Hot girl bán kem trắng da siêu tốc trên Facebook: 'Độc dược' tàn phá

14/10/2016 14:02 GMT+7

Những quảng cáo “có cánh”, khoe làn da trắng nõn, danh xưng hotgirl trên nhiều trang facebook, fanpage bán kem trắng da đã khiến không ít người muốn làm đẹp nhanh “sập bẫy”. Nó sẽ tàn phá làn da tệ hại bởi “độc dược” có trong các loại kem này.

Không quơ đũa cả nắm nhưng đã có những trường hợp dưới đây tin lời quảng cáo 'sốt dẻo" từ Facebook của các hot girl không những vừa mất tiền vừa phải đau đớn trước việc làn da và khuôn mặt của mình bị tàn phá. Một cảnh báo hết sức cần thiết cho các bạn gái trẻ trước khi quyết định sử dụng các loại mỹ phẩm không rõ nguồn gốc. 
Quảng cáo “không tì vết” và sự thật phũ phàng
“Chất kem sệt mềm như trứng sữa. Thoa là ghiền luôn”, “da sáng hơn 1 tone sau khi thoa, cực tự nhiên, kể cả da ngăm đen, chai lì”,… là một số lời quảng cáo của một fanpage bán kem trắng da.
Lướt trên facebook thời gian gần đây cũng đầy rẫy các hotgirl khoe làn da trắng nõn, đồng thời chia sẻ “bí quyết”, bán các sản phẩm giúp “có làn da trắng sáng không tì vết”. Trong đó, có cả clip thử nghiệm rửa một bên tay bằng một loại sữa rửa mặt, sau đó thoa một loại kem trắng da (cùng loại), chỉ sau 10-15 phút, bên bàn tay được rửa và dùng kem trắng da được rao bán đã trắng hơn hẳn bên kia.

Da trắng, căng, mịn, không tì vết chỉ có corticoid làm được, ngoài ra không có chất gì có thể làm được

Bác sĩ Nguyễn Phúc Cẩm Anh, nguyên giảng viên Trường ĐH Y dược TP.HCM

Các loại mỹ phẩm này hầu hết đều là “công thức riêng tự pha trộn” hay một nhãn hiệu lạ hoắc, nhãn hiệu của chính người bán.
Tin và sử dụng một sản phẩm làm trắng da được rao bán như thế, N.T.L. (22 tuổi, ngụ Q.Phú Nhuận, sinh viên và làm thêm ở công ty marketing), cho biết đã phải ôm mặt khóc nức nở khi đi khám bác sĩ với hậu quả là khuôn mặt đầy mụn, sần sùi, đỏ rát. L. đã mất hơn nửa năm để điều trị khắp nơi.
“Kem hiệu lạ nhưng thấy trên facebook bạn đó giới thiệu tốt và bằng chứng chính là người bán, bạn ấy da căng trắng, chỉ “bí quyết” nên em mua dùng thử. Dùng một tuần thấy có hiệu quả, da trắng sáng hẳn nên em dùng luôn”, L. kể.
Tuy nhiên, sau một thời gian sử dụng thì da L. bắt đầu nổi mụn. Không dùng kem và sữa rửa mặt này nữa thì da L. “xuống cấp” hẳn, càng sần sùi và nổi mụn nhiều hơn. Sau đó, L. đi khám và uống thuốc mát gan trong thời gian dài thấy hết mụn thì ngưng. Nhưng kể từ lúc ngưng thuốc mát gan da bị nổi mụn nhiều hơn thời gian trước đó. Chị lại tự ra tiệm thuốc tây mua thuốc uống để trị mụn trong khoảng hơn 1 tháng. Thời gian đầu uống thuốc thì mụn thuyên giảm nhưng sau đó mụn nổi dày đặc và sưng viêm nhiều khắp mặt.
Cuối cùng, qua thăm khám, soi da, L. được bác sĩ ghi nhận là viêm da do nghiện corticoid thể da nhờn nổi mụn. Thời gian trị liệu phục hồi kéo dài hơn 3 tháng thì da L. mới ngừng lên mụn và lành dần.
Như trường hợp của T.V.H. (20 tuổi, sinh viên, ngụ tại Hà Nội), thường hay bị ngứa trên da nên trong vòng 7 năm H. thường mua kem trên mạng, không nhớ tên, để bôi trị ngứa.
Thời gian đầu, thấy da sạch mụn nên từ đó H. cứ tiếp tục mua bôi liên tục. Trong thời gian này, H. thấy da mỏng trắng đẹp, lại hoàn toàn hết ngứa đỏ dị ứng. Thế nên H. đã có vài lần ngưng bôi kem này. Tuy nhiên, khi ngừng bôi vài ngày thì chứng ngứa đỏ xuất hiện, sau đó thì chảy nước vàng, đóng mày dày cứng khắp các vùng da mặt đã từng bôi kem. Vùng da tổn thương này ngày càng lan rộng.
“Khi đó, mình chỉ còn cách bôi lại kem ấy thì hiện tượng trên mất đi vì không còn cách lựa chọn khác mặc dù thấy tác hại này”, H. chia sẻ.
Cứ vậy, trong vòng 7 năm H. đã bị viêm trên vùng mặt tái đi tái lại nhiều lần.
Bác sĩ Nguyễn Phúc Cẩm Anh, nguyên giảng viên Trường ĐH Y dược TP.HCM, Giám đốc Trung tâm Thẩm mỹ Hoàng Hạc, Trung tâm phục hồi viêm da do corticoid, cho biết: Thời gian vừa qua, ngày càng nhiều bạn trẻ đến khám với làn da bị tàn phá nặng nề bởi chất corticoid.
Hầu hết đều cho biết bị tình trạng trên sau thời gian sử dụng các loại mỹ phẩm, kem làm trắng da được rao bán trên mạng, được bạn bè giới thiệu, có tác dụng giúp hết mụn, da trắng sáng nhanh, không tì vết.
“Sản phẩm làm trắng da càng nhanh thì nguy cơ chứa corticoid càng cao. Nói một cách khiêm tốn thì hầu như hơn 90% mỹ phẩm, kem trắng da trôi nổi là có chứa corticoid”, bác sĩ Cẩm Anh cho biết qua nghiên cứu đánh giá trong quá trình tiếp nhận và điều trị cho bệnh nhân.
"Độc dược" trong kem trắng da
Theo bác sĩ Cẩm Anh, corticoid là được xếp trong nhóm độc dược bảng B của Bộ Y tế. Chất này là độc dược nhưng cũng được xem là thần dược trong y khoa vì là thuốc chống viêm và chống dị ứng mạnh, có hiệu quả nhanh đối với bất kỳ nguyên nhân nào. Thuốc được dùng trong các trường hợp cấp cứu, sốc phản vệ (dị ứng cấp tính) để điều trị triệu chứng cấp thời vì có tác dụng nhanh. Tuy nhiên, corticoid chỉ điều trị phần ngọn, chứ không điều trị gốc.
“Corticoid chỉ được dùng theo chỉ định của bác sĩ và ngay cả bác sĩ cũng phải đặc biệt cẩn trọng (xem xét đã cần dùng chưa, liều lượng và thời gian dùng) khi dùng thuốc có chứa corticoid. Khi được đưa ra khỏi phạm vi y tế thì corticoid là độc dược gây hại vì những tác dụng phụ, gây nghiện y như ma túy. Chất này càng không được đưa ra dưới dạng mỹ phẩm các kiểu”, bác sĩ Cẩm Anh nhấn mạnh.
Các loại kêm trắng da được bán trên mạng với quảng cáo "trắng không tì vết" - Ảnh: chụp màn hình
Theo bác sĩ, corticoid có trong các loại mỹ phẩm, kem trắng da ban đầu sẽ giúp da bề ngoài trắng tuyệt đẹp, tuyệt nhanh. Vì vậy, người dùng hài lòng, người bán cũng hài lòng và càng tin dùng sản phẩm. Tuy nhiên, phía sau tác dụng trắng da của corticoid là hậu quả nặng nề. Người dùng mỹ phẩm chứa corticoid đều bị biến chứng khi dùng trong một thời gian dài hoặc khi ngưng dùng sản phẩm.
“Nhìn bên ngoài da trắng láng nhưng làn da đó không hề khỏe đẹp mà đang có vấn đề. Nhìn kỹ, soi da sẽ thấy mụn, lần sần, da trắng trắng đỏ đỏ và mụn mẫn dưới da”, bác sĩ Cẩm Anh cho biết.
Chất này gây ra rất nhiều biến chứng hủy hoại làn da và sức khỏe người sử dụng. Người dùng mỹ phẩm chứa corticoid sẽ bị viêm da kích, với các triệu chứng: nóng rát ngứa đỏ da, sẩn đỏ hay mụn nước khắp mặt. Nặng hơn là nhiễm trùng trên da phát triển gây ra mụn viêm, mụn mủ sưng to và đau nhức.
Bên cạnh đó, corticoid còn gây ra hàng loạt bệnh về da khác như: viêm da nổi mụn và da đổ nhờn nhiều; nám da sâu và đậm lan rộng; da lão hóa, dầy, sần sùi, nhăn gãy, đen xạm; bề dày da teo mỏng lỏng lẻo nên dễ chảy xệ; da mỏng và dãn mạch thể hiện bằng những mạch máu ngoằn ngoèo nhìn thấy rõ dưới da, gây ra tình trạng đỏ da, có thể đỏ phừng phừng khi có tác nhân môi trường kích thích như nóng, bụi, hóa chất,…
Việc điều trị bệnh do da nhiễm corticoid thường rất khó khăn, có thể kéo dài 1-3 tháng nếu nhẹ, 3-6 tháng nếu tình trạng vừa và nặng thì đến cả năm.
“Trên cơ sở khoa học, không có một loại kem, mỹ phẩm nào làm cho da trắng nhanh và trắng hoàn hảo, mang đến cho một người trưởng thành “làn da đẹp như làn em bé” hay “làn da không tì vết”. Da trắng, căng, mịn, không tì vết chỉ có corticoid làm được, ngoài ra không có chất gì có thể làm được”, bác sĩ Cẩm Anh khuyến cáo.
Mỹ phẩm, kem trắng da chứa corticoid có thể được nhận biết trong quá trình sử dụng.
Theo bác sĩ Nguyễn Phúc Cẩm Anh, mỹ phẩm chứa corticoid khi dùng giúp da đẹp rất nhanh (chỉ sau 1 tuần). Thế nhưng, chỉ cần dùng sản phẩm trong một tuần rồi ngưng sẽ thấy ngay hậu quả. Da sẽ bị dị ứng, sẩn đỏ như sẩy ngứa, nóng rát xuất hiện ngày càng nhiều, mật độ càng gần và càng lan rộng. Đặc biệt, da sẽ xấu tệ rất nhanh so với trước khi dùng sản phẩm này.
Vì vậy, đòi hỏi người đã dùng sản phẩm chứa corticoid cứ phải tiếp tục dùng và trở nên… nghiện.
Bác sĩ Cẩm Anh khuyên: Trong trường hợp trên (đã dùng phải mỹ phẩm chứa corticoid), người dùng phải ngưng ngay sản phẩm (dù biết rằng khi đó da sẽ diễn biến phức tạp và rất xấu). Đồng thời, đến bác sĩ chuyên khoa để điều trị.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.