Đầu năm 2016, Đài phát thanh truyền hình tỉnh Bình Thuận đưa một phóng sự khá hay.
Ảnh: Công Hân |
Đó là phóng sự về những người phụ nữ dân tộc K’Ho ở xã miền núi Đông Tiến (Hàm Thuận Bắc, Bình Thuận) đã thoát nghèo sau nhiều năm được địa phương công nhận là hộ nghèo để được hưởng các chế độ, chính sách của chương trình xóa đói giảm nghèo. Cái mà người ta thấy ấn tượng nhất là những nụ cười cởi mở, chân thật, đầy tính lạc quan nơi những người phụ nữ ấy.
Hộ của K’Thị Lúi nhiều năm qua là hộ nghèo. Anh chị được tặng một con bò đẹp, chăm chỉ nuôi con bò ấy và nó sinh ra được cả bầy bò. Anh chị cố gắng làm rẫy bắp, ruộng lúa để mùa nào bắp, lúa cũng về đầy sân phơi. Đàn bò lớn lên, anh chị bán một hơi năm con. Tiền đó được dùng để nuôi con gái lớn tiếp tục ăn học đại học, mua cái ti vi màn hình phẳng để coi “cho nó sướng con mắt”. Vợ chồng chị Lúi bàn nhau nên trả lại cái sổ hộ nghèo cho xã.
Trong cuộc họp của phụ nữ xã, chị Lúi đứng lên phát biểu: “Gia đình mình đã đủ cái ăn cái mặc rồi, đã thoát nghèo rồi. Mình xin trả cái sổ hộ nghèo này lại cho xã để xã lo cho một hộ khác nghèo hơn mình”. Người ta đặt ra câu hỏi cho chị Lúi: “Nếu bây giờ xã đưa lại cái sổ hộ nghèo cho chị Lúi để tiếp tục giúp đỡ cho gia đình chị, chị có nhận không?”. Người phụ nữ ấy cười: “Mình không nhận. Đủ ăn rồi mà còn tự coi mình là hộ nghèo thì xấu hổ lắm”.
“Đủ ăn rồi mà còn nhận cái sổ hộ nghèo là xấu hổ lắm” là nhận thức mới mẻ và tích cực của nhiều bà con vừa thoát nghèo khác ở xã Đông Tiến. Cực chẳng đã mới mang “danh nghĩa” hộ nghèo để được nhà nước cưu mang, đùm bọc. Cùng hoàn cảnh như chị Lúi là hộ chị K’Thị Hanh. Chị Hanh cũng được địa phương xã, huyện đùm bọc nhiều năm trong chủ trương xóa đói giảm nghèo. Chị Hanh cùng chồng cố gắng làm ăn, hồi chưa có cái ti vi thì mơ sắm được ti vi, có ti vi rồi bây giờ chị lại mơ sắm được cái tủ lạnh. Chị Hanh tin nhà mình sẽ có tủ lạnh bởi chị đang… có bầy bò. Chị cũng đã trả lại sổ hộ nghèo cho xã để xã lo cho người khác. “Giờ mình chỉ mơ sắm cái tủ lạnh nữa là đủ” - chị Hanh nói. Cũng như chị Lúi, chị Hanh nói sẽ không muốn nhận sổ hộ nghèo nữa, chính quyền có thơm thảo đưa lại cho thì gia đình chị cũng không nhận.
Trong xã này, còn có một “chủ nợ” rất hay. Chị làm nghề cho vay tiền nhưng lãi suất rất nhẹ nhàng. Tất cả giao ước đều đặt trên niềm tin của hàng xóm láng giềng với nhau. Ai có tiền cuối mùa vụ lúa, bắp, bán bò, bán heo trả thì chị nhận. Ai chưa có tiền, để đến mùa vụ sau, thậm chí trễ hạn vài ba năm chị cũng không hối thúc họ trả nợ. Làm ăn nhẹ nhàng như vậy nhưng chị vẫn có lãi, vẫn bảo toàn được vốn. Chị được những hộ gia đình nghèo trong xã quý mến. Có lẽ đây là một hình thức “tín dụng nhân dân” văn minh và có tình nhất mà người nghèo có thể tự xây dựng được.
Xóa đói giảm nghèo là một chủ trương chung có bài bản, có chính sách, có quy định hẳn hoi. Thế nhưng, thực hiện việc xóa đói giảm nghèo thành công suôn sẻ hay có vấp váp lợn cợn là do cách làm tích cực hay không tích cực của từng địa phương xã thôn. Trong năm 2015, xã Đông Tiến có 22 hộ bà con dân tộc K’Ho khẳng khái trả lại sổ hộ nghèo vì đã thoát được cảnh nghèo, kéo tỷ lệ hộ nghèo trong xã xuống còn 12% - một tỷ lệ lý tưởng đối với xã dân tộc miền núi trong một huyện miền núi. Các cán bộ của xã đã thực hiện xóa đói giảm nghèo cho dân với một tinh thần vô sản - hiểu theo cái nghĩa là không có việc chọn lựa hộ nghèo theo tình cảm riêng tư hay thân thích của riêng ai. Chính vì vậy mà bà con dân tộc đã thay đổi nhận thức, rất ủng hộ và sẵn sàng chia sẻ gánh nặng với chính quyền. Thành công lớn nhất của xã là giúp bà con người K’Ho tự biết làm ăn, vươn lên thoát nghèo và hiểu được rằng không có gì đáng xấu hổ hơn khi cứ tự nhận mình là hộ nghèo để mãi bám víu vào tiền bạc chế độ, chính sách.
Năm mới vừa đến mà nhìn thấy nụ cười lạc quan tin tưởng của các bà con dân tộc đã thoát được cảnh đói nghèo, lòng mọi người không khỏi vui lây. Thế nhưng, người ta cũng giật mình nhìn lại những nơi thực hiện xóa đói giảm nghèo ỳ ạch, không có thành tích nào nổi bật, không đảm bảo được công bằng xã hội khi bình xét chọn hộ nghèo hay hộ thoát nghèo. Đáng ngại nhất là những xã đã thực sự thoát nghèo rồi nhưng vẫn không chịu báo cáo trung thực thành quả ấy lên cấp trên tỉnh huyện, cứ khư khư giữ lấy cái “danh hiệu” xã nghèo để được “bú” mãi cái “bình sữa” ngân sách xóa đói giảm nghèo từ nhà nước.
Tôi đã đi qua một số xã ở vùng nông thôn đồng bằng trên cả nước. Đường giao thông khá tốt, xe hơi có thể chạy suốt vào các thôn, trạm y tế, bưu điện, trường học (kể cả mẫu giáo) rất khang trang; nhà cửa nhân dân phần lớn lợp ngói, ít nhất là lợp tôn; nhân dân đủ ăn đủ mặc; chợ búa hoạt động phồn thịnh; trụ sở làm việc xã thôn khá hoành tráng. Có một kinh nghiệm hay là hãy nhìn vào cách buôn bán trong cái chợ của một địa phương bạn sẽ biết đời sống kinh tế của địa phương ấy phát triển hay không phát triển. Ấy vậy mà lãnh đạo xã vẫn tự xưng xã mình là xã nghèo, năm nào cũng báo cáo lên cấp trên những “khó khăn” để xin thêm kinh phí cho việc này, việc khác. Các địa phương này luôn luôn lấy chữ nghèo làm trọng và đi đâu họ cũng nhận mình là địa phương nghèo, cứ y như nghèo là chữ đem lại niềm vinh dự nhất.
Điều phản cảm nhất là nhiều cán bộ lợi dụng chủ trương xóa đói giảm nghèo để làm lợi cho những thân nhân, bà con của mình, tạo ra sự bất công ngay trong chính một chủ trương công bằng nhất. Ở một huyện miền Tây Nam bộ, ông bí thư huyện ủy nọ cũng nhiệt tình ủng hộ việc xây nhà tình thương cho hộ gia đình khó khăn. Điều đáng tiếc khiến nhân dân đàm tiếu mãi là ông chỉ đạo lấy kinh phí xây nhà dành cho xã này để xây… lộn nhà qua một xã khác và người được thụ hưởng sự ưu đãi lạ đời đó là… anh vợ của ông bí thư. Trong khi đó, lương của cán bộ, nhân viên toàn huyện không còn tiền trả, phải năn nỉ vay tạm từ ngân sách của tỉnh.
Xóa đói giảm nghèo tạo điều kiện để người nghèo thoát nghèo nhưng cũng có những chuyện dở cười dở khóc do một số bà con hộ nghèo gây ra. Khi không có tiền, bà con mong vay được tiền từ chính sách để làm ăn hoặc mong nhận được những khoản trợ cấp của nhà nước - ví dụ trợ cấp để xây nhà chẳng hạn. Thế nhưng khi vay được hoặc nhận được số tiền trong tay, cá biệt có một số bà con… quên mất cái nghèo. Họ không dùng những đồng tiền ấy vào hoạt động làm ăn sinh lời mà mua xe gắn máy để chạy hay ăn xài cho bõ những ngày bĩ cực. Vậy là họ tái nghèo, mang nợ ngân hàng chính sách không biết bao giờ trả được.
Không có gì hạnh phúc hơn cho đất nước khi không còn hộ nghèo. Người nghèo vươn lên đủ ăn, người đủ ăn vươn lên khá, người khá giả vươn lên giàu - ấy là ước mơ của đồng bào cả nước. Tiền bạc của nhà nước đầu tư cho chương trình xóa đói giảm nghèo là điều kiện cần. Bản thân bà con nghèo phải biết sử dụng nguồn tài lực ấy vào những chuyện làm ăn chính đáng thì mới vươn lên thoát nghèo được.
Chúng ta mong có thêm nhiều xã có được nhiều bà con làm ăn hiệu quả như bà con người K’Ho ở xã Đông Tiến, Hàm Thuận Bắc. Nhận thức của họ về cuộc sống rất cụ thể; đã đủ ăn, dư ăn thì không để mình tái nghèo và việc trả lại sổ hộ nghèo là hành động dứt khoát nói lên quyết tâm đoạn tuyệt với sự nghèo khó để vươn lên đời sống khá giả. Chính nhận thức ấy làm nên những nụ cười hồn nhiên, lạc quan về ngày mai sáng tươi.
Bình luận (0)