Trong những ngày qua, khu vực bãi biển Quy Nhơn từ Mũi Tấn đến tượng đài Chiến Thắng (dọc theo đường Xuân Diệu, thuộc P.Hải Cảng và P.Lê Lợi, TP.Quy Nhơn, Bình Định) xuất hiện nhiều bùn đen và xà bần.
Nham nhở rác thải, xà bần
|
Người dân địa phương cho biết tình trạng này xuất hiện từ nhiều ngày qua. Nguyên nhân chính là do bãi đất lấn biển của một dự án du lịch ở cuối đường Xuân Diệu làm thay đổi dòng chảy ở cửa biển gây ra. Từ khi có bãi đất lấn biển này, gần 2 km bờ biển từ Mũi Tấn đến tượng đài Chiến Thắng không mấy người dám xuống tắm.
tin liên quan
Người Việt xả rác ngoài biển, người Tây nhặt hàng trăm tấn rác ở Mũi NéChiều nay, nhiều du khách có cả khách nước ngoài và lực lượng của địa phương cùng nhau dọn hàng tấn rác ở biển Mũi Né. Rác do người dân xả ở ngoài biển trôi dạt vào.
“Những năm trước, khu vực biển ở cuối đường Xuân Diệu hiện nay là một bãi tắm rất sạch. Tuy nhiên, sau khi lấn biển làm đường Xuân Diệu rồi đến đổ đất lấn biển để làm dự án du lịch thì khu vực P.Hải Cảng không còn bãi tắm biển nào, người dân muốn tắm thì phải đi sang nơi khác. Chính bờ kè của bãi lấn biển này thường xuyên bị sóng đánh vào chân nên đất, đá, bùn đen trôi ra ngoài rồi theo thủy triều tấp vào bãi biển, gây ô nhiễm môi trường”, ông Đinh Anh Tuấn, Phó chủ tịch UBND P.Hải Cảng nói.
Trước đó, chiều 22.6, ông Trần Châu - Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cùng đại diện các sở, ngành liên quan đã đi thị sát hiện tượng nước biển Quy Nhơn bị bùn, đục. Sau khi đi kiểm tra, ông Châu đã chỉ đạo giao cho Công ty CP môi trường đô thị TP.Quy Nhơn thu dọn rác thải tại khu vực biển, nạo vét lượng bùn đen lắng đọng ven bãi biển Quy Nhơn để tạo cảnh quan sạch đẹp.
Ông Châu cũng giao Sở TN-MT chủ trì điều tra nguyên nhân hiện tượng bùn đen xuất hiện tại bãi biển Quy Nhơn, đồng thời phối hợp kiểm tra tình hình vệ sinh công nghiệp tại các cảng trên địa bàn TP.Quy Nhơn, không để xả rác thải xuống biển...
“Qua kiểm tra, chúng tôi nhận thấy khu vực này (khu vực biển cuối đường Xuân Diệu, TP.Quy Nhơn - PV) ở cuối nguồn, nơi đầm Thị Nại đổ ra biển nên thường có bùn đất chảy ra nhưng ít thôi. Mấy hôm nay do thủy triều xuống thấp, trong khi ngoài khơi lại có áp thấp tạo ra sóng mạnh làm tan bùn đất vốn đóng ở cửa biển, gây nên hiện tượng nước biển bị đục, trên bãi biển có bùn đất nhiều”, ông Châu nói.
tin liên quan
'Ông Tây' không biết muốn nhặt rác phải...xin phép chính quyềnLiên quan đến việc lãnh đạo phường Yên Hòa (quận Cầu Giấy) bất bình khi khách nước ngoài đến dọn dẹp rác ở trên địa bàn phường mà không xin phép, chiều 17.5, ông Tây nhặt rác đã chia sẻ suy nghĩ của mình.
Theo ông Nguyễn Nên Danh, Giám đốc Công ty CP môi trường đô thị TP.Quy Nhơn, trong các ngày 22 và 23.6, công ty đã huy động công nhân cùng hai xe cơ giới để thu gom rác thải và xà bần tại khu vực bãi biển ở cuối đường Xuân Diệu. Hiện đã thu có hơn 100 m3 đất, đá, xà bần. Trong những ngày tới, vẫn tiến hành thu gom cho đến khi nào bãi biển Quy Nhơn sạch đẹp trở lại mới thôi.
|
“Không thể đứng nhìn rác biển đổ vào Mũi Né ngày càng nhiều như vậy”
Trong những ngày gần đây, người dân P.Mũi Né, TP.Phan Thiết (Bình Thuận) chứng kiến một nhóm người, có cả nước ngoài cùng nhau gom rác dưới biển. Nhiều người cho rằng đó là việc tốt, cần biểu dương nhưng cũng có người nói, đó là việc của chính quyền.
Anh Diệp Tường Nguyên, “chủ xị” vụ gom rác này cho hay: “Rác quá nhiều. Thấy vậy, tôi kêu gọi mọi người, trong đó có người nước ngoài sống ở đây tự thu gom rác. Không thể đứng nhìn rác biển đổ vào Mũi Né ngày càng nhiều như vậy. Vừa ảnh hưởng môi trường sống, vừa làm xấu đi thương hiệu du lịch Mũi Né”. Bà Lê Thị Liên, một người dân TP.Phan Thiết than phiền: “Thành phố du lịch gì mà ngay cửa ngõ vào đã thấy toàn rác thì khách nào dám đến đây”.
Để chung tay làm sạch bãi biển Mũi Né, hiện nay các resort, cơ sở du lịch thường xuyên phải cho nhân viên đi thu gom rác.
Ông Trần Văn Bình, Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch Bình Thuận (chủ đầu tư Little Mũi Né resort) bức xúc: “Khi nhìn cảnh du khách, nhất là khách quốc tế họ chê bãi biển mình nhiều rác tôi thấy xấu hổ và yêu cầu nhân viên của mình phải tự làm sạch bãi biển. Nhưng cũng chỉ làm được phần nào. Tôi thấy rác thải ven biển là nỗi bức xúc nhất hiện nay của du lịch nhưng hình như ít được mọi người quan tâm”.
Ông Bình cho biết thêm ông từng sắm cả xe múc để dọn rác biển nhưng vẫn không ăn thua. “Việc làm sạch biển Mũi Né cần nhiều người góp sức. Nhưng cái chính là chính quyền TP.Phan Thiết phải chủ động ra tay. Chính quyền phải ngồi lại với các doanh nghiệp, các cơ sở du lịch bàn cách làm sao giữ sạch biển cho hiệu quả, lâu dài. Chứ không chỉ hô hào phong trào, sau vài ngày ra quân rồi đâu lại vào đó”, ông Bình đề xuất.
Chặn bắt các xe đổ trộm rác
Dưới biển là vậy, còn trên bờ kè dự án chắn đê biển ở P.Đức Long cũng đầy rác và vỏ sò. Theo lãnh đạo UBND P.Đức Long, rác không chỉ do dân đổ mà còn có vỏ sò từ các cơ sở chế biển thủy sản lén lút đổ xuống đây. Khi trời nắng, vỏ sò bốc mùi hôi thối khiến hàng trăm hộ dân ven biển lãnh đủ.
Phó chủ tịch UBND P.Đức Long Võ Ngọc Thạch cho hay đã cho các lực lượng chặn bắt các xe đổ trộm rác. “Giờ chúng tôi kiến nghị TP chỉ đạo có sự phối hợp với các phường, cùng đồng loạt làm may ra mới hiệu quả vấn nạn rác này”, ông Thạch nói.
Phó chủ tịch UBND TP.Phan Thiết Trần Hoàng Khôi thừa nhận mặc dù quy định của nhà nước có thể xử phạt người xả rác bừa bãi nhưng TP chủ yếu vẫn sử dụng giải pháp nhắc nhở là chính. “Hiện TP cũng đã có kế hoạch triển khai đến tận xã phường phải làm nghiêm vấn đề xả rác không đúng nơi quy định. Và cái này giao cho phường xã, phải bắt bằng được việc đổ trộm rác và xử phạt. Phải nặng tay thì mới có đường phố sạch đẹp, lấy lại vẻ đẹp của TP du lịch Phan Thiết” - ông Khôi nói.
Kiểm tra cơ sở xả thải "chui" ra biển
Chiều 23.6, Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở TN-MT Bình Thuận) và Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (PC49), Công an Bình Thuận vẫn tiếp tục lấy mẫu nước từ các cơ sở nuôi cá bè và cơ sở hấp cá cơm ở Kê Gà (Hàm Thuận Nam) để làm rõ nguyên nhân trên 10 tấn cá bớp bị chết trong những ngày qua, ước tính thiệt hại trên 2,5 tỉ đồng. Cũng trong chiều qua, cơ quan chức năng Bình Thuận đã kiểm tra cơ sở hấp cá cơm của ông Huỳnh Trí Thiện (thôn Kê Gà, xã Tân Thành, H.Hàm Thuận Nam). Đoàn kiểm tra đã yêu cầu ông Thiện phải dừng ngay hoạt động hấp cá cơm và tháo dỡ ngay ống xả thải ra biển. Theo ông Lê Văn Tiến, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường Bình Thuận, cơ sở của ông Thiện không có báo cáo môi trường, không có giấy phép xả thải vào biển.
|
Bình luận (0)