Hãy tiếp tục đọc sách đi con!

Cuộc đời của mỗi con người, có lẽ, hầu hết cũng chỉ phấn đấu vì con. Từ khi sinh ra cho đến cả khi về già, cha mẹ nào cũng dõi theo mỗi bước trưởng thành của con cái.

Mọi vui buồn của chúng nó đều gắn liền với vui buồn của cha mẹ.
Tôi cũng thế.
Con tôi học sau đại học ở nước ngoài, ngày tốt nghiệp, khỏi nói, mừng lắm. Nhưng không hiểu vì sao, cảm giác mừng của tôi lúc đó không bằng cách đó chục năm, khi nhìn thấy tờ giấy vàng dán bên góc màn hình máy tính của tụi nhỏ: “Mỗi ngày đọc 50 trang sách”. Lạ thế!

tin liên quan

Dạy con biết... khen
Có thể nói, chê là thói quen phổ biến của người Việt Nam. Quen đến mức coi đó là chuyện bình thường. Ít ai biết rằng, thói quen đó là một tật xấu gây ra rất nhiều hệ lụy.
Nói chuyện đọc sách mới kể luôn, ngày gia đình mới vào sống ở Đà Nẵng, nhà tôi lên thư viện thành phố làm thẻ, lúc đó thư viện ít người đọc lắm. Chị Xuân phó giám đốc, sau làm giám đốc, thấy vợ con tôi hay mượn sách nên quý rồi quen luôn. Sau thì không phải theo nguyên tắc mượn 1 quyển đọc xong mới đổi quyển khác mà cho mượn cả chồng. Đọc rồi trả, rồi mượn, đọc, rồi trả... Cứ thế cho đến ngày chị Xuân về hưu vẫn mượn - trả. Sau thì chị thân như người nhà.
Tôi hay nói đùa, nhà có 3 bộ từ điển: mẹ - từ điển truyền thống; con trai - từ điển ngôn ngữ Anh; con gái - từ điển hiện đại. Có cái gì bí cứ gọi em ơi, con ơi... cái này nó thế nào? Thành ra, tôi là từ điển... con ơi!
Cá nhân tôi thấy, đọc sách làm cho con người chín chắn hơn. Hai đứa nhỏ nhà tôi chúng nó cũng đằm tính hơn bạn cùng trang lứa. Không phải “con hát cha khen” mà thực sự là thế.
*
Như một thói quen, đi đâu tôi cũng cầm một quyển sách. Lên sân bay, ngồi trên máy bay hay bến xe, tàu hỏa, tôi đều lôi ra đọc. Vì mình như thế nên thích người như thế. Khoản này, phục mấy người nước ngoài.
Hồi ở bộ đội, hành quân vào chiến trường, người ta không cho mang theo thứ gì có chữ. Mỗi tối, sinh hoạt đại đội, tôi được chỉ định lên kể một chương trong Thép đã tôi thế đấy, sau thì Ruồi trâu, sau nữa là Đất vỡ hoang... Kể xong một chương, anh em vẫn muốn nghe nữa nhưng đại đội trưởng bảo hết giờ. Họ chăm chú thế là vì, ngoài chuyện thiếu thốn về mặt tinh thần cần bù đắp, sách đối với họ vẫn là một thứ quý giá, có phần nào đó sang trọng và cao siêu.
Trên mạng xã hội bây giờ, nhiều người mang Thép đã tôi thế đấy ra bêu riếu. Tôi cho rằng, những người đó chưa đọc tác phẩm ấy, nếu đọc, họ không bao giờ nói thế.
Chưa đọc hết một câu chuyện đã “chém” là thói quen không tốt của “người thế hệ mạng”.
Thời sống ở Huế, phòng tập thể của nhà tôi cạnh nhà Nguyễn Quang Lập. Hầu như chiều nào anh Hoàng Phủ Ngọc Tường cũng ghé qua uống rượu. Lúc đó, Nguyễn Quang Lập đã có nhiều tác phẩm và nổi danh rồi. Tôi chỉ là thằng cu con ngồi hầu rượu.
Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường đọc rất nhiều và đọc đâu nhớ đấy. Anh là người thông kim bác cổ, bàn vấn đề gì cũng phải từ gốc gác của nó. Giá mà có ý thức, ghi âm lại, giờ bóc ra, chép lại cũng đã có một quyển sách cực hay.
Hồi đó còn trẻ, trí nhớ tốt nên anh Tường nói chuyện gì tôi nhớ chuyện đó. Đến nỗi, khi ra Hà Nội làm việc, đồng nghiệp bàn luận chuyện gì tôi cũng bảo: “Chuyện này là thế này...”. Là do nhớ anh Tường đã nói, đã dẫn hoặc dẫn từ chuyện anh kể. Anh đọc mấy bồ sách của thiên hạ rồi nói ra tất cả tinh túy. Mình quá lãi.
Lâu dần, đến mức mấy anh em quen biết lại làm oai cho mình khi nói: “Thằng này là sĩ phu Trung kỳ đó!”.
*
Tôi hay viết blog, sau này là Facebook. Cái này là chủ ý của tôi. Vào tầm tuổi này, tôi có ý thức rèn luyện cách nghĩ. Viết Facebook là cách hay nhất. Đó là một quyển nhật ký về sự kiện xã hội, là một cách rèn luyện tư duy. Viết một status cũng phải suy nghĩ có cái gì đó mới, có cái gì đó hay chứ không phải viết bừa. Tất cả những status đó là kho tư liệu, kho ý tưởng. Mỗi lần bạn bè đồng nghiệp nhờ viết gì, nghĩ lại mình đã viết ý đó ở status nào thì lấy ra làm nền để viết, rất nhanh. Có thể nói là rất lợi hại.

tin liên quan

Chân dung mẹ
Hình như cho đến bây giờ khi cần minh họa cho hình ảnh về người mẹ, hình ảnh được sử dụng nhiều nhất (đến mức như là một sự mặc định) vẫn là: một bà cụ già, lưng còng, mắt lèm nhèm đầy nhựa ghèn, lẫm chẫm đứng tựa cửa nhìn vào xa vắng... 
Thế nhưng, tôi cũng rất ghét Facebook vì thấy quá nhiều người “chém gió” bạt mạng; có nhưng rất ít người bày tỏ quan điểm một cách tử tế. Bi kịch nhất là nhiều người không đọc hết hoặc đọc mà không hiểu nhưng vẫn bình luận.
Vậy nên, đọc status không thể sánh với việc đọc sách vì đọc sách chỉ có lợi trở lên.
Đọc mạng khiến con người cái gì cũng biết nhưng cái gì cũng không biết.
Rất vui vì hai đứa nhỏ nhà tôi không phải kiểu đó, dù chúng nó còn rất trẻ. Chắc nhờ chúng nó đọc sách.
Bạn bè thường đùa: “Ông chẳng được gì, được mỗi cái hai đứa con ngoan”. Nghiệm lại, tôi chả dạy gì chúng nó, đó là nhờ sách. Vậy thì tôi cũng... “được gì” chứ nhỉ?
(Nói thêm, con tôi chẳng phải là người thành đạt gì đâu. Chúng nó là những đứa bình thường thôi. Mà tôi cũng thích nó... bình thường).
*
Thấy nhà này nhà nọ, đôi khi phàn nàn con cái hay cãi lời bố mẹ, tôi nghĩ do nhiều nguyên nhân, kể cả nguyên nhân từ bố mẹ hay áp đặt suy nghĩ của mình cho bọn trẻ. Nhà tôi thì không. Có chuyện gì, kể cả chuyện quan trọng, khi nói ra, nghe con nói lại, theo con thì thế này thế này... Thấy chúng nó có lý, bèn nói, vậy thì làm theo ý con ha. Tất nhiên, nếu thấy không có lý thì phải tranh luận chứ không phải cãi. Thế thôi.

tin liên quan

Con sẽ không bao giờ sai khi làm đúng!
Những dòng này ba viết cho con. Ba không hiểu vì sao có những người, trên trang cá nhân, luôn có những suy nghĩ tiêu cực. Họ luôn luôn nhìn thế giới bằng một con mắt hoài nghi. Đối với họ, cái gì cũng xấu.
Tôi nghĩ, đó là nhờ sách.
Bây giờ thì tôi trở thành người lạc hậu nhất nhà. Bọn nhỏ mua tiểu thuyết tiếng Anh về để đọc nguyên bản, sách chất đầy giá nhưng tôi chỉ... sờ vì không đủ “trình”.
Mỗi sáng dậy sớm, bật đèn phòng để sách, nhìn lên giá rồi đi đi lại lại, rồi lôi một quyển sách ra lật, thấy vài chữ quen quen, còn thì mù tịt. Nhưng sáng nào cũng thế. Tự nhiên thấy rất thích.
Dù biết chúng nó vẫn đọc sách nhưng sao cứ muốn nói một câu: Hãy tiếp tục đọc sách đi con!
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.