Giới kình ngư dự Olympic rầm rộ khoe ảnh giác hơi

09/08/2016 16:08 GMT+7

'Tôi đã tìm đến liệu pháp giác hơi trước kỳ thi đấu và hầu như ở mọi kỳ thi', ngôi sao bơi lội Michael Phelps tiết lộ bí quyết chiến thắng ở Olympic 2016.

Những ngày qua, xuất hiện và thi đấu ấn tượng tại Olympic 2016, kình ngư của Mỹ - Michael Phelps khiến nhiều người tò mò bởi những dấu tròn đỏ đầy bí ẩn xuất hiện quanh vùng bả vai.

Chia sẻ với USA Today, Michael Phelps cho biết vết thâm này là dấu tích của giác hơi, liệu pháp này đang giúp anh lấy lại sự hưng phấn cho cơ thể sau những giờ luyện tập đầy căng thẳng, mệt mỏi.

Tiết lộ này của kình ngư nổi tiếng nước Mỹ khiến nhiều người bất ngờ; bởi trước đây, người phương Tây từng xem giác hơi là phương pháp trị liệu cổ xưa, đầy rủi ro và chưa chứng minh được công dụng chữa trị trong y học hiện đại.
Michael Phelps, VĐV bơi lội Mỹ đoạt HCV Olympic 2016 mê mẩn liệu pháp giác hơi Ảnh chụp màn hình Instagram

Bỏ qua những quan điểm đó, không chỉ Michael Phelps mà nhiều vận động viên khác của Mỹ như Alex Naddour, Chris Brooks, Natalie Coughlin… hay Pavel Sankovich của Belarus, cũng rầm rộ đăng tải các bức ảnh với những vết thâm tròn lên mạng xã hội Instagram, để khoe với người hâm mộ về tác dụng thần kỳ của liệu pháp giác hơi.

Theo BBC, hình thức giác hơi có từ thời Ai Cập, được người Trung Quốc và các nước Trung Đông ưa dùng. Giác hơi cũng là một hình thức phục hồi sức khỏe khá phổ biến ở Việt Nam. Nguyên lý chữa bệnh bằng giác hơi là dùng lửa đốt vào lòng ống giác (cốc thủy tinh) cho cháy hết không khí, sau đó úp nhanh vào các phần cơ thể, việc hút và đẩy ống giác nhằm thúc đẩy quá trình lưu thông máu.

Tuy nhiên, tác động này cũng sẽ để lại trên cơ thể người giác hơi những đốm màu đỏ đậm, chúng sẽ tan dần trong 3 đến 4 ngày. Vì giác hơi là phương pháp sử dụng nhiệt, nên nếu không cẩn thận, nó có thể làm bỏng người đang trị liệu.

VĐV bơi lội người Mỹ - Alex Naddour khiến fan thích thú khi phát hiện anh cũng là 'tín đồ' của phương pháp giác hơi Ảnh chụp màn hình Instagram

Hôm thứ Hai, Michael Phelps nói với The New York Times: “Tôi đã tìm đến liệu pháp giác hơi trước kỳ thi đấu và hầu như ở mọi kỳ thi. Vì thế, tôi đã yêu cầu được giác hơi hôm qua vì thấy hơi nhức mỏi, người giác hơi làm hơi mạng tay và để lại vài vết bầm”.

Michael Phelps được cho là người đã quảng cáo phương pháp hồi phục sức khỏe này đến với nhiều VĐV khác. VĐV bơi lội Mỹ - Natalie Coughlin chia sẻ cảm xúc trong một buổi giác hơi vùng ngực: “Cười gượng bởi vì đau quá trời!”, khiến fan của cô thích thú.

Natalie Coughlin khoe ảnh giác hơi vùng ngực Ảnh chụp màn hình Instagram

Trong khi đó, VĐV bơi lội Belarus - Pavel Sankovich lại quyết định giác hơi ở chân, vị trí anh đổ nhiều tiền nhất để mua bảo hiểm trên cơ thể.

Nhiều người hâm mộ tò mò về các dấu đỏ tròn do giác hơi trên cơ thể các kình ngư nổi tiếng, họ bàn tán rôm rả về chủ đề này bên dưới các bức ảnh của thần tượng.

Thành viên có nickname Carellde nói: “Tôi biết các vết bầm này xuất hiện do đâu, đây là giác hơi - một kỹ thuật y học cổ truyền Trung Quốc giúp giảm đau và tăng cường khí huyết lưu thông”.

“Tôi đã từng được thử kiểu trị liệu này khi đến các nước Hồi giáo. Đây là một phương pháp tốt, chúc các kình ngư của chúng ta giành được kết quả tốt ở Olympic 2016”, người dùng Fabiangarciadpt bình luận.

Pavel Sankovich giác hơi cho đôi chân trước kỳ thi đấu Ảnh chụp màn hình Instagram

Ngoài các kình ngư, Alex Naddour, một vận động viên thể dục nghệ thuật của Mỹ cũng mê mẩn liệu pháp hồi sức khỏe này, bằng chứng là khi xuất hiện trên sàn đấu Olympic 2016, cơ thể Alex cũng lốm đốm những vết đỏ bầm, dấu hiệu khó lẫn của những “tín đồ” giác hơi.

Những người nổi tiếng ở lĩnh vực giải trí như Justin Bieber, Victoria Beckham và Jennifer Aniston cũng đã từng bị các tay săn ảnh ghi lại hình ảnh trông giống như vết bầm sau khi giác hơi. Điều này cho thấy liệu pháp y học cổ truyền này đang trở nên phổ biến trong các thẩm mỹ viện, spa ở Mỹ và châu Âu, chứ không chỉ nổi tiếng ở các nước châu Á như trước đây.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.