thành phố Đà Nẵng. Một nhà báo ghé vào tiệm tạp hóa hỏi mua chất bột vàng ô. 

Ảnh: ShutterstockẢnh: Shutterstock
Người bán hàng tươi cười đưa bột ra nhưng chợt nhìn thấy ống kính truyền hình đang đặt ở một góc xa thu lại hình ảnh đó bèn thoái thác: “Ở đây không có, không bán!”. Câu phủ định ấy khẳng định cho mọi người xem truyền hình biết rằng cửa hàng này đang bán chất vàng ô.
Vàng ô, tên hóa học là auramine O, là một loại bột màu công nghệ có màu vàng kim. Chính chữ O đứng sau chữ Auramine khiến người ta đọc tên hóa chất này là “vàng ô”, để dễ phân biệt với các loại bột màu vàng khác.
Công thức hóa học của vàng ô là C17H21N3. Nó được dùng làm chất tạo màu trong công nghiệp nhuộm vải sợi, nhuộm màu vi khuẩn, công nghiệp in ấn. Những thí nghiệm sinh học cho biết vàng ô gây ra ung thư trên chuột bạch, nghĩa là có thể gây ung thư cho các loại sinh vật khác, kể cả con người.
Từ phóng sự truyền hình ở Đà Nẵng, cơ quan chức năng kiểm tra thực phẩm của chợ này đã lấy các mẫu măng tươi (màu trắng), măng ngâm có màu vàng và dưa cải muối chua ở ba chợ khác về kiểm nghiệm. Kết quả kiểm nghiệm rất đáng lo ngại: mẫu măng tươi màu trắng là do được ngâm từ một loại hóa chất của Trung Quốc, các mẫu măng màu vàng đều được ngâm trong dung dịch vàng ô và tất cả các mẫu dưa cải chua trên ba chợ khác… cũng được ngâm vào dung dịch vàng ô.
Thế nhưng, các chợ ở Đà Nẵng không phải là nơi duy nhất dùng chất vàng ô ngâm măng và dưa cải chua cho đẹp màu, cho bắt mắt. Trước đó, ở quận 12, TP.HCM, cơ quan chức năng đã phát hiện 40 tấn măng ngâm hóa chất Trung Quốc, giữ lâu đến 6 tháng; có một lượng lớn măng được ngâm vàng ô.
Công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi TP. tỉnh Hải Dương cũng lấy chất vàng ô trộn vào thức ăn cho heo để tạo màu quyến rũ cho thịt heo. Dù không biết rõ nội dung làm việc của các cơ quan chức năng với tất cả những đơn vị cá nhân vi phạm trên đây, người ta cũng có thể hình dung rằng có một “bậc thầy” ẩn danh trá hình nào đó đã “dạy” cho họ rằng dùng chất vàng ô để nuôi heo gà thì heo gà đẹp, dùng nhuộm cho măng hay dưa cải thì măng và dưa cải nhìn bắt mắt. Những bà con vi phạm trả lời không biết, không dùng vàng ô, không bán vàng ô là không nói thật.
Măng là món rau khá phổ biến trong bữa cơm gia đình của mỗi nhà. Thôn quê VN có nhiều làng trồng tre. Mùa mưa xuống, măng mọc lên, những chồi măng tròn trịa, khỏe mạnh. Bà con ta chặt mụt măng đem về, làm sạch, chế biến ra thành món xào, món luộc, món canh hay bỏ vào kho chung với cá.
Măng tươi còn có thể thái nhỏ, trộn với tôm thịt, đậu mè, rau thơm làm món gỏi. Cô gái thôn quê nghèo thuộc lòng câu ca dao: “Má ơi, đừng đánh con đau/Để con bắt ốc hái rau má nhờ/Má ơi đừng đánh con khờ/ Để con ra bụi con rờ mụt măng”. “Rờ mụt măng” có nghĩa là chuẩn bị món măng - món ăn dân dã gần gũi, cho bữa cơm gia đình.
Ngày nay, những mụt măng sạch sẽ, an toàn như vậy được đưa về thành phố hay các thị trấn, bị những người thiếu lương tâm nhuộm vàng ô hay tẩm hóa chất để lâu bán lại cho bà con mình. Thật nguy hiểm cho người ăn phải thứ măng “tẩm ướp” ấy.
Dưa cải chua cũng là món nhiều người thích ăn trong bữa cơm gia đình. Bà con người Hoa gốc Triều Châu ở miền tây Nam bộ gọi dưa cải muối nguyên cây là tùa xại (cải chua lớn), gọi dưa cải được cắt ra rồi mới muối là cảm xại (cải chua nhỏ).
Ở các tỉnh duyên hải như Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, có đông đảo bà con người Triều Châu, dưa cải muối của họ được muối sạch đến nỗi ai bị trái gió trở mùa cảm sốt, chỉ cần uống nửa chén nước cảm xại, tùa xại là đã có thể khỏi bệnh.
Ấy bởi vì nước muối dưa chua lên men tự nhiên khá tốt, có tác dụng thanh nhiệt giải cảm. Có lẽ sau khi nghe chuyện dưa cải chua bị ngâm chất vàng ô làm đẹp, chẳng ai dám uống loại nước này nữa.
Bà con Đà Nẵng chắc chắn mấy hôm nay không dám mua măng và dưa cải muối đem về cho bữa ăn gia đình. Quyền lớn nhất của người tiêu dùng là quyền không mua hoặc tẩy chay một món hàng có hại cho sức khỏe của mình.
Người ta dị ứng cũng phải thôi bởi “có kiêng có lành”. Còn khi thích ăn, cần ăn thì người ta cứ mua măng tươi nguyên mụt hay dưa cải tươi đem về phơi rồi tự muối. Thế nhưng, còn biết bao nhiêu hộ gia đình trên đất nước ta hằng ngày còn phải đối mặt với thực phẩm bẩn, thực phẩm độc hại.
Trong một lần phát biểu trước Quốc hội, ông Nguyễn Quốc Triệu - nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế nói vui: “Cả ba bộ cùng chung nhau lo bữa cơm trên bàn ăn của người dân!”. Điều ông nói là sự thật. Bộ Công thương lo kiểm soát đầu vào của những chất hóa học (kể cả những chất độc hại), kiểm soát tình hình kinh doanh và chế biến lương thực, thực phẩm.
Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn chỉ đạo khâu chăn nuôi, trồng trọt sao cho có những sản phẩm tốt nhất, ngon nhất cho thị trường. Bộ Y tế lo kiểm tra vệ sinh thực phẩm. Vâng, ba bộ cùng làm nhưng bà con ta vẫn ăn phải thực phẩm độc hại! Tình hình ăn uống nhầm các chất độc hại ấy khiến người ta nhẹ thì bị ngộ độc nhất thời, nặng thì có thể vướng những căn bệnh ngặt nghèo như ung thư. Con đường đáng buồn nhất là con đường đi từ bao tử đến nghĩa địa!
Mà than ôi, đâu chỉ có một chất vàng ô là đáng sợ. Đời này còn cả trăm thứ hóa chất độc hại như thế mà bà con ta mua về và sử dụng. Chất salbutamol trộn vào thực phẩm heo để heo tăng trọng nhanh, nạc nhiều, bung vai nở mông.
Các chất kích thích nhuộm đẹp trái cây giúp chuối chín trong 2 giờ, sầu riêng chín trong 4 giờ, thanh long nở tròn và đẹp sau một đêm. Một trăm thứ chế phẩm tạo mùi pha sẵn để nấu lẩu, nấu canh chua, nấu cà ri... Với giá bán khá rẻ, những chế phẩm sinh hóa ấy giúp người ta thu ngắn thời gian, đi ngược tiến trình sinh học. Nó tạo ra những thực phẩm độc hại mà giỏi như nhà bác học cũng không thể nhận ra chứ đừng nói đến bà con tiêu dùng thông thường.
Phải đợi đến ngày 1.7 tới đây, luật pháp mới được quyền chế tài nặng những người buôn bán, chế biến, tàng trữ thực phẩm bẩn, thực phẩm độc hại. Thật chẳng vui sướng gì khi có người bị tù bị tội!
Nhưng rõ ràng lợi dụng những khe hở của pháp luật, có nhiều người đã kinh doanh thực phẩm bẩn, thực phẩm độc hại trên sinh mạng của hàng ngàn, hàng vạn người tiêu dùng. Chính cái siêu lợi nhuận kiếm được từ hàng dơ, hàng độc hại đã giúp họ mạnh dạn vi phạm pháp luật. Một chiếc xe tải biển số Long An đã bị bắt 6 lần vì chở toàn thịt dơ, thịt bẩn về thành phố. Kiểu xử phạt hành chính như “gãi ngứa” đã khiến chủ xe và tài xế an tâm kinh doanh thực phẩm bẩn.
Làm sao mà mỗi người chúng ta có thể trở thành người tiêu dùng thông thái nổi? Tôi cầm lên một con cá nục bông, thấy mắt nó xanh trong, da nó láng mịn, mang còn đỏ tươi, đưa ngón tay ấn nhẹ vào không thấy cá bị lõm xuống. Đó là con cá tươi, bảo quản tốt. Tôi mua về nhà, lòng vui vì ít ra mình cũng có một vài kinh nghiệm chọn được cá tươi.
Thế nhưng, mấy hôm sau tôi mới chưng hửng ra. Con cá nục bông ấy là cá của ngư thuyền nước ngoài đánh bắt trên vùng biển khơi chồng lấn. Chúng đã chu du một vòng để được gia công ướp tẩm chất bảo quản độc hại rồi mới bán tới tay tôi. Tôi làm sao biết được điều ấy, mà ngay chị bán cá cho tôi cũng không thể biết được điều ấy. Tôi chỉ còn một phản ứng tự vệ tiêu cực: từ nay, không mua cá nục bông nữa!
Đối với dưa cải chua hay măng bán ngoài chợ có tẩm chất vàng ô, tôi cũng phải tự vệ như vậy. Cho nên, chỉ còn cách kêu gọi lương tâm người chế biến và buôn bán dưa chua và măng: Xin các anh chị đừng tẩm chất vàng ô! Tẩm chất vàng ô là anh chị tự hại sự nghiệp kinh doanh, buôn bán của mình.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.