Giác hơi phổ biến ở VN kỳ diệu gì mà VĐV Olympic dùng để giành HCV

11/08/2016 15:12 GMT+7

Không chỉ Michael Phelps, “cơn sốt” giác hơi quen thuộc ở Việt Nam đang “nở rộ” với các VĐV dự Olympic Rio 2016. Đây là phương pháp y học cổ truyền Việt Nam đã sử dụng rất lâu đời và phổ biến trong dân gian. Giác hơi có tác dụng gì?

Khi Michael Phelps về đích “đường đua xanh” để bước lên bục nhận chiếc HCV mới nhất – chiếc huy chương vàng thứ 21 trong sự nghiệp của mình, mọi người vẫn thấy trên vai và lưng siêu kình ngư các vết giác hơi.
Không chỉ Michael Phelps, “cơn sốt” giác hơi đang “nở rộ” với các VĐV ở làng thể thao Olympic Rio 2016.
Giác hơi: lưu thông khí huyết, giảm đau
Theo Phó GS, TS- BS Nguyễn Thị Bay, Chuyên khoa Y học cổ truyền, Bệnh viện ĐH Y dược TP.HCM: giác hơi là một phương pháp mà y học cổ truyền Việt Nam đã sử dụng rất lâu đời và phổ biến trong dân gian. Phương pháp này dựa trên nguyên lý hút chân không để tác động lên cơ thể.
Dụng cụ giác giác hơi là những bình thủy hoặc ống tre, có thể dùng lửa hơ đốt bên trong cho nóng, rồi úp lên người. Do chênh lệnh áp suất mà phần da sẽ được hút lên trong bình thủy tinh hoặc ống tre.
“Khi người ta vận động quá sức sẽ gây căng cơ, đau, tức, ứ. Theo y học cổ truyền, bị như vậy là do khí huyết bị tắt nghẽn, không lưu thông. Giác hơi là phương pháp giúp lưu thông khí huyết. Nhờ vậy sẽ giảm đau, tức, ứ, căng cơ”, bác sĩ Bay cho biết.
Những người lao động nặng, hoặc trong trường hợp của các VĐV thi đấu Olympic là vận động mạnh, liên tục, quá sức, sẽ bị đau, căng cơ như trên.
Y học hiện đại, Tây y gần đây cũng đã bắt đầu có những nghiên cứu để tìm hiểu về giác hơi và những công dụng của nó. Tuy nhiên, những nghiên cứu này không nhiều. Các nghiên cứu cũng thừa nhận tác dụng giảm đau cơ của giác hơi.
Bác sĩ Bay lý giải thêm: Ở dưới da có hệ thống các mao mạch, thần kinh và nhiều hệ thống khác. Bản thân khi chỉ cần tác động lên da với đôi bàn tay (như xoa bóp, mát-xa) cũng đã có thể kích thích những hệ thống này. Với giác hơi, dựa vào áp suất chân không thì các kích thích sẽ sâu và mạnh hơn.
“Về tác dụng tức thì, giác hơi có lợi cho việc giảm đau tức, ứ, căng cơ. Tuy nhiên, phương pháp này gây các vết bầm trên cơ thể (chỗ được giác hơi) do các mao mạch bị vỡ. Các vết bầm này phải qua một thời gian mới mất (chừng một vài ngày). Đó là quá trình phục hồi của mao mạch”, bác sĩ Bay nói.
Có lẽ vì sự hiệu nghiệm đặc biệt này mà giờ đây giới VĐV phương Tây đã bắt đầu tìm đến phương pháp y học này, trong đó tay bơi huyền thoại Michael Phelps đang sử dụng tích cực cách làm y học cổ truyền này.
Những điều không được làm khi giác hơi
Theo bác sĩ Bay, qua thời gian đã được áp dụng lâu đời trong dân gian thì giác hơi không gây hại gì. Tuy nhiên, có một số tác dụng phụ với những người có da nhạy cảm là có thể bị mẫn ngứa, phòng rộp da, phỏng do sức nóng của các ống giác hơi sau khi được dùng lửa hơ. Các vết phỏng có thể tạo bóng nước, gây nhiễm trùng.
Giác hơi đang "nở rộ" trong làng VĐV Olympic Rio 2016 - Ảnh: TWITTER
Về hậu quả lâu dài của giác hơi thì cần phải nghiên cứu thêm vì chưa biết việc giác hơi có gây tổn thương gì bên trong dưới da không.
“Thật sự thì để giảm đau cơ thì mát-xa, xoa bóp là tốt nhất”, bác sĩ Bay nhận định.
Đặc biệt, bác sĩ Bay cảnh báo, có một biến tướng của phương pháp giác hơi rất nguy hiểm là lễ (theo cách gọi của dân gian). Người ta dùng một đầu kim hay mảnh chai đâm/rạch trên da. Sau đó giác hơi để hút máu bầm ra và gọi đó là máu độc.
“Máu có màu thẩm này không phải là máu độc. Việc hút máu này rất nguy hiểm, gây nhiễm trùng và thậm chí có thể dẫn đến nhiễm trùng máu. Cần cấm việc giác lễ này, tuyệt đối người dân không nên làm”, bác sĩ Bay nhấn mạnh.
Ngoài ra, theo bác sĩ, khi chỉ định giác hơi, người được giác hơi phải ở tư thế hết sức thoải mái. Giác hơi ở những vùng cơ, thịt dày.
Một số người không được giác hơi như: người bệnh phù toàn thân; những người gầy, không có cơ bắp, xanh xao, ốm yếu, thiếu máu; người bệnh tiểu đường, thận, xơ gan cổ trướng.
Hiện tại, giác hơi vẫn có dùng trong các bệnh viện, khoa Y học cổ truyền có sự chỉ định của lương y, bác sĩ.
Theo NY Post, giác hơi đã được các ngôi sao Hollywood sử dụng như Gwyneth Paltrow và Jennifer Aniston. Sau đó, giác hơi đã trở thành xu hướng của đội vận động viên Mỹ tham dự Olympic.
Không chỉ siêu kình ngư Michael Phelps, VĐV thể dục nghệ thuật Alex Naddour (Mỹ) cũng chia sẻ giác hơi chính là bí mật giúp anh giảm đau nhức, căng thẳng.
Ngoài ra, theo Daily Mail, cũng sử dụng phương pháp giác hơi còn có đội trưởng đội thể dục Mỹ Chris Brooks, kình ngư Pavel Sankovich (người Belarus),…
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.