Hồi sinh 'thung lũng da cam'

27/11/2017 13:33 GMT+7

Sân bay A So, nơi có nồng độ ô nhiễm dioxin vượt hơn 26 lần mức độ cho phép và được mệnh danh là “thung lũng da cam” ở vùng núi phía tây Thừa Thiên - Huế, đang dần hồi sinh.

 Mầm xanh nơi vùng đất chết vẫn vươn lên mạnh mẽ. Tháng 11, trên cung đường Hồ Chí Minh qua ngã ba Đông Sơn dẫn vào di tích lịch sử quốc gia địa điểm chứng tích chiến tranh hóa học của Mỹ tại sân bay A So, hai bên đường là bạt ngàn cánh rừng trồng đã lên xanh tốt. Chiến tranh lùi khá xa và màu xanh đã trở lại. Tuy vậy, một vùng rộng lớn với diện tích 4,5 ha của sân bay A So (thuộc xã Đông Sơn, H.A Lưới), cây cối vẫn không thể đâm chồi nảy lộc.
Hơn 10 năm trước, trong một chuyến cứu trợ đồng bào xã Đông Sơn bị nhiễm chất độc da cam, tôi tình cờ bắt gặp cậu thiếu niên thân hình gầy guộc nhưng đôi mắt vô cùng sáng. Khép nép đứng đợi nhận phần quà của mình, cậu bé vẫn gây chú ý đặc biệt vì hai bàn chân có tới 12 ngón. Khi đi khai sinh, bố mẹ em đã tiện thể đặt tên con là Hồ Văn Mười Hai. Trở lại Đông Sơn lần này, chúng tôi cố gặp và được Phó chủ tịch UBND xã Hồ Văn Tôi nhiệt tình chạy xe đi tìm Hồ Văn Mười Hai. Mười Hai giờ đã 27 tuổi, nhưng có lẽ mặc cảm “12 ngón” đã khiến em không phát triển tâm lý bình thường. Trong khi mẹ và em trai vẫn lên rừng đào củ thuốc bán cho thương lái kiếm tiền, Mười Hai vẫn khép mình trong nhà.
Hồi sinh 'thung lũng da cam' 1
Di tích lịch sử sân bay A So Ảnh: B.N.L
Bạn bè đồng trang lứa cưới vợ sinh con đã lâu, còn Mười Hai chỉ thẽ thọt: “Thấy con gái là sợ!”. Tôi hỏi sợ gì, em chỉ cười. Nụ cười của em giấu một nỗi mặc cảm bệnh tật bên trong.
Hồ Văn Mười Hai là một trong số 48 nạn nhân do di chứng chất độc da cam ở Đông Sơn (H.A Lưới) được hưởng trợ cấp 800.000 đồng/tháng. Ở Đông Sơn còn nhiều gia đình nhiễm chất độc da cam nặng, như trường hợp vợ chồng anh Hồ Gia Ngân (phó công an xã) liên tiếp sinh 11 người con nhưng cháu nào cũng dị dạng, khuyết tật và 8 người trong số ấy đã mất khi chưa đầy 1 tuổi. Ông Đoàn Văn Hiền (66 tuổi) cũng có nhiều đứa con khuyết tật, chết trẻ. Gia súc, gia cầm của người dân nuôi cũng không bán được, hoặc bị ép giá.
Hồi sinh 'thung lũng da cam' 2
Phó chủ tịch UBND xã Đông Sơn Hồ Văn Tôi, gương điển hình làm kinh tế giỏi Ảnh: B.N.L
Thung lũng dữ dội
Sân bay A So được quân đội Mỹ xây dựng từ những năm 1960 trong hệ thống 18 đồn bốt tại A Lưới. Năm 1966, lực lượng chủ lực của Sư đoàn 325 phối hợp với quân dân địa phương mở chiến dịch lớn tấn công giải phóng đồn A Sầu và sân bay A So cùng một vùng rộng lớn phía nam của A Lưới, trở thành căn cứ địa cách mạng của Thừa Thiên- Huế.
Chính nơi đây, cựu Ngoại trưởng Mỹ Colin Powell khi còn là một sĩ quan mang quân hàm đại úy đã được điều động về làm Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 3, Sư đoàn 1 bộ binh. Khi ấy, ông Colin Powell đã “chạm trán” với Việt Cộng. Trong hồi ký Hành trình nước Mỹ của tôi (My American Journey), cựu ngoại trưởng Colin Powell cho biết ông đến A So ngày 17.1.1963 trên chiếc trực thăng H.34 của thủy quân lục chiến. "Chúng tôi băng và nhảy cóc qua các cơn mưa rào, các đợt sấm sét bên trên các khu rừng già và đáp xuống một đường băng nằm giữa rừng già...", rồi “Việt Cộng bắt đầu nổ súng”. Colin Powell bắt đầu cảm thấy sợ hãi khi lần đầu tiên chạm trán với cuộc chiến tranh du kích trong cuộc hành quân mang tên Grasshopper bắt đầu từ ngày 7.2.1963.
Đề cập chuyện dùng chất độc tàn phá rừng ở A Lưới, Colin Powell kể: "Việc tiêu hủy được thực hiện tinh vi. Trực thăng mang đến cho chúng tôi những thùng 55 gallons thuốc diệt cỏ, một thứ tiền thân của chất độc da cam. Từ những thùng trên, chúng tôi chiết qua những bình xịt Hudson 2 gallons rưỡi, loại giống như bình chữa lửa. Chỉ vài phút sau khi phun thuốc, hoa màu bắt đầu ngả nâu và úa đi". Colin Powell được rời khỏi A Lưới vào ngày 23.7.1963, sau khi bị sập bẫy chông của dân quân A Lưới.
Hồi sinh 'thung lũng da cam' 3
Bàn chân 12 ngón của Hồ Văn Mười Hai Ảnh: B.N.L
Tường thuật của Colin Powell hoàn toàn phù hợp với kết quả nghiên cứu của Công ty tư vấn về môi trường Hatfield (Hatfield Consultants Co L.T.D- Canada) và Ủy ban Điều tra hậu quả chất độc hóa học trong chiến tranh VN (UB 10-80) về đánh giá sự tồn lưu của dioxin đối với hệ sinh thái và con người ở thung lũng A Lưới. “Điểm nóng” dioxin tại sân bay A So cũ theo tài liệu công bố các năm 1977, 1999 cho thấy hàm lượng dioxin trong đất là 879,85pg/g. Khu vực A So (xã Đông Sơn) chịu nặng nề nhất với nồng độ dioxin vượt 26 lần mức độ cho phép, do đây là nơi đỗ máy bay và tập kết vật liệu chiến tranh, súc rửa chất dioxin sau chuyến phun rải trở về.
Kết quả xét nghiệm các mẫu lấy từ khu vực A So (mỡ ngan, cá trắm cỏ, mẫu sữa, máu người dân ở A So sinh ra sau chiến tranh dưới 25 tuổi) đều có nồng độ dioxin cao gấp nhiều lần mức độ cho phép. Đây là nguyên nhân mà trẻ em xã Đông Sơn sống ở khu vực A So có tỷ lệ dị tật bẩm sinh cao hơn các bản ở xã khác.
Cải tạo "vùng đất chết"
Ngày chúng tôi trở lại Đông Sơn, cũng là lúc Phó chủ tịch UBND xã Hồ Văn Tôi nhận chiếc máy cày Kubota đa năng trị giá hơn 400 triệu đồng. “Mình mua máy ngoài làm việc của trang trại, trồng rừng, còn để cho bà con thấy mà học tập”, anh giải thích.
Anh Tôi xứng danh thanh niên trí thức người dân tộc Pa Cô ở A Lưới. Tốt nghiệp Đại học Nông lâm Huế, anh trở về quê tham gia công tác đoàn. Khi còn là cán bộ đoàn xã, anh đã "liều" khai hoang hơn 40ha đất trống, đồi trọc nhiễm dioxin để trồng rừng. Rừng keo kinh tế của anh năm nào cũng cho thu hoạch hơn 200 triệu đồng. Anh cũng làm trang trại tổng hợp nuôi bò, dê, cá, rau sạch… trên diện tích hơn 3.000m2 tại Đông Sơn.
Thiếu tá Đào Xuân Cửu, cán bộ biên phòng tăng cường làm Phó bí thư Đảng ủy xã Đông Sơn, cũng gắn bó nhiều năm với A Lưới. “Trước đây, ngay anh em bộ đội chúng tôi cũng không biết khu vực sân bay ô nhiễm dioxin nặng đến thế. Cả người dân và bộ đội đều sống trong khu vực sân bay. Sau năm 1999, khi tài liệu về ô nhiễm dioxin được công bố, tỉnh Thừa Thiên- Huế mới có chủ trương di dời người dân ra ngoài vành đai sân bay", thiếu tá Cửu nhớ lại. Sau đó, nhiều dự án hỗ trợ được triển khai, như dự án trồng hàng rào cây bồ kết và cây keo gai nhằm hạn chế người dân, gia súc vào khu vực ô nhiễm của tiến sĩ Phùng Tửu Bôi (Trung tâm Hỗ trợ bảo tồn tự nhiên và phát triển cộng đồng). Nhưng ngay cả cây bồ kết cũng không phát triển được. Đến khi dự án cấp nước sạch từ đầu nguồn kinh phí 1,4 tỉ đồng được Công ty xây dựng và cấp nước Thừa Thiên-Huế thực hiện, hơn 350 hộ dân Đông Sơn mới có nước sạch. Tháng 9.2004, các đơn vị công binh vào cuộc rà phá bom mìn ở khu vực sân bay để phục vụ dự án trồng rừng…
Thật khó hình dung phải qua biết bao nhiêu "công đoạn", bao nhiêu chính sách phát triển kinh tế, nông lâm nghiệp thực thi để Đông Sơn ngày nay sở hữu 260ha lúa, sắn, ngô và nuôi hơn 5.000 gia súc. Nhẩm tính bình quân mỗi hộ dân còn trồng được từ 1,5- 3ha rừng kinh tế. Rừng núi bao la là thế, nhưng ở "thung lũng da cam", mọi chuyện dường như phải làm lại từ đầu.
****
“Người dẫn đường” Hồ Văn Tôi xuất hiện ở đầu bài viết không ai khác chính là nguyên Bí thư Đoàn xã, gương điển hình thanh niên làm kinh tế giỏi được T.Ư Đoàn tặng bằng khen. Với chiếc máy cày vừa mua, anh dự tính sau ít năm nữa sẽ chuyển đổi số diện tích đất rừng vùng thấp sang trồng ngô, sắn khi Nhà máy tinh bột sắn A Lưới (đang đầu tư) đi vào hoạt động. Có người bảo Hồ Văn Tôi là mẫu trí thức mới trên vùng cao A Lưới, nhưng hình như chưa đủ. Anh ấy còn chất chứa bên trong một khát vọng hồi sinh mãnh liệt, ở thung lũng da cam...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.