Hướng về miền Trung: Những ngày sống với nghĩa đồng bào!

Trần Thanh Bình
Trần Thanh Bình
25/10/2020 10:49 GMT+7

Hơn nửa tháng đầy các sự kiện trên mặt báo và mạng xã hội , sạt lở nơi này, ngập lụt nơi khác, là trong mỗi người đầy lên bao nỗi lo toan day dứt.

Nhìn tận mắt, mới nhận biết những cơn cuồng nộ tiếp nối của đất trời đã tàn phá như thế nào, khuôn mặt thất thần của bao đồng bào mình ở miền Trung ẩn chứa nỗi đau ra sao.

“Thương về miền Trung”…

Giở lại nhật ký hằng ngày, từ khi mưa lũ bắt đầu đổ xuống miền Trung. Từng ngày từng ngày nghe quặn thắt với những dòng tin cuồn cuộn thác nước dồn xuống hạ nguồn sông Hương, sông Bồ. Ngập lụt đột ngột tràn qua các ngả đường thành phố Huế. Vùng ngoại vi tỉnh này cũng chịu cảnh tang thương. Đúng ngày thứ hai, cách đây gần 2 tuần, nhận định tình hình đồng bào miền Trung đang dầm mình trong nước lũ, rất cần sự hỗ trợ của cộng đồng, Báo Thanh Niên phát lời kêu gọi với những lời lẽ thống thiết. Rất nhanh, những chuyến xe chở hàng cứu trợ của Ni sư Thích Nữ Tâm Nguyệt chuyển bánh trực chỉ Thừa Thiên-Huế và Quảng Trị.
Hàng cứu trợ vào xã Húc, H.Hướng Hóa ẢNH: TRẦN THANH BÌNH

Hàng cứu trợ vào xã Húc, H.Hướng Hóa

ẢNH: TRẦN THANH BÌNH

Trên những con đường, hàng đoàn xe cứu trợ đổ về miền Trung. Bắt đầu từ Huế, dòng xe căng băng rôn nối dài về những huyện vùng thấp trũng. Những huyện Hương Trà, Quảng Điền, Phong Điền (Thừa Thiên-Huế)…, nước mưa hòa nước lụt chảy băng dưới những vòng xe quay hối hả. Trước đó, trên máy bay, lúc vừa đáp xuống Phú Bài, thầy Thích Quảng Thiện cùng với quý phật tử và một nhóm bạn trẻ đã kịp vận động quyên góp, hối hả đi như chạy trong cơn mưa vội, để kịp lên xe đến với đồng bào.
Đoàn của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (AVG) phối hợp với Báo Thanh Niên cũng tất bật không kém. Họ đã kịp kết nối với các đồng nghiệp ở sân bay Phú Bài đưa xe trực chỉ ra H.Phong Điền. Hai xã trũng nhất là Phong Hòa và Phong Bình vẫn ngập nặng. Xe băng qua dòng nước vẫn tràn con đường liên xã, đến nơi để kịp trao cho bà con 100 phần quà với mỗi phần quà gồm 1 triệu đồng tiền mặt và nhu yếu phẩm.

Gió qua miền lũ dữ

Từ Huế, chúng tôi thẳng tiến ra Quảng Trị trên chuyến xe của một nhóm bạn từ TP.HCM tức tốc ra cứu trợ hôm trước, và bây giờ họ cùng về miệt đất trũng của xã Triệu Trạch (H.Triệu Phong, Quảng Trị). Mỗi hộ nghèo ở xã này được nhóm bạn tặng 2 triệu đồng. Ở đó, khi đang giúp đồng bào, trong cơn mưa thì nghe tiếng gọi từ Quảng Bình, nước dòng Kiến Giang đang nhấn chìm 2 huyện Lệ Thủy và Quảng Ninh.
Một nhánh khác của Báo Thanh Niên đang chuẩn bị đủ thứ nhu yếu phẩm và tiền để gửi tặng bà con. Một nữ nhà báo đồng nghiệp ở văn phòng miền Trung của báo, chiều hôm trước đã phải lùng sục siêu thị ở TP.Đông Hà để đóng gói cho được 500 phần nhu yếu phẩm chuyển sớm ra H.Lệ Thủy.
Đi qua vùng đất đôi bờ sông Bến Hải ở Quảng Trị chiều hôm ấy, nhìn những hình ảnh trên các clip quay ở Quảng Bình, tôi cứ nghĩ rằng xứ này lũ qua, thì xứ kia lại đang gồng mình trong mưa gió thét gào. Đi, mà cứ hình dung, với nguồn lực cả nước hỗ trợ cho miền lũ dữ Bình Trị Thiên như vậy, san sẻ vợi bớt phần nào đau thương. Nhưng, nhìn những xóm làng đi qua, không biết lúc nào vơi hết bao khó khăn chất chồng sau lũ. Tâm tư ấy, không chỉ của riêng tôi và các đồng nghiệp cùng những đoàn cứu trợ trực tiếp, mà biết rằng nghĩa đồng bào đang thôi thúc bao người. Hiển hiện điều ấy trên bàn tay hối hả vớt những đòn bánh tét trong nồi nước đang sôi, để chuyển nhanh cho bà con đang đói rét. Là câu hỏi trên mỗi chặng đường khi chuyến xe bị dừng lại vì tắc đường: “Không biết có kịp đi trước lúc trời tối không, để đưa hàng đến cho bà con?”.

Ám ảnh núi

Ngày 23.10, chúng tôi vượt cung đường ngoằn ngoèo để lên với đồng bào 2 huyện Hướng Hóa và Đakrông, Quảng Trị. Xuất phát sớm ở Đông Hà, nhìn qua cửa xe thấy núi đồi như bị ai vạt mất quá nhiều. Vết tích của trận lũ cuồng nộ đêm 18.10 còn rõ lắm hai bên vách núi. Hơn 60 km đường qua Cam Lộ, Đakrông, Hướng Hóa, mỗi ki lô mét là mỗi ám ảnh, khi nghĩ đến vụ sạt lở xót đau vùi lấp 22 cán bộ, chiến sĩ ở xã Hướng Phùng. Anh lái xe tên Ly mỗi khi qua một khúc cua, nhìn vạt núi bị sạt, đất đá vẫn còn chất bên đường, lại kêu lên “ui dà”, khiến mọi người cùng đi hốt hoảng nhìn ra. Và liên tưởng…
Tại trụ sở Huyện ủy Hướng Hóa, Bí thư Huyện ủy Lê Minh Tuấn thông tin nhanh: “Chiều qua trực thăng phải thả 1,5 tấn hàng tiếp tế cho bà con xã Hướng Việt. Sáng nay sẽ bay vào lại để chuyển 2 đồng chí cán bộ bị thương đang kẹt trong đó. Nước lũ chia cắt khiến công tác cứu hộ và cứu trợ quá khó khăn”. Lúc xe rời đi, qua xã Húc rồi đến xã Thuận của huyện này, tầm 10 giờ 30, Bí thư Huyện đoàn Hồ Duy Tuấn nhìn điện thoại rồi reo lên: “Trực thăng đã đáp xuống được. Đang chở người bị thương bay vào Huế”.
Từ Hướng Hóa, chúng tôi trở về lại cung đường QL14, băng qua cầu treo Đakrông để đến xã Pa Nang (H.Đakrông). Thấp thoáng vài đoàn đi khảo sát đánh giá thiệt hại cung đường để khắc phục. Tại ngã ba rẽ vào đường liên xã Pa Nang, một đoàn xe phải dừng lại vì “cán bộ đường bộ ngoài Trung ương vào khảo sát ngăn lại, không cho xe qua vì sợ nguy hiểm”, ông Lê Văn Thắng, Phó chủ tịch xã Pa Nang, nói.
Lúc ấy, nhìn lên những ngọn núi trọc, rồi nhìn xuống dòng sông Đakrông cuộn chảy, tôi không thể không hình dung mấy bữa trước, trời đất ra sao. Chợt liên tưởng đến tiếng ầm ầm của núi và đoàn người chạy tán loạn, thất thần vì những cú sạt lở mà đồng nghiệp Nguyễn Phúc may mắn thoát nạn vài ngày trước. Bỗng nghe loáng thoáng ai đó thở phào, nói “may mà hôm nay trời nắng hửng”…
Đồng bào trong cơn hoạn nạn ở nơi nào chúng tôi đến cũng túm tụm tỉ tê hỏi han nhau về thiệt hại mỗi nhà. Và ở nơi xa xôi nào đó, chủ đề ngập lụt và cứu trợ cũng len vào trong mỗi bữa ăn giấc ngủ của mọi gia đình.
Sự đùm bọc trong nghĩa đồng bào là ấn tượng khó quên trong các chuyến đi cứu trợ. Cho đến bây giờ, vẫn luôn vang lên trong điện thoại của tôi những lời hỏi thăm, và tha thiết nhắn nhủ rằng, xin cho biết vùng nào thiệt hại còn nhiều, để tiếp tục vận động quyên góp giúp bà con…

“Không cẩn thận là mất dân”

Ở trụ sở xã Pa Nang, ông Lê Văn Thắng, Phó chủ tịch xã được cử làm trưởng ban cứu trợ đồng bào. Ông tâm sự: “Khi nhận trọng trách này, tôi biết sẽ có nhiều điều ra tiếng vào, bởi bây giờ một khi bà con có suy nghĩ là không công bằng, thì chỉ một cú nhắn tin, một đoạn clip hay một status trên Facebook là sẽ rất phiền toái.
Ông Lê Văn Thắng trao quà cứu trợ cho bà con xã Pa Nang ẢNH: TRẦN THANH BÌNH

Ông Lê Văn Thắng trao quà cứu trợ cho bà con xã Pa Nang

ẢNH: TRẦN THANH BÌNH

Vì vậy, chúng tôi phải hết sức cẩn thận. Nếu không, thì trước hết là mất dân, thứ nữa rất mang tiếng, và điều quan trọng là sẽ không còn ăn nói gì được với bà con. Điều ấy khiến tôi rất e ngại, thao thức để làm sao mọi sự vẹn toàn, nhất là trong hoàn cảnh hoạn nạn lúc này”.
Lời tỏ bày của ông Thắng khi gặp đoàn cứu trợ của chúng tôi, thiết nghĩ đã sáng rõ bao điều trong những ngày ngược xuôi đến với đồng bào, lúc trên mạng xã hội vẫn chộn rộn không ít những lời ra tiếng vào, ủng hộ và nghi ngại...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.