Đại gia sắn vùng Lìa

Nguyễn Phúc
Nguyễn Phúc
08/07/2021 15:17 GMT+7

Lìa, địa danh từng được mặc định là một vùng đất xa ngái, nghèo khó bậc nhất miền tây Quảng Trị . Nhưng giờ, đó như là chuyện xửa xưa.

Từ khi nơi đây trở thành vùng nguyên liệu sắn cao sản, thì “cái đói cái nghèo lũ lượt trốn hết vào rừng sâu như con hổ con beo, chẳng ai còn thấy”. Chính loài cây này đã biến những người Vân Kiều, Pa Kô chân đất ở Lìa thành... “đại gia”.
Nếu bạn hồ nghi về những câu chữ ở trên, hãy thử một lần phóng xe vào Lìa (xã Thanh, H.Hướng Hóa), sẽ thấy 2 bên con đường nhựa tít tắp, phẳng lì không còn những ngôi nhà sàn bé nhỏ nữa. Mà ở đó, không ít những ngôi nhà sàn bề thế, vững chãi.

Cây sắn từ một loại cây xóa đói nay đã mang về tiền tài cho người dân vùng Lìa

Ký ức về vùng đất đói nghèo

Người viết vào vùng Lìa lần đầu cách đây đã chục năm có lẻ. Dạo đó đi xe máy, và sau chuyến đi “con ngựa sắt” phải vào tiệm đại tu vì bị hành xác trên con đường đầy đá sỏi.
Vùng Lìa từng hiện ra với tất thảy những “biểu hiện lâm sàng” của căn bệnh trầm kha đói nghèo. Là những bản làng heo hút với những nóc nhà xác xơ, mấp mé bên dòng sông Sê Pôn, giáp với nước bạn Lào. Là những đứa trẻ đen thui, chân tay tóp teo đối nghịch những chiếc bụng ỏng, phình to vì giun sán. Là những câu chuyện kể bên mái hiên nhà sàn rằng: Có một thời bà con ăn cơm độn sắn khoai, đói đến vàng cả mắt.
Sinh tồn trên vùng đất “chó ăn đá, gà ăn sỏi” mang tên Lìa, dù đã cố quơ cào đến tứa cả máu tay, nhưng vài rẻo ruộng khô, mấy hàng bắp mùa, khó mà đáp ứng cho người dân có ăn được 6 tháng, huống hồ nói đến cuộc sống đủ đầy. Họ đã từng chỉ biết đợi chờ gạo cứu đói của nhà nước, hết năm này sang năm khác. “Vì thú rừng săn hoài cũng ít đi, quả ngọt trên rừng hái lượm hoài cũng hết. Còn việc trồng sắn, trồng lúa đều nhờ trời, cây nào “khôn thì sống, bống thì chết”. Thời đó, ai cũng giống ai, bụng no đã là tốt”, Hồ Ka Chưng, một người già ở xã Thanh, chép miệng.
Mãi đến năm 2004, khi Nhà máy tinh bột sắn Hướng Hóa (Tổng công ty thương mại tỉnh Quảng Trị) mọc lên ngay trên tuyến đường vào Lìa và biến vùng đất núi đồi rộng lớn này thành vùng nguyên liệu số 1 cho nhà máy, thì những ký ức kinh hoàng đói nghèo kéo dài hàng trăm năm ngày cũ, mới biến mất. Bà con bảo rằng chính nhờ loại cây “mọc quả ở dưới đất” đã mang về ấm no!
Đại gia sắn vùng Lìa

Hồ Văn Pường trước ngôi nhà lớn của mình

Nhà to, gửi ngân hàng tiền tỉ

Lần trở lại vùng Lìa vào mùa hè 2021 bỗng như khác hẳn, những rẫy sắn xanh ngút ngàn dọc 2 bên đường đi như làm dịu mát cái nắng khô khát ở đông Trường Sơn. Sự ngỡ ngàng cũng đến rất sớm khi theo chân anh Tùng, cán bộ kỹ thuật Nhà máy tinh bột sắn Hướng Hóa, ghé thăm nhà anh Hồ Văn Pường, ngước mắt nhìn ngôi nhà sàn rộng thênh thang, sừng sững, đầy đủ tiện nghi.
Anh Pường vẫn không quên kể về những ngày tháng cũ. Rằng anh sinh ra trong gia đình 4 anh em, bố mẹ làm rẫy, 18 tuổi anh đã biết trồng sắn trên đồi cao. Chỉ là thời đó không ai dạy cho cách trồng, cứ thấy đất trống là cắm cành xuống đất. “Củ sắn thu hoạch về chủ yếu để cứu đói. Nếu có dư ra thì chúng tôi xắt lát, phơi khô rồi chờ tiểu thương từ xuôi lên mua. Nhưng từ khi có nhà máy, họ bao tiêu toàn bộ sản phẩm, việc của tôi chỉ là lo trồng sao cho quả to, thu hoạch lớn”, Pường kể.
Qua thời gian, anh Pường nay đã có 4 đứa con và 2 đứa cháu. Diện tích sắn của anh cũng phình ra như “dân số” của gia đình. Vốn chỉ học hết lớp 3, anh Pường không biết mình có bao nhiêu héc ta sắn, chỉ biết sắn anh trồng ken đặc 5 quả đồi. “Ở bản mình ở, diện tích sắn nhà Pường là số 1. Mỗi mùa, anh ta có thể thu khoảng 120 tấn sắn trở lên”, anh Tùng nói chen vào.
Sau 23 năm trời lăn lộn với sắn, anh Pường thừa nhận cũng tích lũy được chút đỉnh. Và cái “chút đỉnh” của anh ngoài ngôi nhà lớn, là dăm chiếc xe máy đời mới cùng một khoản tiền gửi ngân hàng. Tôi mạo muội hỏi: “Có được 500 triệu không?”, anh Pường cười lớn, nói nửa đùa nửa thật: “Hơn chứ!”. Riêng anh Tùng thì nháy mắt nói với tôi rằng Pường không bốc phét đâu, vì hôm kia vừa sang nhờ anh tư vấn để mua xe ben, sau này chở sắn khỏi tốn tiền thuê...
Ở vùng Lìa, có vẻ như Hồ Khăm Xêng, 50 tuổi, là “đối thủ” ngang tầm với Pường về độ giàu có và diện tích sắn. Riêng ngôi nhà sàn, ông Xêng và gia đình 6 người cùng hàng chục thợ thầy còng lưng làm cả tháng trời mới xong, trị giá hơn 400 triệu đồng.
Cũng phải nói rằng, ở miền xuôi, có tiền gửi ngân hàng là thường, còn nơi núi rừng này, bà con không nợ đã là may. Vậy mà, vào Lìa bây giờ, những nông dân vùng cao áo quần nhuốm bùn đất, chân xỏ dép tông lộ những ngón chân thô kệch, nhưng trong tài khoản ngân hàng họ có vài trăm triệu đến cả tỉ đồng...

Dạy dân bản và cả người ngoại quốc trồng sắn

Cả ông Xêng và anh Pường đều là thành viên của “Câu lạc bộ (CLB) 100 triệu” do Nhà máy tinh bột sắn Hướng Hóa thành lập năm 2010 với tiêu chí rất đơn giản: Cứ bán sắn tươi cho nhà máy được 100 triệu là vào CLB. Có điều rằng, hiện quy chế của CLB đã lạc hậu, do nhiều thành viên trong số 95 thành viên hoàn toàn có thể vào “CLB 200 triệu”.
“Chúng tôi được vào CLB là rất vinh dự vì được nhà máy “cưng”, được ưu tiên nhập sắn, có phòng VIP vào uống cà phê trong lúc chờ lấy tiền, năm nào công ty cũng cho đi biển Cửa Tùng, Cửa Việt chơi, có năm còn cho đi Thái Lan tham quan. Nên ai cũng phấn đấu để vào CLB”, một thành viên khoe.
Trong khi đại gia Xêng bảo rằng thấy ông trồng sắn mà phất lên, dân bản nơi ông sống cũng tập tành khai hoang, thử sức với loại cây trồng này. “Nhiều người đến nhà tôi hỏi bí quyết, tôi giúp đỡ ngay vì thấy bà con ham làm ăn, tôi rất vui. Nhưng tôi cũng nói luôn với họ là chẳng có bí quyết gì cả, mà chỉ là phải siêng năng chăm chỉ, ắt sẽ thành”, ông Xêng nói.
Chưa hết, những “đại gia sắn” vùng biên còn có cơ hội “thị phạm” cách trồng sắn của mình cho cả người ngoại quốc. Số là, năm 2012, đã từng có một đoàn nông dân Đông Timor đến học hỏi phương pháp sản xuất nông nghiệp ở vùng cao Quảng Trị, thấy rẫy sắn ngút ngàn ở Lìa, họ rất muốn học cách trồng. Và những “đại gia sắn” vùng Lìa đã thể hiện “tinh thần quốc tế” rất cao, khi không nề hà, cầm cuốc... chỉ việc.
Ông Lê Văn Thể, Giám đốc Nhà máy tinh bột sắn Quảng Trị, cho biết mỗi năm nhà máy nhập 180.000 tấn sắn tươi và phần nhiều trong số đó là từ các rẫy sắn của bà con vùng Lìa.
Nói như ông Lê Minh Tuấn, Bí thư Huyện ủy Hướng Hóa thì “ biên cương vững chắc là đó chứ đâu”. “Bởi dân có giàu, nước mới mạnh. Đất biên cương cho người dân nguồn sống, họ cùng giúp nhau làm giàu, cùng dựng xây. Biên cương từ đó mà vững chắc”, ông Tuấn khẳng định.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.