Karaoke xóm, màn ‘tra tấn’ nhiều người khóc ròng - Kỳ 5: Chủ tịch phường cũng... 'bó tay'!

10/03/2018 09:37 GMT+7

Một nhà mở tiệc karaoke là cả xóm phải ‘thưởng thức’ âm nhạc bất đắc dĩ. Gọi điện thoại tới cơ quan chức năng nhưng đâu cũng vào đó bởi vì việc xử phạt hát karaoke khó đến mức một số chủ tịch cũng… bó tay.

Karaoke giờ đây trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của nhiều gia đình khi có tiệc vui, mà không vui người ta cũng hát karaoke. Chẳng cần một lý do chính đáng nào, chỉ vì muốn hát là mở loa lên hát.
VIDEO: Nhiều người phải lên tiếng về độ thảm họa của karaoke xóm

Nếu như ngày trước muốn hát karaoke thì phải có dàn âm ly hoành tráng, còn nay chỉ cần 1 chiếc smartphone, 1 cái loa di động giá khoảng 1.000.000 đồng là có thể mở nguyên một liveshow.
Bầu chọn
Bạn nghĩ gì về việc hát karaoke gây ồn ào cho hàng xóm?
Nhiều người thoải mái hát, thậm chí kéo cả loa ra sân, ra trước ngõ hát để hàng xóm cùng “thưởng thức”, mà không biết rằng đây là hình thức “tra tấn” thật đáng sợ.
Thiếu thiết bị đo tiếng ồn, không thể xử phạt
Ông Phan Đình An, Chủ tịch UBND P.6, Q.Gò Vấp, TP.HCM cho biết từ ngày làm chủ tịch phường, do công khai số điện thoại nên ông An nhận được rất nhiều cuộc gọi của người dân để phản ảnh đủ vấn đề. Trong đó, việc hàng xóm “tố” nhau vì hát karaoke ầm ĩ là chuyện cơm bữa.
“Nhất là những ngày trước tết, nhiều nhà mở tiệc tất niên rồi thoải mái hát hò ầm ĩ, nay nhà này mai nhà khác “tra tấn” cả khu phố. UBND phường đã nhờ công an xuống giải quyết và thu luôn loa trong vài ngày rồi trả lại để hàng xóm được nghỉ ngơi”, ông An thông tin.
Đau đầu vì karaoke dưới đủ hình thức Ảnh: An Huy
Theo ông An, việc xử phạt là có quy định, tuy nhiên quy định phải đo được tiếng ồn đó ở mức nào, trong khi UBND phường không có thiết bị đo tiếng ồn, cả TP cũng không biết có được mấy cái nên chỉ nhắc nhở hoặc tạm thu loa chứ chưa lập biên bản trường hợp nào.

Bà Nguyễn Thùy Bích Thủy, Chủ tịch UBND P.15, Q.4 cũng cho biết khoảng thời gian trước tết phường thường nhận được phản ảnh của người dân về việc hàng xóm hát karaoke ồn ào. Mỗi lần như vậy, bà Thủy cử công an phường hoặc bảo vệ dân phố đến nhắc nhở là mọi người tắt nhạc.
“Còn về vấn đề xử phạt thật sự rất khó, muốn xử phạt phải đo được mức độ tiếng ồn nhưng phường đâu được cấp thiết bị này. Muốn có phải đi thuê, giá thuê thì hết mười mấy triệu mà thẩm quyền phường phạt cao nhất là 5 triệu nên không thuê được. Do vậy chủ yếu là nhắc nhở để đôi bên cùng vui vẻ”, bà Thủy bày tỏ.
Ông Bùi Minh Tiến, Chủ tịch P.Cầu Ông Lãnh, Q.1 thì cho biết do đặc điểm quận trung tâm, nhà nhỏ nên trên địa bàn hiếm khi có việc người dân phản ảnh hàng xóm “tra tấn” âm nhạc. Do vậy, từ ngày ông Tiến làm chủ tịch phường này tới nay cũng chưa lập được biên bản vi phạm nào về tiếng ồn.
Chẳng lẽ lắc đầu cho qua?
Trong loạt bài Karaoke xóm, màn ‘tra tấn’ nhiều người khóc ròng trên Báo Thanh Niên, độc giả tên Lâm, ngụ TP.HCM bình luận: Ru con nhỏ từ 20 giờ đến 23 giờ mà vẫn không xong, chợp mắt được ít giây là cái loa kẹo kéo ở xóm dập một phát cho tỉnh giấc, bực mình phải gọi công an, cũng không biết nói sao. Ở xóm có ít nhất khoảng 3 cái loa như vậy thay nhau tra tấn. Nhức cả não, hát bất kể giờ giấc, thua luôn.
Một điều nhịn, chín điều lành nhưng khi bị "tra tấn" liên tục thì dễ đẩy mỗi người đến tâm lý ức chế

Một độc giả khác cũng bức xúc: “Đừng nghĩ cứ trước 22 giờ thì muốn làm gì thì làm. Hát hò cần có một không gian riêng đừng để làm phiền đến giờ giấc sinh hoạt mọi người xung quanh. Hẻm sau nhà tôi cũng thế, gọi điện thoại báo cho phường cũng chỉ được câu trả lời cứ chờ sau 22 giờ mới hết giờ giới nghiêm. Cứ phải ngậm đắng nuốt cay chờ đến 22 giờ rồi thì con cháu mới được yên ổn học hành. Đau đớn lắm!”.
Một bạn đọc ở Tây Ninh thì tâm sự rằng nhà anh ở chợ Gò Dầu nên nhà cửa san sát nhau. “Hàng xóm có mấy ông vui cũng nhậu, buồn cũng nhậu, 2 - 3 ông cũng nhậu mà mỗi lần nhậu là mướn dàn karaoke 4 loa chở trên xe lôi hướng vào nhà hàng xóm mà tra tấn suốt đêm… làm cả ngày đến tối bị tra tấn, tôi muốn bị tâm thần luôn nhưng không thấy chính quyền nhắc nhở gì cả...”, anh chia sẻ.
Bạn đọc tên Thao, ngụ Q.1, TP.HCM cũng cho biết khu nhà anh nằm trong hẻm ở Q.1 không phải chung cư nhưng sát vách. Khi hàng xóm mướn loa hoặc mở loa lên hát, ban đầu anh nghĩ lâu lâu họ giải trí vài tiếng, một điều nhịn chín điều lành nhưng họ hát từ chiều giờ chiều đến 10 giờ tối, loa lớn cộng thêm tiếng cười nói ăn uống ồn ào.

“Mình qua góp ý, họ bỏ ngoài tai hết lần này đến lần khác. Mình gọi điện thoại phản ảnh, công an phường không thèm giải quyết. Đi xuống tận công an phường thì chỉ nhún vai bảo về”, anh Thao nói.
Anh Duy Tường, ngụ tỉnh Thừa Thiên Huế cũng cho biết ở phường anh chuyện hát karaoke ồn ào chỉ là chuyện nhỏ nhưng chuyện mở loa to, la hét khi xem bóng đá đến 5 giờ sáng mới là chuyện lớn. Dù họp tổ dân phố, viết đơn phản ảnh các kiểu tới công an nhưng tình hình vẫn không có gì thay đổi suốt 6 năm nay.
Có thể thấy, người dân thì có người nể tình làng nghĩa xóm nên “dĩ hòa vi quý”, nhưng đến độ không thể chịu nổi được nữa thì phải tìm đến chính quyền để nhờ giải quyết. Có quy định là vậy, tuy nhiên chính quyền cũng bó tay vì không có công cụ đo tiếng ồn, chưa kể mức phạt cũng cao hơn số tiền của một cái loa di động nên nhiều người sẵn sàng nộp luôn cho phường thay vì chịu đóng phạt.
Vì vậy, màn “tra tấn” bằng âm nhạc cứ tiếp diễn trong từng ngõ ngách…
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.