Đây không phải là món gỏi được làm từ củ tỏi như nhiều người lầm tưởng, mà được làm từ cây... tỏi đực. Dân đảo kể, họ trồng tỏi trên ruộng cát bình thường. Tới mùa thu hoạch, cây nào lá rụi (vàng úa) do phải nuôi củ cho sởn sơ mập mạp thì được nhổ lên, cắt lấy củ, phơi phóng, cho vào bao. Còn cây nào lá cứ phởn phơ xanh tốt là tỏi đực.
Nhổ thử một cây, thấy “củ” nhỏ cỡ đầu ngón tay út, trắng phau, không có múi, có tép, hao hao giống củ kiệu. Rễ thì dài và suôn chứ không tỏa ra như củ tỏi thường. Là đàn ông con trai, không sinh con đẻ cái gì, tỏi đực mặc sức chăm chút cho bộ cánh của mình. Hèn chi, khi “tỏi cái” đã về nhà, tỏi đực còn mải ham chơi, đứng từng mảng trên ruộng cát nóng bỏng và tự nhiên xanh như... “rút ruột mà xanh”.
Là... cà khịa cho vui vậy thôi. Chứ nếu biết nói, tỏi đực sẽ vỗ ngực tự hào rằng mình là món đặc sản của “huyện tỏi” này. Mình đã, đang và sẽ để lại “cho đời” món gỏi vừa độc lạ, vừa ngon bổ rẻ khỏe mà chỉ có khách quý mới được dân đảo thết đãi. Vì vậy, chủ ruộng tỏi không ai dám nhổ hết một lần mà chỉ nhổ nhỏ giọt, cầm chừng thôi, gọi là của để dành, sẵn sàng chế biến món gỏi ngon “thần sầu” khi nhà có dịp vui. Những ai ra đảo, được thưởng thức món này thì dù mai mốt mới về cũng sẽ “lâm” vào tình trạng chưa xa đã nhớ...
Tôi lần đầu nghe gỏi tỏi, cứ nghĩ món này chắc được kết hợp với thịt, cá, tôm, cua hay sò, ốc gì đấy. Tôi có phần đúng khi một giáo viên người “bản đảo” xác nhận đó là “phiên bản” của dân đất liền đi du lịch. “Họ được biếu hoặc mua cây tỏi đực Lý Sơn mang về. Gỏi của họ chỉ lớt phớt một ít tỏi đực. Còn lại là hải sản hoặc thịt bò, thịt ba chỉ. Tôi có lần đi họp ở phố, được họ mời ăn thứ gỏi tỏi “độ chế” này. Theo tôi, hương vị, hồn cốt đặc trưng của gỏi tỏi Lý Sơn đã không còn nguyên vẹn. Gỏi tỏi chỉ nên là... gỏi tỏi. Mọi sự pha trộn với thịt thà cá tôm làm cho món gỏi có vẻ kiểu cách đấy. Nhưng cái nồng nàn của gỏi tỏi thì không còn mấy”, anh này nhận xét.
|
Giờ tôi đang ở đảo, ngồi trong nhà vợ chồng người bạn đảo vốn quen biết từ trước và xem họ làm gỏi tỏi. Một lượm cây tỏi đực được làm sạch bộ rễ và cắt hai phần ba thân trên rồi hấp chín. Chị vợ phi hành tím với dầu ăn thơm ngào ngạt. Anh chồng lúi húi pha chế tô nước mắm chua ngọt mà theo anh là góp phần “quyết định thành bại” món gỏi trứ danh Lý Sơn này.
Mắm, dầu ăn, rau càng cua, rau thơm, ngò, xà lách xoong được trộn chung với phần tỏi đã hấp chín. Những lát hành tím đã phi vàng được thả lên trên. “Chưa đâu, còn điểm thêm tóp mỡ và đậu phộng rang giã nát vô nữa mới đúng điệu món gỏi tỏi ngon mòn ngon mỏi”, anh chồng hào hứng nói.
Ngôi nhà sát mé biển, gần mấy đám ruộng tỏi chỉ còn những mảng tỏi đực đang lao xao. Không gian này khiến bữa gỏi thêm phần... lãng mạn. Câu chuyện mùa tỏi mới của vợ chồng người bạn chợt râm ran trong tiếng bánh tráng vỡ rôm rốp. Quả thật lần đầu tôi được thưởng thức món gỏi đậm đà Lý Sơn như thế này. Những nhánh tỏi phảng phất mùi hăng nồng dịu nhẹ “đi” với ngụm rượu gạo xem ra khá hợp với buổi chiều nhiều gió. Chủ nhà hỏi gỏi “chay” (không tôm, thịt...) như vầy mấy bạn thấy sao? Tôi nói phải “nguyên bản” vậy mới đúng chất đảo. Mai này người đất liền ngồi vọng đảo, nhớ gỏi, mới thấy “còn ta với nồng nàn” chứ.
Bình luận (0)