Đừng nghĩ 'rau mầm' là an toàn và sạch

28/08/2016 10:51 GMT+7

Để có rau sạch trong bữa ăn, hiện nay phong trào trồng rau tại nhà nở rộ khắp mọi nơi, nhất là việc tự trồng rau mầm dinh dưỡng.

Tuy nhiên, việc trồng sai cách rất dễ dẫn đến hậu quả rau bổ lại thành rau độc.
Theo tiến sĩ Nguyễn Đăng Nghĩa - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và tư vấn nông nghiệp nhiệt đới: "Hiện nhiều người đang sử dụng hạt giống sai mục đích, tức là dùng hạt giống rau lớn để trồng rau mầm, trồng tại vùng đất ô nhiễm, sử dụng phân bón không rõ nguồn gốc... dẫn đến nguy cơ nhiễm độc".
Hạt giống “trần”
Người trồng rau tại nhà phổ biến chọn rau mầm (cây có 1 - 2 lá mầm, cao chừng vài cen ti mét với số ngày sinh trưởng 3 - 7 ngày) vì dễ trồng, ăn nhanh, không tốn diện tích và đặc biệt để lâu không hư.
Về vấn đề này, chị Nguyễn Thanh Hà (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) cho biết trong một lần chuyển nhà, thấy bịch hạt giống rau cải mầm đã khui miệng cách đây hơn hai năm vẫn chưa xài hết, số hạt giống vẫn còn nguyên vẹn, không hề bị mối mọt nên chị đem trồng thử. Chị không ngờ hạt giống vẫn nảy mầm tốt, xanh non mơn mởn. Tìm lại bao bì thì thấy hạn sử dụng rau cải mầm này là 2 năm nhưng điều kiện nhà sản xuất đưa ra là: sản phẩm có giá trị khi bao bì còn nguyên vẹn, phải bảo quản nơi khô ráo, thoáng mát.
Chị Hà thắc mắc, sản phẩm bị quăng trong góc tủ ẩm thấp, miệng bao bì không được đóng kín, tại sao hạt không bị mối mọt, lại nảy mầm rất đều? Chị chụp hình đưa lên Facebook khoe, rất nhiều bạn bè vào chia sẻ cho biết cũng gặp trường hợp tương tự.
Chúng tôi tìm đến cửa hàng T.M (đường Dương Công Khi, H.Hóc Môn, TP.HCM) để tìm hiểu về vấn đề này. Hạt giống tại đây có đủ các nước Thái Lan, Mỹ, New Zealand, Úc, Ý, Trung Quốc, VN; sản phẩm đóng gói có giá 15.000 đồng/gói (1 gr), còn hạt giống “trần” (không nhãn mác, không bao bì, bán dạng xả) rẻ hơn, giá 8.000 - 10.000 đồng/gr; nếu mua bao sẽ có giá rẻ hơn từ 700.000 - 800.000 đồng/bao loại 50 kg.
Ông M. chủ cửa hàng cho biết: “Giống “trần” này cũng đủ xuất xứ, nhưng nếu của Thái Lan, Úc thì hạt nảy mầm kém, còn của Trung Quốc thì nảy mầm rất đều, lại để được lâu nên bà con trồng rau với diện tích lớn thường chuộng giống “trần” Trung Quốc. Nếu muốn ăn rau lớn thì để dài ngày, muốn ăn rau nhỏ thì khoảng một tuần là thu hoạch được”.
Mối nguy từ 'rau mầm' 2
Nguy hiểm khôn lường
Theo tiến sĩ Nguyễn Đăng Nghĩa, hạt giống rau mầm là loại đặc biệt, được sản xuất sao cho tỷ lệ nảy mầm sớm nên hạn sử dụng thấp, chỉ khoảng 6 tháng, phải đảm bảo không có chất bảo quản. Và hạt giống rau mầm cần được bảo quản nghiêm ngặt, phải để trong kho lạnh, nhiệt độ thấp.
Hạt giống trồng rau lớn khi đưa ra thị trường thường phải dùng chất bảo quản như metalaxyl - một dạng thuốc trừ sâu để chống mốc, mối mọt. Việc sử dụng hạt giống được tẩm thuốc bảo quản không có vấn đề gì vì khi được trồng dài ngày trong điều kiện đủ ánh sáng, môi trường tự nhiên thì thuốc này đã bị phân hủy, không tác động đến cây trồng.
Cụ thể, ở điều kiện đồng ruộng, metalaxyl bán phân hủy trong đất từ 7 - 170 ngày. Trồng trên đất ẩm ướt, chu kỳ bán phân hủy khoảng 70 ngày nhưng nếu cường độ ánh sáng mạnh, sự phân hủy của metalaxyl trong đất nhanh hơn. Trồng trên đất cát, metalaxyl phân hủy khá nhanh nhưng nếu bón thêm phân hữu cơ trong lúc trồng sẽ kéo dài thời gian phân hủy.
Như vậy mới thấy, nếu sử dụng hạt giống rau lớn có chứa chất bảo quản làm rau mầm sẽ rất nguy hại bởi rau được trồng trong điều kiện ẩm, thiếu ánh sáng, thu hoạch trong thời gian ngắn (5 - 7 ngày) thì thuốc không thể phân hủy được. Metalaxyl được xếp vào nhóm độc 2, dễ gây kích ứng mắt, tác động kích thích mắt, ăn nhiều chất này sẽ gây ngộ độc mãn tính, có nguy cơ ung thư.
Vì thế, việc người tiêu dùng trồng rau tại nhà là tốt nhưng cần quan tâm khi chọn hạt giống, phải có nguồn gốc rõ ràng, nếu là hạt giống rau mầm của VN thì phải xem trên bao bì có chất bảo quản hay không, nếu ghi: “Có chất bảo quản, không được ăn”, người tiêu dùng tuyệt đối không được chọn sản phẩm này làm rau mầm. Không nên mua giống cây trồng được nhập lậu từ Trung Quốc không có hướng dẫn sử dụng tiếng Việt.
Ngoài ra, tiến sĩ Nguyễn Đăng Nghĩa cho biết trong thời gian qua đã có những trường hợp ngộ độc rau mầm đến từ chính đặc tính sinh học của hạt giống, nên lời khuyên là không ăn rau mầm từ khoai tây, các loại dưa dây vì có chứa độc chất alkaloid solanine; đậu ván, đậu mèo, đậu kiếm, đậu trứng chim cũng có hàm lượng lớn glucozid sinh a xít cyanhydric giống như trong măng và sắn.
Có thể dùng hạt đậu nành (đậu tương), trồng lấy hạt hoặc lấy giá (mầm); dùng hạt cải củ trồng lấy củ làm rau, ăn rau non hoặc rau mầm. Và các loại hạt giống này phải được quản lý chất lượng theo quy định nhà nước, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.