Đến khách sạn, quán ăn giao chìa khóa xe cho nhân viên: Liên lụy có thể vào tù

12/07/2017 12:44 GMT+7

Nhiều người Việt khi vào các quán cà phê, nhà hàng, khách sạn thường đưa chìa khóa xe cho nhân viên, bảo vệ đi gửi. Thói quen này tưởng chừng như bình thường nhưng thực ra chủ xe có thể bị liên lụy. Vụ TNGT nghiêm trọng mới đây ở xảy ra ở Phú Nhuận khiến ai cũng giật mình.

Nhiều người Việt khi vào các quán cà phê, nhà hàng, hoặc các khách sạn khi đi du lịch gia đình thường đưa chìa khóa ô tô cho nhân viên giữ xe hay bảo vệ để họ di chuyển xe đến bãi hoặc đến điểm được phép đậu.
Thói quen này tưởng chừng như đơn giản nhưng việc chủ xe giao xe cho một người mà không biết họ có đủ điều kiện lái xe tại thời điểm đó hay không thì chủ xe có thể bị phạt tù nếu xảy ra sự cố.
Mới đây, tại ngã tư đường Hoa Lan giao với Hoa Phượng (quận Phú Nhuận, TP.HCM) xảy ra một vụ va chạm giữa một ô tô với một taxi khiến tài xế taxi bị thương nặng, nữ hành khách trên taxi tử vong trên đường đi cấp cứu.
Trung tá Đoàn Thanh Hòa, cán bộ xử lý tai nạn giao thông quận Phú Nhuận cho biết thanh niên điều khiển xe ô tô xảy ra va chạm với taxi là nhân viên một khách sạn trên đường Hoa Sứ. Nhân viên này điều khiển xe của khách thuê phòng. Hiện cơ quan chức năng đang tiếp tục điều tra để làm rõ nguyên nhân vụ tai nạn.
Qua vụ việc nhiều câu hỏi được bạn đọc đặt ra là: xảy ra sự việc nghiêm trọng như vậy thì chủ xe, chủ khách sạn có liên quan gì không, có phải chịu trách nhiệm dù có thể anh nhân viên này tự ý lấy xe lái đi? Nữ hành khách đi trên taxi tử vong có được hỗ trợ, bồi thường, do ai bồi thường hay không?
Thói quen giao chìa khóa xe
Luật sư (LS) Nguyễn Đức Chánh (Đoàn LS TP.HCM) nhận định, trong vụ việc này có 2 trường hợp có thể xảy ra:
1. Trường hợp nhân viên khách sạn tự ý lấy xe của khách hàng thì người đang chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ (ở đây là xe ô tô) trái pháp luật phải bồi thường thiệt hại.
Khi chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ có lỗi trong việc để nguồn nguy hiểm cao độ bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì phải liên đới bồi thường thiệt hại”.
Thói quen giao chìa khóa xe cho nhân viên khách sạn, nhà hàng của nhiều người Việt là rất nguy hiểm Ảnh: Shutterstock
Như vậy, nếu chứng minh được chủ xe đã tuân thủ đầy đủ các nghĩa vụ trong việc bảo quản, trông giữ, vận chuyển, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ theo quy định của pháp luật hoặc thiệt hại xảy ra do lỗi cố ý của người bị thiệt hại hoặc do sự kiện bất khả kháng, tình thế cấp thiết thì chủ xe không có nghĩa vụ phải bồi thường. Nhưng nếu chủ xe có lỗi trong việc để xe ô tô bị chiếm hữu sử dụng trái pháp luật thì phải liên đới bồi thường thiệt hại.
2. Trong trường hợp chủ xe giao xe cho nhân viên khách sạn thì:
- Người nào điều động hoặc giao cho người không có giấy phép hoặc bằng lái xe hoặc không đủ các điều kiện khác theo quy định của pháp luật điều khiển các phương tiện giao thông đường bộ gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe, tài sản của người khác, thì bị phạt tiền từ 3 triệu - 30 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 - 3 năm.
- Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 2 - 7 năm.
- Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 5 - 12 năm
- Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 - 5 năm.
Khoản 1 Điều 5 Thông tư liên tịch 09/2013/TTLT-BCA-BQP-BTP-VKSNDTC-TANDTC: “Người không đủ các điều kiện khác theo quy định của pháp luật quy định tại Khoản 1 Điều 205 Bộ luật hình sự là người không am hiểu các quy định về trật tự, an toàn giao thông đường bộ; người không đủ sức khỏe, độ tuổi để điều khiển phương tiện; người do tình trạng sức khỏe không thể tự chủ điều khiển được tốc độ; người đang trong tình trạng say do sử dụng ma túy, rượu, bia hoặc các chất mà sau khi sử dụng có biểu hiện say như người sử dụng ma túy, rượu, bia.”
Như vậy, nếu chủ xe giao xe cho nhân viên khách sạn và gây hậu quả như vụ việc đã thông tin thì chủ xe có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự trong trường hợp vào thời điểm giao xe, chủ xe giao xe cho người mà biết rõ không có giấy phép lái xe hoặc có căn cứ việc chủ xe giao xe cho người đang trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định, có sử dụng chất ma túy, chất kích thích mạnh khác.
Về trách nhiệm dân sự, chủ sở hữu chiếc xe phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại do sau vụ tai nạn; nếu chủ xe đã giao cho người khác chiếm hữu, sử dụng thì người này phải bồi thường, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
Hành khách đi trên taxi có được bảo hiểm?
Cũng theo LS Nguyễn Đức Chánh, khi tài xế taxi chở hành khách gây tai nạn làm tổn hại đến sức khỏe và tính mạng của hành khách thì giữa họ đã phát sinh quan hệ hợp đồng vận chuyển hành khách.
Theo quy định tại Điều 528 Bộ Luật dân sự năm 2015 thì trường hợp tính mạng, sức khỏe và hành lý của hành khách bị thiệt hại thì bên vận chuyển phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Mức bồi thường thiệt hại được quy định tại Điều 590 Bộ luật dân sự năm 2015 như sau: thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm bao gồm:
Hành khách đi trên xe taxi xảy ra tai nạn sẽ được hãng bồi thường thiệt hại Ảnh: Lê Trường
- Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại;
- Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại;
- Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần phải có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại;
- Thiệt hại khác do luật quy định.
Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp sức khỏe của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có sức khỏe bị xâm phạm không quá năm mươi lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.
Nữ nạn nhân có khả năng được bảo hiểm bồi thường 100 triệu đồng. Đó là thông tin do ông Lê Văn Lý, Trưởng phòng Marketing công ty taxi Vinasun trao đổi với báo Thanh Niên ngày 11.7.
Chủ khách sạn có vô can?
LS Đỗ Ngọc Thanh (Đoàn LS TP.HCM) cho rằng trong vụ tai nạn do nhân viên khách sạn lấy xe của khách đến thuê phòng điều khiển rồi xảy ra tai nạn tại Phú Nhuận vừa qua cần xác định được quan hệ giữa chủ khách sạn và nhân viên: nhân viên này được khách sạn phân công làm công việc gì? Khách tự đưa xe cho nhân viên hay nhân viên tự ý lấy?
“Ngoài chủ xe phải chịu trách nhiệm (nếu có) thì chủ khách sạn cũng phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại, sau đó nhân viên sẽ có nghĩa vụ với chủ khách sạn về việc gây ra thiệt hại.
Trường hợp nhân viên được chủ khách sạn giao nhiệm vụ trông giữ, sắp xếp xe và trong quá trình này xảy ra vụ tai nạn thì chủ khách sạn phải bồi thường. Còn trường hợp nhân viên tự ý lấy xe đi chơi, ngoài phạm vi công việc được giao thì chủ khách sạn không phải chịu trách nhiệm”, LS Thanh nêu quan điểm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.