(TNO) Người Bình Định dù ở quê nhà hay tha hương đều mong dịp tết đến xuân về được dự Lễ hội mừng chiến thắng Đống Đa tại Bảo tàng Quang Trung (thị trấn Phú Phong, H.Tây Sơn, Bình Định) để tưởng nhớ nhà Tây Sơn, cầu tài lộc, cầu mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an...
Khí thiêng lan tỏa
Những năm gần đây, du khách ở TP.HCM, Hà Nội, Nghệ An, Tiền Giang, Phú Yên… cũng quy tụ về Bảo tàng Quang Trung trong dịp đầu xuân ngày càng nhiều. Tất cả đều thành kính, cúi mình dâng hương trước những người anh hùng áo vải tại Điện thờ Tây Sơn Tam Kiệt (trong Bảo tàng Quang Trung).
|
Tín ngưỡng sùng bái nhà Tây Sơn xuất hiện tại vùng đất này từ hơn 200 năm trước. Khi nhà Tây Sơn mất, bất chấp sự đàn áp của triều Nguyễn, người dân địa phương đã xây dựng điện thờ ngay trên nền nhà của cụ Nguyễn Phi Phúc - thân sinh của ba anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ - để thờ những vị lãnh tụ của phong trào nông dân Tây Sơn nhưng gọi tránh đi là thờ Thành Hoàng.
Hằng năm, vào ngày 5.11 âm lịch, tức vào dịp Lễ Thường tân (tết cơm mới), dân làng cúng giỗ “Ba ngài Tây Sơn” nhưng thường chỉ cúng hương hoa và “mật cáo” chứ không có văn tế. Lễ mừng chiến thắng Đống Đa của nhà Tây Sơn vào ngày mùng 4 và mùng 5 tết lại gọi là lễ Tế xuân đầu năm.
|
Nhà văn Lê Hoài Lương (người Bình Định) tâm sự rằng ông cảm động đến rơi nước mắt khi vào thăm những di vật lịch sử liên quan đến nhà Tây Sơn được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử TP.HCM.
Trong khi những thanh kiếm của quân Xiêm nước thép còn đẹp, chuôi kiếm, đốc kiếm dài, chắc... thì vũ khí của đạo quân nhà nghèo nông dân Tây Sơn chỉ có những thanh kiếm ngắn, rỉ sét do rèn vội và không có nhiều nguyên liệu.
“Thương người nghĩa sĩ Tây Sơn lấy lòng dũng cảm và võ nghệ mà chiến đấu với kẻ thù giàu có, trang bị tốt hơn hẳn và cũng tự hào với những chiến tích lừng lẫy mà đạo quân này làm được suốt mấy chục năm trường chinh với khát vọng no ấm và độc lập dân tộc”, nhà văn Lê Hoài Lương nói.
Điểm tâm linh mới
Cách Bảo tàng Quang Trung tầm 10 km là Đàn tế trời đất núi Ấn Sơn (ở xã Bình Tường, H.Tây Sơn), vừa được khánh thành vào tháng 9.2012, cũng là một địa điểm thu hút nhiều du khách trong dịp xuân Quý Tỵ.
Đàn tế tọa lạc trên đỉnh cao nhất của Ấn Sơn có cấu trúc 3 tầng. Tầng trên cùng hình tròn gọi là Viên Đàn tượng trưng cho Trời, chính giữa Viên Đàn là áng thờ Trời - Đất. Tầng thứ 2 hình vuông gọi là Phương Đàn tượng trưng cho Đất, nơi đây khi tế lễ sẽ bố trí các áng thờ thần như: Thần mặt trời, mặt trăng, thần biển, sông, núi, đầm… Tầng dưới cùng cũng hình vuông, có 4 lối vào theo 4 hướng, hướng chính là hướng Nam.
|
Cạnh Đàn tế là khu Đền Ấn, nơi có bàn thờ các tướng lĩnh và quân sĩ thời Tây Sơn, có bản sao của Ấn lệnh nhà Tây Sơn và bàn thờ cùng bài vị của 3 anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ…
Trong sách “Nước non Bình Định”, nhà nghiên cứu Quách Tấn viết rằng Hoành Sơn là “đại địa” vì có bút (Bút Sơn - Hòn Trưng), nghiên (Hợi Sơn - Hòn Dũng), ấn (Ấn Sơn - Hòn Giải), kiếm (Kiếm Sơn - Hòn Hóc Lãnh), cổ (Cổ Sơn - Hòn Trống), trung (Trung Sơn - Hòn Chuông) ở hai bên tả hữu.
Tương truyền mộ của Nguyễn Phi Phúc, thân sinh của 3 anh em nhà Tây Sơn, được an táng tại Hoàng Sơn mà chiếm long huyệt. Nguyễn Nhạc được một vị thần tiên trao chiếu “Ngọc Hoàng sắc mạng Nguyễn Nhạc vi Quốc vương” tại Trung Sơn và được ban kiếm báu ở Hòn Hóc Lãnh nên đổi tên thành Kiếm Sơn, ban ấn ở Hòn Giải nên có tên gọi là Ấn Sơn…
Với những công trình hiện tại và truyền thuyết đầy chất huyền thoại, Đàn tế Trời - Đất tại núi Ấn Sơn sẽ hợp với Bảo tàng Quang Trung, đền thờ Gò Lăng, đền thờ Đô đốc Bùi Thị Xuân, lăng Mai Xuân Thưởng… tạo thành một tour du lịch văn hóa tâm linh đầy thú vị của Bình Định.
Bài, ảnh: Hoàng Trọng
>> Ngày mùng 1 Tết đi lễ chùa làng
>> Đi lễ chùa
>> Rủ nhau đi lễ chùa
>> “Đinh tặc” tung hoành mùa lễ chùa bà
>> Nô nức đi lễ chùa
>> Chen chân đi lễ chùa đầu năm
>> Duyên dáng áo dài đi lễ chùa
>> Nô nức đi lễ chùa đầu năm
Bình luận (0)