Đề phòng cúm gia cầm ở miền Bắc, miền Trung

01/04/2017 13:02 GMT+7

• Tây nguyên và Nam bộ còn mưa trái mùa Từ 1 - 7.4, miền Bắc chịu ảnh hưởng bởi không khí lạnh nên trời tiếp tục rét nhẹ trong hai ngày cuối tuần (1 - 2.4) với nhiệt độ ban đêm 15 – 18 độ C, vùng núi dưới 15 độ C.

Qua tuần sau không khí lạnh suy yếu, nhiệt độ tăng trở lại, trời lạnh về đêm và sáng, trưa chiều hửng nắng. Do gió đông nam đem ẩm vào nên sương mù xuất hiện nhiều hơn, độ ẩm có lúc 85 - 90% và thiếu nắng. Thời tiết trong giai đoạn này tạo điều kiện cho dịch cúm gia cầm có nguy cơ lây lan cao.

tin liên quan

Mưa trái mùa, giông lốc còn xảy ra trong một vài ngày tới
Theo Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ, chiều 30.3, mây đối lưu phát triển khá mạnh, đặc biệt tập trung tại các quận, huyện đông bắc TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long... gây mưa, giông trên diện rộng.
Đối với vụ lúa, năm nay nhuận hai tháng 6 âm lịch nên thời tiết có thể có sự xê dịch, tiết xuân ấm nóng nhiều, cây lúa sẽ rút ngắn thời gian sinh trưởng, sâu bệnh có khả năng phát sinh gây hại nhiều trên diện rộng, nhà nông cần theo dõi để điều chỉnh các biện pháp chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh kịp thời, cần bón tăng 15 - 20% lượng đạm và 10 - 15% lượng kali, sẽ giúp gia tăng sinh khối lúa, kéo dài thời gian sinh trưởng, tránh trổ sớm.
Không khí lạnh xuống đến miền Trung gây mưa giông ở các tỉnh từ Nghệ An đến Thừa Thiên - Huế, trời trở lạnh vào cuối tuần với nhiệt độ thấp nhất 16 – 19 độ C, qua tuần sau sẽ tăng nhiệt, trời ấm dần do có nắng. Miền Trung chú ý các đợt gió mùa đông bắc muộn và thời tiết mưa nắng thất thường nên dịch cúm gia cầm có nguy cơ phát triển, lan từ vùng này sang vùng khác.
Đối với Tây nguyên, mưa trái mùa giữa lúc nắng hạn một cách bất thường nên nhiều diện tích trồng điều, hồ tiêu bị thiệt hại, chú ý sâu bệnh. Để phòng trừ, nông dân nên áp dụng một số quy trình trị bệnh thán thư phát triển nhanh trong điều kiện thời tiết nóng ẩm, chăm sóc tốt cho vườn cây, tỉa cành tạo tán để vườn thông thoáng. Khi phát hiện cây điều bị bệnh nặng, nên dùng thuốc chuyên ngành trừ bệnh.
Từ Ninh Thuận, Bình Thuận đến Nam bộ trong những ngày đầu tháng 4 vẫn còn mưa trái mùa do rãnh áp thấp xích đạo hoạt động mạnh dần và dịch chuyển lên phía bắc, không khí lạnh khuếch tán xuống kết hợp của nhiễu động trong đới gió đông từ biển vào đi ngang qua nam Trường Sa vào gần vùng biển Cà Mau trong các ngày từ 3 - 4.4. Mưa trái mùa nên không đều, mưa rào và có giông, có nơi mưa khá lớn, đề phòng trong cơn giông kèm sấm sét, lốc xoáy, gió giật cả trên biển và đất liền. Nhiệt độ Nam bộ cao nhất từ 32 – 35 độ C, gần cuối tuần sau nắng nóng và oi bức trở lại do mưa giảm hẳn, miền Đông và TP.HCM có lúc 35 – 37 độ C.
Trên các vùng biển phía nam gió sẽ mạnh lên từ chủ nhật đến giữa tuần sau, thời tiết biển xấu do mưa giông, gió giật và biển động.
Đợt triều cường còn cao trong ngày 1.4 ở mức báo động 2, gây ngập một số nơi từ 19 - 20 giờ, sau đó giảm nhanh. Triều cường và gió chướng đẩy nước mặn vào sâu hơn so với tuần vừa qua, tỉnh Bến Tre ranh mặn 4%o vào sâu cách cửa sông 42 - 46 km trên các sông Cửa Đại, Hàm Luông và Cổ Chiên.
Do vậy, bà con ở Sóc Trăng, Trà Vinh không nên xuống giống vụ ba mặc dù thấy nước lạt, chờ đến cuối tháng 4 khi có mưa chuyển mùa, độ mặn giảm hẳn rồi mới làm cho an toàn.
Các tỉnh phía nam sẽ có đợt rầy cám nở từ nay đến ngày 2.4 trên các trà lúa hè thu sớm. Năm nay có thể mưa sớm hơn 2016, từ giữa tháng 4 có chuyển mùa, mùa mưa thật sự bắt đầu lần lượt ở các tỉnh Nam bộ từ đầu tháng 5 trở đi khi xuất hiện gió tây nam.
Do vậy, cần theo dõi lịch xuống giống “né rầy” để tránh bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá lúa. Trong 7 ngày tới mưa trái mùa nên ẩm thừa nắng thiếu, có sương mù, cần chú ý bệnh đạo ôn lá và cổ bông có khả năng phát sinh gây hại...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.