Hai bên đùn đẩy, rác ngập cầu ở TP.HCM

03/06/2017 09:32 GMT+7

Cùng một cây cầu có nhiều công ty quản lý, quét dọn và thu gom; nhưng rác, bụi bẩn vẫn đập vào mắt người qua cầu hằng ngày.

Những cây cầu đầy rác
Mỗi ngày qua cầu Nguyễn Văn Cừ nối địa bàn 4 quận: 1, 4, 5 và 8 (TP.HCM), ai cũng ngao ngán trước cảnh rác thải, bùn đất và nước đọng thành vũng trên cầu. Rác quá nhiều đã bít các lối thoát nước trên cầu khiến nước không chảy được. Không những vậy, các bao rác lớn của những người kém ý thức mang đến để la liệt trên lối đi bộ của cây cầu.

tin liên quan

Bãi biển thành… bãi rác
Bãi biển trên địa bàn xóm Phú Hải (xã Kỳ Phú, H.Kỳ Anh, Hà Tĩnh) nhiều năm qua bị biến thành bãi rác, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Dưới lòng cầu, rác cũng bám đầy, đặc biệt là hai bên dải phân cách ở giữa. Buổi sáng nhìn thấy những cảnh khó chịu trên, buổi chiều quay trở lại, chúng tôi thấy rác thải vẫn còn do không có ai quét dọn. Cầu Nguyễn Văn Cừ đang được thi công 2 nhánh lên xuống đường Võ Văn Kiệt, xe chở vật liệu xây dựng làm rơi đất cát nhưng đơn vị thi công không dọn cũng là nguyên nhân khiến cầu dơ bẩn hơn.
Rác vẫn để đống trên cầu Nguyễn Văn Cừ suốt từ sáng đến chiều tối 31.5 Ảnh: Đình Sơn
Cảnh tương tự cũng xảy ra ở cầu Rạch Đỉa nối Q.7 với H.Nhà Bè, tệ hơn là bùn đất đóng thành từng lớp trên mặt cầu, nhất là ở rìa thành cầu. Ngay dưới chân cầu phía Q.7 là một bãi rác lớn do người dân đem đến đây bỏ. Tại đây, chúng tôi chứng kiến 3 công nhân Công ty CP công trình cầu phà TP.HCM (Công ty cầu phà) đang dùng cuốc, xẻng gom đất cát lại từng đống bỏ vào thùng. Một công nhân cho biết đất cát trên cầu nhiều là do mấy hôm nay không có người làm; lịch quét dọn phụ thuộc vào sự phân công của tổ trưởng.
Ngay ở trung tâm TP, cầu Kiệu nối Q.3 với Q.Phú Nhuận cũng có những ngày ngập rác. Còn trên cầu Chữ Y nối Q.5 với Q.8, thường xuyên tồn tại hàng đống rác ngay giữa cầu. Tại cầu Kênh Tẻ nối Q.4 với Q.7, sáng 31.5 rác và đất cũng rất nhiều. Ngay dưới cầu này phía Q.7, hàng đống rác chứa trong các bao tải lớn chất đầy trên lối đi bộ. Anh Tâm, một người dân, than phiền rác để ở đây có khi cả tuần mới thấy xe gom rác đến đưa đi, mùi hôi thối bốc lên kinh khủng. Trong khi đó, công nhân Công ty cầu phà nói rằng rác này không thuộc trách nhiệm quản lý của mình nên họ không gom. "Hai bên cứ đùn đẩy nhau khiến rác chất đầy trên cầu. Tôi thấy điều này thật vô lý khi tiền rác họ thu đều không thiếu tháng nào nhưng rác ở đây thì không ai thu dọn", anh Tâm bức xúc.

tin liên quan

Bãi rác tự phát gây ô nhiễm và mất mỹ quan
Phía trước Nhà máy nước Thủ Đức thuộc P.Linh Trung (Q.Thủ Đức, TP.HCM) có một bãi đất trống rộng khoảng gần 1 ha. Bãi đất này từ nhiều năm nay bị bỏ hoang hóa để cây, cỏ dại mọc um tùm. Đây cũng là nơi để người ta vào phóng uế, đổ trộm rác thải, xà bần.
Dưới chân cầu Rạch Đỉa, một bãi rác lớn tồn tại từ lâu, không ai dọn Ảnh: Đình Sơn

Quận chỉ giao quét... nửa cầu
Trả lời PV Thanh Niên về việc các cây cầu quá nhiều rác, ông Lê Hữu Châu, Tổng giám đốc Công ty CP công trình Cầu phà TP.HCM, cho biết từ đầu năm 2017, theo chỉ đạo của UBND TP, việc vệ sinh quét dọn trên các cây cầu thuộc địa bàn các quận 1, 3, 5 đã được công ty giao cho các quận; còn các cây cầu tại quận, huyện khác do công ty quản lý. Tuy nhiên, hướng của TP là đang chuẩn bị đấu thầu để giao cho các đơn vị khác.
Trước đây, việc khoán định mức giao cho công ty quét mỗi ngày. Nhưng sau này các khu quản lý giao thông đô thị (thuộc Sở GTVT TP) giao định mức cho công ty chỉ quét 1 tháng 2 lần. Mỗi lần quét cầu, công ty phải báo với các khu để họ nghiệm thu. Một số cây cầu đang có dự án như cầu Chà Và (Q.5, Q.8) thì tạm thời không triển khai quét rác nữa.

tin liên quan

Camera... chống đổ rác trộm ở TP.HCM
Nhiều nơi trước đây từng là điểm nóng về nạn vứt rác bừa bãi nhưng từ khi chính quyền lắp camera để 'bắt quả tang' những người đổ rác trộm, bừa bãi thì tình trạng này đã giảm hẳn.
“Dù vậy, công ty chúng tôi cũng cố gắng quét thường xuyên nhưng nói thật là tốc độ xả rác nhiều quá. Quét hôm nay thì ngày mai bẩn trở lại. Nhiều người không ý thức cứ đem rác lên cầu mà đổ”, ông Châu than thở. Thực ra các định ngạch đều bị cắt giảm 45 - 50%, có địa bàn giảm gần 10 lần như địa bàn Khu Quản lý giao thông đô thị số 4 quản lý, định ngạch giao cho công ty giảm từ 10 tỉ đồng/năm xuống còn 900 triệu đồng/năm nên khối lượng công việc cũng giảm mạnh.
Một lãnh đạo Công ty dịch vụ công ích Q.1 lý giải rác ngập trên cầu do hiện nay công ty thực hiện theo chỉ đạo của phòng quản lý đô thị, "họ giao phần nào làm phần đó". Chẳng hạn cầu Nguyễn Văn Cừ, Phòng Quản lý đô thị Q.1 chỉ giao quét nửa cầu bên phía Q.1, phần còn lại do quận khác lo. Cùng một cây cầu nhưng không thể quét hết qua quận khác vì không có kinh phí cũng như hợp đồng, và không thuộc trách nhiệm. Về nguyên tắc, quét nửa cây cầu khó thực hiện và bất tiện hơn việc quét cả cây cầu. Ngoài ra, theo vị này, quét ở hai bên cầu thì được, còn dải phân cách ở giữa nếu làm bằng thép sẽ rất khó quét dọn khi lượng xe di chuyển quá đông.
“Khu Quản lý giao thông đô thị số 1 và Phòng Quản lý đô thị Q.1 đã họp bàn giải pháp thu gom rác trên cầu, nhưng đến nay chưa thống nhất được là sẽ giao cho ai làm và làm như thế nào. Theo tôi, một cây cầu mà bắc qua địa bàn hai quận, huyện thì nên giao cho 1 quận, huyện quản lý việc quét dọn, thu gom xử lý rác. Chứ như hiện nay cứ phân cấp như vậy sẽ dẫn đến tình trạng hai bên tị nạnh nhau, rồi tồn tại một đống rác ở giữa cầu”, ông này kiến nghị.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.