Ở thôn Xú 1, không ai gọi bà Luyến bằng tên thật mà gọi là “bà chuột mốc”. Chỉ cái tên ấy đã nói lên cuộc đời nhiều bất hạnh của người phụ nữ khắc khổ này. “Mẹ tôi không muốn tôi ra đời. Vì bố tôi đi kháng chiến, ở nhà mẹ tôi có bầu. Bà tìm mọi cách bỏ cái thai trong bụng bằng cách uống nhiều thứ thuốc vào người, khiến tôi không được bình thường. 5 tuổi tôi mới biết đi, lại xấu xí lắm, da dẻ thì bị vảy nến, cứ mốc trắng cả người nên dân làng gọi tôi là chuột mốc. Gần 30 tuổi, cán bộ xã mới bảo tôi tên là Luyến thì tôi mới biết thế”, bà Luyến kể về cái tên của mình.
Bà Luyến bị gù nặng, lưng gần như song song với mặt đường. Bà bảo, do quanh năm cặm cụi hái rau, bắt ốc để nuôi sống cả gia đình mà ra thế. “Hơn 30 tuổi tôi mới lấy chồng. Lúc có người làm mối, tôi cũng tặc lưỡi đồng ý vì nghĩ mình xấu xí, nghèo khó, có người chịu lấy là tốt lắm rồi. Chồng tôi tên là Trần Quang Xoan, người ở xã Hoa Động cùng huyện, kém tôi 5 tuổi. Ông ấy hồi trẻ nom cao ráo lắm, ai ngờ sức khỏe kém, đầu óc cũng không minh mẫn, không thể tự làm được việc gì, mỗi việc đi mò ốc là có thể tự làm được một mình”, bà Luyến bùi ngùi kể. Rồi bà chỉ tay ra khu đất rộng thênh thang nhưng trống trải, hoang vắng trước nhà và nói: “Bố mẹ để lại cho đất đai mà không làm gì được, nuôi con gì, trồng cây gì cũng chết vì không ai biết chăm sóc, mình tôi thì không đủ sức vì phải trông nom cả nhà”.
tin liên quan
Người mẹ bị ảnh hưởng chất độc da cam: 1 tỉ tôi cũng không 'bán' conChị Phạm Thị Hiên, 37 tuổi, thôn Lê Xá, xã Lê Thanh, huyện Mỹ Đức, Hà Nội chỉ cao 1 m do ảnh hưởng chất độc da cam, đang nuôi một bé gái 3 tháng tuổi trong cảnh túng quẫn.
Năm 1987, ông bà Luyến sinh con đầu lòng là chị Trần Thị Thương. “Sinh con ra nhiều hy vọng lắm, nhưng ai ngờ con bé giống bố nên cũng không bình thường, không biết nói, 5 tuổi mới biết đi, người thì cứ quắt lại”, bà Luyến kể tiếp. Theo bà Luyến, chị Thương cả ngày chỉ đi lại trong sân nhà, mọi sinh hoạt, ăn uống đều do một tay bà phục vụ.
Con gái thứ hai của bà là chị Trần Thị Nhớ, năm nay 23 tuổi. Nhớ lớn lên khá bình thường về thể chất nhưng trí tuệ chỉ như đứa trẻ lên 5. “Hồi còn bé, tôi nghĩ nó không sao. Nhưng cho đi học thì nó cứ đơ ra, học không vào, đến lớp chỉ lấy đồ của bạn vứt đi. Tôi cho đi khám, bác sĩ bảo cháu chậm phát triển. Thôi, thế là đời tôi có cái nghiệp rồi”, bà Luyến than thở.
Mong sống lâu để chăm sóc chồng con
Nghe mẹ nói chuyện, Nhớ ngồi bên thi thoảng cười hềnh hệch một cách vô thức rồi lại lẩm bẩm “mất rồi, chết rồi”. Bà Luyến bảo: “Nó đang buồn đấy, mấy ngày nay không ăn uống gì vì mới mất con. Do là năm trước có anh người quen ở gần đây, hay ghé qua nhà chơi. Cũng độ ấy con bé có thai nhưng anh này không nhận. Con bé tự đến nhà anh ta để tìm thì bị đánh, đuổi về”. Bà Luyến quyết định để con sinh cháu và năm 2015, Nhớ sinh được một bé gái.
“Có cháu vui lắm chú ạ! Khổ thì đằng nào cũng quá khổ rồi! Có thêm đứa trẻ con cũng vui cửa vui nhà. Mỗi tội cháu nó bị xương thủy tinh và cũng có bệnh về não”, bà Luyến nói và kể chị Nhớ cũng vui vì có con, nhưng không biết làm gì ngoài việc nhảy múa cho con xem. Mới đây, ngày 27.3, bà Luyến có việc nên nấu sẵn đĩa bột, bảo Nhớ cho con ăn. Trong lần đầu tiên được mẹ cho ăn, bé gái đã sặc bột và tử vong. Bà Luyến lập cho cháu ngoại cái ban thờ nhỏ trên chiếc bàn nhựa cũ nhưng tấm ảnh thờ cũng không có. Một ngày chị Nhớ thắp hương cho con cả chục lần và thường ra ngồi bên mộ con.
Ngôi nhà tình thương cấp 4 của bà Luyến hôm chúng tôi đến không có gì đáng giá ngoài chiếc giường và vài vật dụng được các tổ chức từ thiện hỗ trợ. Nguồn sống của cả gia đình trông vào số tiền trợ cấp ít ỏi và mấy luống rau trồng trước nhà. Vài năm trước, ông Xoan còn có thể đi bắt ốc, nhưng gần đây cũng không thể làm công việc này được nữa. "Cầu trời cho tôi được khỏe mạnh, sống lâu để lo cho mấy bố con nhà nó”, bà Luyến vừa nói vừa khóc khi chúng tôi ra về…
Theo bà Đàm Thị Loan, cán bộ chính sách xã Lâm Động, gia đình bà Luyến là hộ đặc biệt khó khăn và được chính quyền, các cơ quan đoàn thể quan tâm. Ngoài việc được một số tổ chức từ thiện hỗ trợ, mỗi tháng chị Thương được hưởng 540.000 đồng tiền trợ cấp theo tiêu chuẩn người khuyết tật. Chính quyền xã cũng đang hoàn thiện hồ sơ để chị Nhớ được hưởng chế độ hỗ trợ.
|
Bình luận (0)