Gọi Đông Sơn là vùng đất chết bởi đây được xem là “rốn da cam” với sân bay A So, nơi quân đội Mỹ sử dụng làm sân bay dã chiến và chứa chất độc dioxin. Sau bao nhiêu năm chiến tranh, “thung lũng da cam” này vẫn đang từng ngày hiện thực giấc mơ xanh lại vùng đất chết. Với ước vọng ấy, cô gái người dân tộc Pa Cô Đặng Thị Thon đã xông xáo đi đầu trong các phong trào, trở thành người thủ lĩnh năng động, nhiệt huyết của phụ nữ Đông Sơn, được T.Ư Hội LHPN VN tặng bằng khen cá nhân xuất sắc.
Chị Đặng Thị Thon chia sẻ: “Mình gắn bó với các phong trào phụ nữ từ năm 1999 đến nay. Đông Sơn là vùng biên với nhiều khó khăn, hầu hết người dân là người Pa Cô, Tà Ôi, Cơ Tu… Đời sống vật chất lẫn tinh thần của phụ nữ ở đây vẫn còn thiếu thốn đủ đường. Phụ nữ rất cần nơi để sinh hoạt với nhau, giúp đỡ nhau trong cuộc sống. Tôi từng chứng kiến nhiều người vợ bị chồng đánh đập, cả cuộc đời chỉ biết đi rừng đi rẫy. Bản thân cũng là phụ nữ nên tôi muốn làm gì đó, dù chỉ là những chuyện nhỏ”.
Với khát vọng ấy, chị Thon đã phát triển phong trào phụ nữ Đông Sơn từ một đơn vị yếu kém trở thành một đơn vị xuất sắc, được Hội LHPN VN khen tặng. Không chỉ phát triển các sân chơi cho chị em, chị Thon còn đẩy mạnh các phong trào giúp đỡ nhau phát triển kinh tế.
Chị Thon kể: “Trước đây, chị em ít sinh hoạt với nhau lắm. Vận động mãi mới có thành viên. Từ ấy mới tổ chức được những buổi tuyên truyền về sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình cũng như tổ chức những hoạt động ý nghĩa vào các ngày lễ tết để chị em vui chơi, giao lưu với nhau. Tôi nhớ mãi, có năm tổ chức ngày 8.3, tôi đến nhà một chị ở thôn Tru thì bị chồng chị ấy lấy dao dọa chém. Nhiều người ban đầu mình đến vận động tham gia còn hỏi có cho gạo cho tiền không. Tuy vậy, người trên mình quan trọng nói là phải làm, tạo dựng được niềm tin thì họ rất nhiệt tình. Chuyện tiền bạc phải minh bạch, tạo nhiều sân chơi cũng nhưng những buổi sinh hoạt thiết thực chị em mới hào hứng tham gia”.
Để giúp đỡ chị em phát triển mô hình kinh tế, chị Thon có nhiều sáng kiến trong việc tạo nguồn vốn vay đúng mục đích, trả tiền đúng kỳ hạn. Trong năm 2015 đã giải quyết cho vay mới 330 triệu đồng/14 hộ. Các hộ vay vốn đã sử dụng đúng mục đích, đầu tư vào trồng rừng kinh tế, chăn nuôi và có kết quả, góp phần xóa đói giảm nghèo như hộ chị Đoàn Thị Phượng, Hồ Thị Cúc; chị Hồ Thị Pít, Hồ Thị Hưa, Hồ Thị Ết…Để làm gương, chị Thon tích cực phát triển kinh tế gia đình mở trang trại tổng hợp nuôi cá, gà, vịt, dê, bò, trâu và trồng rừng kinh tế, mang lại nguồn thu nhập hơn 100 triệu đồng mỗi năm.
Chị Hồ Thị Cúc (trú tại thôn Tru) nói: “Chị em phụ nữ Đông Sơn đoàn kết lắm, thường xuyên sinh hoạt với nhau. Ai khó khăn ốm đau nặng cũng được thăm nom, giúp đỡ. Đặc biệt, chị Thon không chỉ làm kinh tế giỏi mà còn bày mọi người đào ao nuôi cá, nuôi gà... Rồi còn xây dựng nguồn vốn để chị em luân phiên vay để mua thêm đàn gà, đàn vịt hay con heo về nuôi. Chị em chủ động được tiền bạc để lo cho gia đình”.
Bà Lê Thị Quỳnh Tường, Chủ tịch Hội LHPN H.A Lưới cho biết: “Chị Thon là một người trẻ đầy nhiệt huyết với nhiều sáng kiến hiệu quả như tạo nguồn vốn vay, giúp đỡ chị em neo đơn nghèo khó. Đó điều đáng ghi nhận bởi Đông Sơn là vùng khó khăn, đời sống chị em càng khó khăn hơn. Chị em nhận thức vẫn còn hạn hẹp, thuyết phục được các chị em tham gia đoàn hội, phong trào, hoạt động này nọ là điều không hề đơn giản”.
Bình luận (0)