Giá trị thúc đẩy thương hiệu du lịch quốc gia

Trinh Nguyễn
Trinh Nguyễn
03/03/2019 08:46 GMT+7

Theo TS Nguyễn Thu Thủy, Khoa Du lịch, ĐH KHXH-NV, ĐH Quốc gia Hà Nội (ảnh), ẩm thực là thế mạnh nên chọn để thúc đẩy thương hiệu du lịch quốc gia VN.

Bà đánh giá thế nào về việc quảng bá ẩm thực trong thời gian Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều vừa qua?
       Ảnh: NVCC
Có thể thấy rõ là trong hội nghị này ẩm thực Hà Nội được quảng bá nhiều nhất. Chúng ta có thể thấy truyền thông nhắc tới phở, cà phê trứng, bún thang…
An toàn, thân thiện, ẩm thực tuyệt vời là những gì được truyền thông nhắc tới nhiều trong những ngày qua về Hà Nội, về VN. Bà nghĩ thế nào về những giá trị này trên con đường phát triển thương hiệu quốc gia?
Theo báo cáo năm 2017 về thương hiệu du lịch quốc gia của Công ty tư vấn Bloom, VN đứng thứ 15 châu Á, thứ 47 thế giới. Các tiêu chí đánh giá gồm: chiến lược phát triển thương hiệu quốc gia, đóng góp của du lịch cho nền kinh tế, nhu cầu tìm kiếm thương hiệu của người dùng trên kênh trực tuyến và sự hiện diện của thương hiệu trên kênh trực tuyến. Báo cáo của Brand Finance lại cho thấy giá trị thương hiệu của VN năm 2018 tăng 16% so với năm 2017, đứng thứ 43/100, năm 2017 tăng 43% so với 2016, đứng thứ 45/100.
Theo báo cáo của Future Brand 2015, các tiêu chí đánh giá thương hiệu quốc gia, góc độ di sản và du lịch, bao gồm: lịch sử, di sản văn hóa, phong cảnh thiên nhiên, giá dịch vụ xứng đáng với chất lượng, khu nghỉ dưỡng, cơ sở lưu trú, mức độ sẵn sàng lựa chọn điểm đến của du khách và ẩm thực.
Muốn trở thành thương hiệu được nhắc tới trên thế giới, VN có thể chọn một tiêu chí mình mạnh trong những tiêu chí đó và đẩy chất lượng cũng như quảng bá nó lên. Chúng ta chọn ẩm thực là một lựa chọn rất tốt.
Trong những ngày qua, với tần suất và cách thức xuất hiện trên truyền thông quốc tế, chúng ta đã cho thấy những ưu thế của an toàn, thân thiện và ẩm thực.
Về lâu dài, theo tôi, ngành du lịch có thể theo đuổi các giá trị thương hiệu VN là an toàn, thân thiện, ẩm thực, sự đa dạng. Trong đó, ẩm thực là điểm mà chúng ta có thể phát triển tốt và đang có thuận lợi. Còn để truyền thông về sự đa dạng, điều đó khó hơn vì nó cần một đội ngũ rất chuyên nghiệp.
Chúng ta đã lỡ cơ hội để sử dụng slogan Bếp của thế giới mà chuyên gia thương hiệu Philip Kotler khuyên nên dùng. Giờ chúng ta nên thế nào nếu vẫn muốn phát triển ẩm thực?
Khi ông Philip Kotler sang VN và nói tại sao VN không chọn hướng phát triển là bếp ăn của thế giới, mình đã không làm. Sau đó, Thái Lan đã lấy slogan này để phát triển du lịch. Nhưng việc đó đã lâu, cả chục năm rồi. Và bây giờ chúng ta có thể chọn một câu khác, nhưng đại ý vẫn nhấn vào việc chúng ta là bếp ăn thì vẫn được.
Quay lại Thái Lan, họ quảng bá ẩm thực không chỉ theo cách đơn thuần là khoe ẩm thực của mình tốt, mà còn hướng tới xuất khẩu hoa quả sấy khô. Nghĩa là nhân đó họ phát triển cả nông nghiệp sạch nữa. Họ bây giờ cũng là một thương hiệu mạnh trên thế giới về hoa quả sấy khô.
Vì thế, khi VN đẩy mạnh ẩm thực, chúng ta cũng nên có một chiến lược hoàn thiện, có những sản phẩm ẩm thực để khách có thể mang về làm quà.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.