Đi 'săn' lộc trời ở nơi người dân dành tiền mua lạch chứ không mua vàng

25/11/2017 13:02 GMT+7

Mỗi năm một lần, khi lũ đầu mùa xuất hiện trên hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn (Quảng Nam), con lạch nguồn (nhiều nơi gọi con lịch) ùn ùn kéo nhau xuôi dòng ra biển đẻ trứng.

Với những gia đình ngư dân như ông Nguyễn Trước (còn gọi là Hai Trước) ở thôn Trung Hà, xã Cẩm Kim (TP.Hội An, Quảng Nam), đây chính là lộc của trời tặng những người làm nghề đánh bắt thủy sản vào dịp cuối năm để dành dụm sắm mua khi mùa đông đến...
Dành tiền mua lạch chứ không mua vàng
Viagra tự nhiên
Lạch nguồn được người dân Hội An chế biến thành nhiều món ăn dân dã nhưng không kém phần cầu kỳ, đặc sắc. Như món lạch cách thủy chấm với muối ớt xanh; ram lạch (lạch cắt khúc cuốn với bánh tráng và vài cọng hành để nguyên củ, thêm ít nấm...); lạch xào lá nghệ, lạch nướng mọi, lạch nấu cháo... Dù chế biến theo cách nào, người dân cũng không bỏ đầu, bỏ đuôi, không làm ruột vì trứng lạch dày đặc và tốt nhất là ăn luôn xương, vì rất mềm. Các món ăn chế biến từ lạch được nhiều người kháo nhau là Viagra tự nhiên.
6 giờ sáng. Chợ chồm hổm ở ngã tư Bưu điện xã Cẩm Kim nhộn nhịp khác thường. Gọi là chợ cho sang, chứ thật ra chỉ có chừng 3 - 4 người bán tận dụng nơi đông người qua lại rồi bày ra vài cái thau nhựa, thùng xốp bên trong đựng lạch mới bắt đêm qua kèm theo vài mớ tôm, tép.
Chợ này chỉ họp 1 lần trong năm, chuyên bán... lạch, vậy thôi. Hết lạch, chợ tan. Vì vậy, người dân ở Cẩm Kim và các xã, phường lân cận của TP.Hội An, thậm chí người dân ở TX.Điện Bàn, H.Duy Xuyên... muốn ăn “của trời cho” phải dậy thật sớm đến chợ. Ai nấn ná, trù trừ coi như năm đó... mất ăn.
Tôi ngồi ở quán cà phê đối diện chợ quan sát kẻ bán, người mua nói cười rôm rả về lạch. “Lạch ngày hôm trước khi nước vừa về là lạch... dò đường, xương cứng ngắc mà bụng không có trứng. Còn lạch hôm nay mới ngon, sạch sẽ, mình căng đầy trứng nhưng xương mềm xèo”, chị Trang, một người bán lạch quảng cáo. Không biết có phải vì lời quảng cáo ngọt ngào của chị Trang mà chợ lạch đông hẳn.
Đa phần là các chị, xúm xít tưng bừng, người mua nửa ký, người dốc túi cố lấy cho được vài lạng, rồi tất tả đứng dậy ra về nghe chiều tâm đắc. Quả nhiên, 8 giờ, chợ lạch đóng cửa nghỉ thật. Hết lạch để bán, coi như kết thúc một năm...
Năm nay, nói theo ngôn ngữ của bà con làm nghề sông nước nơi cuối nguồn Vu Gia - Thu Bồn, là lũ đầu mùa quá “hỗn” (ý chỉ nước lớn nhanh, chảy mạnh trong thời gian ngắn), nên việc đánh bắt lạch nguồn không đạt như mong muốn. Vì vậy, giá lạch tăng cao, lạch bán tại chợ tới 320.000 - 350.000 đồng/kg loại to bằng đầu chiếc đũa; còn 400.000 - 500.000 đồng/kg loại to hơn ngón tay út một chút. Anh Tr., nhà ở thôn Trung Hà, xã Cẩm Kim, tranh thủ mua liền 10 kg. Hỏi sao ăn cho hết, anh cười: “Mua để còn gửi vô Sài Gòn làm quà cho anh em. Tính ra, tui mua lạch hết chỉ vàng. Nhưng trong năm, vàng và nhiều thứ khác có thể mua, chớ lạch nguồn này không mua ngay thì... không có cơ hội”.
Anh Tạ, anh Bình, anh Vương, anh Phúc ở Cẩm Kim cũng tranh thủ gom mỗi người vài ký đóng thùng, ướp đá gửi cho bà con. “Cái món này kỳ lắm, gửi cho người này mà quên gửi người kia coi như cả năm đó bị phàn nàn, quở trách. Có nhà anh em từ mặt nhau cũng vì gửi biếu lạch mà sót tên”.
Đi “săn” lộc trời: Đón lạch trong lũ
Con lạch nguồn
Chuẩn bị cả năm, làm trong vài giờ
Trong căn nhà nhỏ ở thôn Trung Hà, gia đình ông Phạm Bơi đang vá lại tấm nghề (tấm lưới dùng để bắt lạch). Rạng sáng 2.11, khi nước lũ trên thượng nguồn Vu Gia - Thu Bồn đổ dồn về Cửa Đại, gia đình ông Bơi mang tấm nghề thả xuống sông đón lõng lạch nguồn. Mới thu được vài chục ký lạch thì bất ngờ tấm nghề bị vướng cây xé toạc cuốn theo bao nhiêu công sức của cả nhà. “Năm nay duyên của mình chỉ nhận được vậy. Tiếc cái công chuẩn bị cả năm trời mà sự cố xảy ra vài giây sao trở tay kịp”, ông Phạm Bơi tiếc rẻ...
Trong khi đó, “vua săn lạch nguồn” Hai Trước, với 6 tấm nghề cũng chỉ bắt được 75 kg lạch trong đêm 2.11. Dù vậy, song bà Trần Thị Duyên, vợ ông Trước, vẫn tươi cười: “75 kg nhưng cũng đứng đầu xã này rồi. Năm kia (năm 2015 - PV), gia đình tui bắt được 1 tấn lạch nguồn, bán được gần 100 triệu đồng”. Rồi bà lại than: “Ui, cái nghề này nó cũng khó nhọc lắm, chớ không dễ kiếm tiền như nhiều người nghĩ”. Ông Hai Trước như trúng ý, thêm liền: “Cả năm trời chuẩn bị cọc, phải là cọc gỗ kiền kiền mới chịu nổi con nước, rồi lưới nghề phải chăm chút vá dặm, sắm mới. Tới khi mưa gió, phải cất công nghe dự báo thời tiết, nhắn nhủ anh em ở thượng nguồn “có nước trên báo động 1” phải điện thoại gấp để dưới này chuẩn bị giăng lưới...”.
Ông Hai Trước cho biết lạch nguồn xuôi con nước lũ ra cửa biển đẻ trứng rất tinh nhanh, không dễ bắt, nên để “hốt trọn ổ” phải chọn thời điểm sóng nước phù hợp. Những yếu tố đó, theo ông Hai Trước, bao gồm: Gió phải đủ mạnh để sóng dâng “hàn cửa biển”, hạn chế nước trên nguồn tuôn hết ra biển lớn; nước trên thượng nguồn đổ về không quá mạnh, không quá nhiều khiến lạch bị cuốn trôi quá nhanh, hoặc bị phân tán khắp mặt sông. Vì vậy, với hơn 40 năm trong nghề, ông Hai Trước cho rằng yếu tố “giành thắng lợi” là kinh nghiệm nắm bắt con nước đổ từ thượng nguồn về. Nếu nước quá “hỗn” thì giăng lưới gần bờ, nhưng rủi ro cũng lớn gấp bội vì lưới dễ rách do có nhiều vật cản, tiền triệu đầu tư coi như đi tong... “Bạn nghề cũng cực kỳ quan trọng. Khi đã nắm chắc con nước, thời điểm lạch nguồn về nhiều, tui phải điện thoại nhắc chừng bạn nghề “nhịn rượu” cả ngày để có sức mà ra sông kéo lưới, chớ lớ quớ ra sông ra nước là tiêu ngay!”, ông Hai Trước nói.
Lũ đầu mùa năm nay, lạch nguồn kéo về đúng tầm 24 giờ ngày 1.11 và gia đình ông làm đến 4 giờ ngày 2.11 thì... nghỉ. Hỏi nguyên nhân chấm dứt mùa lạch sớm, ông Hai Trước nói nhẹ: “Trời cho vậy thôi, cố làm gì!”.
Mùa đánh bắt lạch nguồn kết thúc sớm hơn dự kiến. Cũng như nhiều gia đình mưu sinh trên sông nước khác ở Cẩm Kim, gia đình ông Hai Trước thu lưới về nhà, treo lên giàn phơi, chuẩn bị cho mùa bắt lạch năm sau với mong ước “trời sẽ cho nhiều hơn trong năm tới!”.

tin liên quan

Xóm chài trên hồ Sê San
Giữa lòng hồ Sê San 4 (H.Ia H’Drai, Kon Tum) mênh mông gần biên giới Lào, Campuchia có một xóm chài nhỏ với hàng chục chiếc bè gỗ lặng lẽ bập bềnh, đơn độc...
Chưa biết lạch từ đâu ra
Lạch nguồn có màu nâu đất, bụng trắng, giống con lươn, xuất hiện dày đặc vào đợt lũ đầu tiên trong năm. Khác với cá hồi thường ngược dòng để về thượng nguồn sinh sản; con lạch lại chọn hành trình ngược: xuôi dòng khi lũ lên để ra biển đẻ trứng, sinh con! Đến bây giờ nhiều người dân, kể cả những người đánh bắt lạch ở Hội An vẫn chưa lý giải thấu đáo xuất xứ của con lạch. Họ gọi là lạch nguồn vì có giả thuyết cho rằng con lạch này sống tại các bãi cát ven những con suối ở thượng nguồn sông Vu Gia - Thu Bồn. Đến khi mưa to, theo lũ thượng nguồn xuôi về biển đẻ trứng, rồi lại ngược dòng về những bãi cát ven sông sinh sống cho đến cuối đời. Cũng có người cho rằng, con lạch sống ở các bãi cát đoạn gần cuối nguồn sông Thu Bồn, nơi chuẩn bị đổ ra Biển Đông từ Cửa Đại.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.