Hành trình khám phá Peru của chúng tôi bắt đầu với chuyến bay lúc 5 giờ sáng đến Cosco - thủ phủ của đế chế Inca, nằm ở phía đông nam Peru.
Đến Machu Picchu, nhìn những vách đá này mới cảm nhận sự vĩ đại của bàn tay con người
|
Từ Cosco, chúng tôi chọn tàu hỏa để đến thị trấn Aguas Calientes. Trong cái rét tê người, Aguas Calientes khá giống Sapa của VN. Những con phố nhỏ, ngoằn ngoèo, khúc khuỷu, nghiêng theo độ cao của sườn núi đổ xuống con phố chính nằm dọc sông Urumbamba. Điều khác biệt là, toàn bộ quy hoạch của thị trấn Calientes và Machu Picchu ngày nay được giữ gần như nguyên vẹn sắp xếp khởi thủy của người Inca (1438-1463).
Quy hoạch ngăn nắp đến mức kỳ lạ: Khu nông nghiệp gồm hàng trăm thửa ruộng bậc thang nằm ở triền núi phía đông nam cùng với các nhà kho và các nghĩa trang. Khu đô thị hay còn gọi là khu kỹ nghệ nằm về phía đông bắc với các đền thờ, dinh thự của thầy tư tế, của hoàng gia, các học giả và những dãy nhà công xưởng hay học viện. Cổng chính của thành phố đặt nơi cao nhất nằm giữa hai khu nông nghiệp và công nghiệp, và đền thờ Mặt Trời - trung tâm tín ngưỡng của người Inca - nằm cạnh cung phòng của vị công chúa đối diện với quảng trường thành phố.
Từ Calientes, du khách có thể chọn 25 phút đi xe buýt (giá vé chừng 200 nghìn đồng) hoặc leo bộ lên kỳ quan Machu Picchu mất chừng 2 tiếng. Đoạn đường không dài, nhưng chênh lệch độ cao tới 600m nên cách nào cũng thử thách lòng người.
Đa phần các đoàn khách châu Âu chọn cách leo bộ. Chúng tôi thuê Anfred – anh chàng 26 tuổi có gương mặt người da đỏ điển hình dẫn đường. Anfred nói rằng, ở đây có một hiệp hội tour guide với khoảng 40 người. Họ đều từ Cosco đến và đều biết nhau rất rõ. Hoàn toàn không có cảnh chèo kéo, tranh giành khách.
Thành phố thánh địa nằm trên núi cao sừng sững 2.350m. Mặt đông nhìn xuống dòng sông, hai bên án ngữ bởi hai ngọn núi Huayna Picchu 2.667m ở mạn bắc và Inti Punku 2.650m ở mạn nam. Toàn bộ quần thể được vây bọc tứ bề bởi hệ thống núi non trùng trùng điệp điệp, vươn cao từ 4.000 đến trên 6.000 m. Cảnh tượng mở ra trước mắt khi đứng ở khu thánh địa: phía trên là bầu trời xanh thăm thẳm, xung quanh là những dãy núi hùng vĩ bao quanh, phía dưới là vực sâu rợn người...
Mỗi ngày Chính phủ Peru chỉ cho phép 2.000 người thăm Machu Picchu
|
Alfred đọc cho tôi một đoạn trong cuốn sách của nhà khảo cổ học người Mỹ Hiram Bingham, người có công phát hiện ra Machu Picchu năm 1911: "Chúng tôi đang mở lối xuyên rừng nguyên sinh... Bất thình lình, trước mặt tôi là một bức tường rêu phong cổ kính, dựng nên từ những tảng đá gia công tỉ mỉ của người Inca. Sau khi ước lượng mỗi khối đá khổng lồ ấy nặng khoảng 10 -15 tấn, tôi không thể tin vào mắt mình".
Machu Picchu được mô tả như "một kiệt tác kiến trúc tuyệt vời và là một chứng ngôn độc đáo của nền văn minh Inca”. Nó được xây dựng theo phong cách cổ điển của người Inca, gồm các bức tường đá khô không dùng vữa. Nhiều mối nối hoàn hảo đến mức thậm chí không thể lách một lưỡi dao vào giữa các phiến đá.
Vé vào cổng di tích khá đắt (khoảng 900.000 đồng) nhưng không phải muốn mua là được. Mỗi ngày, chính quyền chỉ cho phép khoảng 2.000 du khách đến Machu Picchu vì lo ngại di tích có thể xuống cấp nếu tiếp một lượng du khách quá lớn. Đưa hộ chiếu cho một cô gái Peru trong trang phục truyền thống, cô cầm con dấu có hình ngọn núi thiêng Huayna Picchu (biểu tượng của Machu Picchu) đóng vào hộ chiếu làm kỷ niệm và nói “Chúc mừng bạn VN đến Machu Picchu, thành phố của người Inca”. Chỉ một con dấu nhỏ, một câu nói đơn giản vậy mà làm cho tất cả chúng tôi bồi hồi.
Bình luận (0)