Đến Philly nghe chuyện lịch sử Mỹ

14/01/2018 09:06 GMT+7

Trong chuyến thăm nước Mỹ lần này, tôi quyết định quay lại cố đô Philadelphia nước Mỹ chỉ vì một chữ - yêu.

Tôi bắt chuyến xe của Hãng Megabus với giá 7,75 USD từ thủ đô Washington D.C, đi ngược về phía bắc. Chuyến xe dài 3 tiếng 20 phút rất thú vị với những câu chuyện vui nhộn của bác tài xế da màu.
Với tôi, Philadelphia không quá to nhưng cũng không quá nhỏ, đủ “vừa vặn” để tôi thả bộ trên những con đường cổ kính và thỉnh thoảng thì thào chuyện trò cùng chúng. Philadelphia không quá ồn ào như một New York rộng lớn hay một Washington D.C đạo mạo về chính trị. 8 giờ đêm là đường phố im ắng đôi khi đến cô độc dưới những bước chân từ quãng đường Tòa thị chính về lại đường Cherry.
Philadelphia, được gọi tắt là Philly, yên ả thanh bình trong những vòng quay bánh xe đạp của đội an ninh tuần hành bảo vệ thành phố. Người Mỹ gọi Philadelphia là thành phố màu đỏ bởi những viên gạch xây dựng các công trình hay những bờ tường nhà là biểu tượng của kiến trúc thịnh hành “Red Brick” của người châu Âu vào đầu thế kỷ 18. Tôi lại thích gọi Philadelphia là thành phố của kiến trúc Georgian. Bởi ngọn tháp của các công trình trong phố cổ đều mang màu đặc trưng trắng - đỏ của người Anh thế kỷ 18.
Là trung tâm thương mại lớn nhất nước Mỹ cuối thời kỳ Trung cổ, Philadelphia là điểm đến của đoàn người viễn xứ đến đây lập nghiệp. Kiến trúc Federal của Đức hay kiến trúc Empire của Pháp được những người xa quê mang đến Philadelphia trong nỗi nhớ khoắc khoải về đất mẹ.
Nhiều người nói với tôi rằng, mỗi một góc đường trong khu phố cổ ở Philadelphia đều mang hơi thở lịch sử. Và nhà nghỉ nơi tôi ở đường Cheery cũng thế. Ngôi nhà có một căn phòng từng là nơi cất giấu quả chuông Tự do khi người Anh truy tìm để đập vỡ nó.
Mỗi con đường ở Philadelphia đều mang những câu chuyện lịch sử với những ghi chú nho nhỏ dưới bảng tên khiến tôi luôn dừng lại để đọc và khám phá. Chỗ này là khu nghĩa địa dành cho những vị cha xứ từ ngày đầu đến truyền giáo và đóng góp trong công cuộc khai sinh nước Mỹ năm 1776; rồi công viên nhỏ nơi tầng lớp trí thức tụ tập ký vào bản hiệp ước tuyên bố tự do; nơi mua bán nô lệ với những quả chuông đồng màu xanh đã rỉ sét màu thời gian; ở một góc khác là nhà máy in tiền, thị trường chứng khoán đầu tiên của Mỹ… Các vết tích văn hóa mà người Mỹ cần bảo tồn, Philadelphia đã chiếm con số 67.
Đến Philly nghe chuyện lịch sử Mỹ1
Mỗi con đường, mỗi góc phố ở Philly đều là những chứng nhân sống động của lịch sử Ảnh: Nguyễn Chí Linh
Khi hỏi người bản địa con đường nào xưa nhất ở cố đô, họ chỉ tôi đến con đường hẹp tên Alfreth.Thuở xưa, Alfreth là con đường dành cho những thương gia trao đổi các mặt hàng quý hiếm của vùng đất Bắc Mỹ như thiết bị đóng tàu, da thú, kim loại và tơ lụa.
Người Philadelphia gọi Alfreth là “Alley” nghĩa là “nhỏ hẹp” bởi độ rộng của con đường chỉ độ chừng 2,5 m. Mỗi lần ghé lại Philadelphia, tôi luôn tìm đến quán Old City trên đường Alley để thưởng thức cà phê và ngắm phố xá. Nằm giữa đường số 2 và đường North Front, 32 ngôi nhà với những bờ tường đá rêu phong được xây dựng từ năm 1728 đến 1836 là nhân chứng lịch sử có thật của Philly.
Quả chuông Tự do với vết nứt sâu dài đã nằm ngủ yên trong tòa nhà Độc Lập sau khi nó gióng lên âm thanh trầm ấm, ngân nga, dõng dạc vào ngày 4.7.1776. Hằng ngày có biết bao du khách xếp hàng nối tiếp để mong được một lần nhìn thấy nó.
Sương chiều của những ngày đầu xuân đã xuống nhiều hơn. Trong âm thanh miên viễn của tiếng chuông từ thánh đường Christ được xây dựng từ năm 1695, người Philadelphia kể rằng: “Đó là một trong những nhà thờ xưa nhất của nước Mỹ và âm thanh réo rắt của quả chuông đã từng đưa tiễn linh hồn vị Tổng thống đầu tiên của nước Mỹ George Washington về miền gió cát”.
Người Philadelphia luôn gọi thành phố của mình bằng những cái tên trìu mến như Philly hay Philos mà ý nghĩa của các cụm từ ấy là “love” (tình yêu) hay “friendship” (tình hữu nghị). Với tôi, đơn giản là Philly!
Hoa anh đào ở Philly
Đến Philly nghe chuyện lịch sử Mỹ2
Ở Philadelphia, thành phố lớn nhất của tiểu bang Pennsylvania, hoa anh đào mang sắc thái khác hẳn hoa anh đào ở thủ đô của Mỹ. Để kết nối tình hữu nghị Á - Mỹ, ngày 6.1.1910 một chiếc tàu chở 2.000 gốc hoa anh đào từ Tokyo đã cập cảng Washington, D.C. Vì sự kiểm dịch quá nghiêm ngặt của Mỹ nên 65% gốc hoa anh đào bị thiêu hủy và 35% gốc hoa anh đào đã qua kiểm dịch được đem trồng ở Phildelphia trong khu vườn Sabaru. Hoa anh đào ở D.C ngày nay hầu hết là giống Afterglow (lai tạo giữa giống Prunus và Yedoensis) nên cánh mỏng tang có màu trắng hoặc giống Yoshino có màu trắng hồng. Trong khi đó 700 gốc anh đào ở Philly sống sót qua đợt kiểm dịch là giống Takesimensis, Kwanzan và Usuzumi cùng có màu hồng đậm với nhiều cánh dày xếp lên nhau thật đẹp.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.