Đó là mối lo ngại của nhiều đại biểu, các chuyên gia tại hội nghị bàn giải pháp ứng phó với các chủng vi rút trước nguy cơ xâm nhiễm vào VN, do Bộ NN - PTNT tổ chức tại Lạng Sơn trong ngày hôm qua, 26.2.
Căng sức chặn gia cầm vượt biên
Tại hội nghị, ông Phạm Văn Đông, Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN - PTNT) cho biết, dù qua xét nghiệm trên 200 nghìn mẫu thịt gia cầm và các sản phẩm gia cầm chưa phát hiện cúm gia cầm A/H7N9, nhưng nguy cơ vi rút này xâm nhập vào Việt Nam là rất cao.
Trong số 16 tỉnh phát hiện ổ dịch ở Trung Quốc, có những ổ dịch tại tỉnh Vân Nam và Quảng Đông giáp với Việt Nam khiến chủng vi rút này xâm nhập thông qua con đường nhập lậu gia cầm, các sản phẩm gia cầm trái phép chưa được ngăn chặn. Báo cáo của các tỉnh biên giới Hà Giang, Lai Châu, Lạng Sơn, Cao Bằng và Quảng Ninh từ đầu năm 2016 đến ngày 25.2.2017 cho thấy, cơ quan chức năng bắt giữ 356.072 con gia cầm giống; 2.365 gia cầm thịt và trên 62,4 tấn thịt gia cầm, hơn 212.000 quả trứng nhập lậu từ Trung Quốc.
tin liên quan
Cấp bách ngăn chặn vi rút gia cầm xâm nhiễm vào Việt NamBộ trưởng Bộ NN-PTNT vừa có công điện khẩn gửi các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư và các bộ: Quốc phòng, Công an, Công thương, Y tế, Tài chính, Giao thông vận tải, về việc tăng cường các biện pháp ngăn chặn vi rút gia cầm A/H7N9 và các chủng vi rút cúm khác xâm nhiễm vào VN.
Chia sẻ tại hội nghị, ông Nguyễn Hữu Thể, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai lo lắng, nếu ngăn chặn gia cầm nhập lậu từ Trung Quốc chỉ trông chờ vào lực lượng hải quan, biên phòng sẽ không hiệu quả, vì đường biên giới địa hình đồi núi phức tạp, có hàng trăm, hàng nghìn đường mòn và lối tắt. Công tác ngăn chặn gia cầm nhập lậu cần sự vào cuộc của chính quyền địa phương, các thôn xóm giáp biên.
Người nhiễm cúm A/H7N9 có tỷ lệ tử vong cao
Ông Đặng Quang Tấn, Phó cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cảnh báo diễn biến cúm A/H7N9 tại Trung Quốc là vấn đề rất đáng lo ngại cho Việt Nam. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), từ tháng 10.2016 đến tháng 2.2017 Trung Quốc có 425 người bị nhiễm vi rút cúm A/H7N9, trong đó có 112 người tử vong.
Mặc dù đến nay WHO chưa có bằng chứng rõ ràng chứng minh vi rút cúm A/H7N9 lây nhiễm từ người sang người nhưng Việt Nam cũng không chủ quan, bởi tỷ lệ tử vong ở người nhiễm cúm luôn từ 30 - 40%. “Vi rút cúm A/H7N9 lây từ gia cầm sang người đã được làm rõ. Chủng vi rút cúm này có trên gia cầm không gây bệnh, không gây chết cho gia cầm nhưng xâm nhiễm vào cơ thể con người thì tỷ lệ tử vong rất cao”, ông Tấn cảnh báo.
|
Nhiều năm theo dõi về các chủng vi rút cúm trên gia cầm tại Việt Nam, tiến sĩ Anthony Mount, Giám đốc Cơ quan kiểm soát dịch bệnh Hoa Kỳ tại Việt Nam so sánh: khác với vi rút cúm A/H5N1 và cúm A/H5N6, cúm A/H7N9 không có biểu hiện lâm sàng trên gia cầm nên không thể phân biệt đâu là gia cầm nhiễm vi rút, đâu là gia cầm không nhiễm bệnh, vì vậy, việc chủ động lấy mẫu xét nghiệm tìm ra vi rút là giải pháp quan trọng nhất hiện nay. Các chủng vi rút cúm trước đây xâm nhập vào Việt Nam chủ yếu bằng con đường vận chuyển gia cầm nhập lậu từ phía Trung Quốc. Trong bối cảnh các ổ dịch trên gia cầm, ca bệnh cúm A/H7N9 trên người gia tăng đột biến ở Trung Quốc, chưa thể ngăn chặn nhập lậu gia cầm vào Việt Nam là tình huống rất nguy hiểm, nguy cơ xâm nhiễm luôn thường trực.
“Cơ quan thú y, đặc biệt là vùng biên giới cần phải xét nghiệm chặt chẽ các gia cầm sống và ngay cả gia cầm chết với bất kỳ nguyên nhân nào cũng phải được giám sát để làm rõ”, vị chuyên gia người Mỹ khuyến cáo.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN - PTNT Vũ Văn Tám cho rằng, theo kịch bản ứng phó, phòng chống xâm nhiễm cúm A/H7N9 hiện tại đang ở tình huống số 1: Chưa phát hiện vi rút này trên gia cầm, môi trường và người. Mặc dù vậy, ông Tám đề nghị các địa phương không chủ quan, lơ là ứng phó, đặc biệt là các tỉnh biên giới giáp Trung Quốc tăng cường lực lượng biên phòng, công an, quản lý thị trường, y tế, giao thông… áp dụng mọi biện pháp ngăn chặn triệt để tình trạng vận chuyển gia cầm, các sản phẩm gia cầm từ bên kia biên giới về Việt Nam dưới mọi hình thức, kể cả là quà biếu tặng giữa cư dân biên giới.
Bình luận (0)